Chủ động thông tin, định hướng dư luận
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:03, 23/01/2014
Thủ tướng nêu rõ: Việc cung cấp thông tin phải kịp thời, chính thống, không để bị động; cung cấp thông tin về các hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, thông tin về những vấn đề mới nổi lên, thông tin về những vấn đề được báo chí, nhân dân phản ánh, quan tâm...
Cũng trong ngày 21-1, Thành ủy Hà Nội có Chỉ thị số 25CT/TU về việc cung cấp thông tin và trả lời báo chí nêu rõ: UBND thành phố, các sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã, đơn vị trực thuộc định kỳ cung cấp thông tin cho báo chí về tình hình hoạt động, công tác chỉ đạo, điều hành và các vấn đề liên quan thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý của ngành, địa phương...; đồng thời phải phân công cán bộ có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin; khi cần thiết, lãnh đạo các địa phương, đơn vị trực tiếp cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí...
Từ thực tế "đời sống báo chí" cũng như nhu cầu tiếp cận thông tin của toàn xã hội, có thể thấy:
Thứ nhất, trong một "thế giới phẳng" như hiện nay, các phương tiện thông tin đã phát triển với một tốc độ chóng mặt, độ "bao phủ" rộng lớn, đặc biệt là các phương tiện thông tin truyền thông như báo chí, phát thanh, truyền hình… không còn vai trò độc quyền như trước đây. Trước một sự việc, hiện tượng, nếu hệ thống này "im lặng", thông tin vẫn sẽ lan nhanh trên các phương tiện truyền thông xã hội. Khi các thông tin mang tính chủ quan, thậm chí mang mục đích xấu đã như vết dầu loang trong đời sống, định hình về mặt nhận thức đối với người tiếp nhận thông tin và hình thành dư luận xã hội thì việc thay đổi nhận thức và dư luận đó không đơn giản.
Thứ hai, có một thực tế là bên cạnh những thông tin đúng, biểu dương hay phê phán trên tinh thần xây dựng và vì sự phát triển của xã hội, có một lượng không nhỏ thông tin được đăng tải không đúng bản chất vấn đề, không được xác minh chính xác hay thông tin một chiều, thiếu khách quan, tác động tiêu cực đến nhận thức của người tiếp nhận thông tin, thậm chí có lúc gây khó khăn cho việc triển khai các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Việc này ngoài trách nhiệm của cơ quan báo chí cũng có một phần nguyên nhân do lãnh đạo một số cơ quan đơn vị chưa nhận thức đúng vai trò, tác động của báo chí cũng như việc thông tin cho báo chí theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ ba, không phải ở thời điểm này vấn đề chủ động thông tin cho báo chí mới được đặt ra, ngày 4-5-2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 25/TTg về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng để thúc đẩy xã hội, các tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định mang tính pháp lý trong hoạt động báo chí vẫn rất hạn chế. Ví dụ luật pháp quy định: "Cơ quan báo chí có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân thông tin về những việc mà báo chí nêu", nhưng thực tế những sự thông tin trở lại thường rất ít, việc trả lời báo chí chưa được quan tâm đúng mức dẫu biết rằng sự trả lời này không phải cho một tờ báo mà là cho bạn đọc.
Do vậy, việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ động thông tin cho báo chí và việc Thành ủy Hà Nội có Chỉ thị số 25CT/TU về việc cung cấp thông tin và trả lời báo chí là những chỉ đạo có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với hoạt động báo chí nói riêng cũng như đời sống xã hội nói chung. Chủ động cung cấp thông tin cũng như phản hồi thông tin một cách tích cực không chỉ giúp báo chí thông tin chính xác, kịp thời, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin của toàn xã hội, mà còn giúp báo chí thực hiện tốt vai trò định hướng dư luận, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước.