Nhiều giá trị của di tích, lễ hội đang bị hiểu sai
Văn hóa - Ngày đăng : 06:25, 22/01/2014
Nhằm giúp bạn đọc có thêm kênh thông tin về giá trị, ý nghĩa của di tích, lễ hội, phóng viên Báo Hànộimới đã ghi lại ý kiến của nhà nghiên cứu văn hóa, GS Trần Lâm Biền tại một cuộc hội thảo do Bộ VH,TT&DL tổ chức mới đây.
Bài trí đồ thờ tự chưa hợp lý
Về quản lý di tích, rất nhiều người hiểu rằng di tích là những công trình kiến trúc gắn với tôn giáo, tín ngưỡng nên ứng xử với di tích trên nền tảng tôn giáo, tín ngưỡng nhiều hơn là quan tâm tới tính chất di sản văn hóa của nó. Cũng vì ít quan tâm đến khía cạnh di sản văn hóa nên chúng ta đi từ sai lầm này tới sai lầm khác, chẳng hạn việc một số chùa cho xây bình phong. Hiện tượng này đi ngược lại với tính chất giáo lý của Phật giáo, bởi sự từ bi hỉ xả của nhà chùa có khả năng đuổi cả quỷ dữ thì sao lại xây bình phong để nhốt lại?...
Lễ hội, về bản chất, có ý nghĩa quan trọng, tích cực đối với đời sống văn hóa tinh thần. Ảnh: Bá Hoạt |
Đáng nói hơn là việc đưa Quan Âm Bồ Tát vào thờ vẫn diễn ra ở một số nơi. Quan Âm, Di Lặc… là những vị cứu độ một cách gấp gáp, trong khi xã hội chúng ta đang yên bình; theo tôi, chúng ta chỉ ủng hộ việc thờ Quan Âm, Di Lặc nếu những bức tượng ấy có từ trước chế độ chúng ta.
Việc sắp xếp, bố trí đồ thờ tự trong di tích hiện nay cũng còn nhiều điểm bất hợp lý. Mỗi nơi thờ có cách bày biện khác nhau, nhưng bao giờ cũng có điểm chung là thông tam tầng vũ trụ. Ngày xưa, các cụ chỉ để lên ban thờ lọ độc bình; ngày nay, một số ban thờ có song bình. Độc bình là đồ thờ, song bình là đồ chơi, đem song bình vào trong di tích là đem cái ồn ào ngoài xã hội vào nơi thờ tự. Hơn nữa, việc bài trí thờ tự ở đình và chùa rất khác nhau, chùa thì có tượng nhưng đình không bao giờ có tượng, trừ khi đình chuyển hóa thành đền.
Nhiều người thấy tượng to, lòe loẹt là thích, di tích đồ sộ, hoành tráng là mừng. Một số người có trách nhiệm quản lý, trông coi di tích lầm tưởng mình là chủ nhân và ứng xử với di tích theo cách họ hiểu, họ muốn, dẫn đến sự sai. Đó là điều không thể chấp nhận được trong một xã hội văn minh. Thế nên, cái đích mà công tác quản lý di tích cần hướng tới, cần quan tâm là sự am hiểu của cộng đồng, của những người làm công tác quản lý di tích. Mặt khác, việc phân cấp quản lý di tích cần có sự thống nhất từ trên xuống dưới. Người lãnh đạo cấp trên phải chịu trách nhiệm chung với cấp dưới. Khi làm hồ sơ di tích, các cơ quan chức năng phải xác định rõ những hiện vật nào là quý giá, rồi giao trách nhiệm cụ thể cho người quản lý. Hiện vật mất hay hư hỏng thì người quản lý phải chịu trách nhiệm.
Đốt đồ mã càng to, càng giảm ý nghĩa
Về chuyện lễ hội, rất nhiều người tổ chức, quản lý, tham gia lễ hội hiện nay không hiểu rõ lễ hội là gì. Phần đông cứ cho rằng lễ là cúng bái, hội là vui chơi. Thực chất, hội là nơi tập hợp một cộng đồng người để thực hiện những điều về lễ, trong đó, việc cúng bái chỉ là một nghi thức trong rất nhiều nghi thức của lễ. Lễ bao gồm những hành vi ứng xử mang tính chân thiện mỹ của con người đối với thần linh, đối với vũ trụ, đối với họ hàng thân tộc và đối với chính mình. Ý nghĩa của lễ hội là thúc đẩy tinh thần yêu quê hương, dân tộc, đỉnh cao tột cùng của lễ hội là con người vượt qua chính bản thân mình, làng xã mình để yêu quê hương, đất nước. Các trò chơi dân gian trong lễ hội cũng gắn với những ý nghĩa đặc biệt. Chẳng hạn như Lễ hội Chọi trâu ở Đồ Sơn không đơn giản chỉ là cuộc đấu thú vị, mà con trâu ấy, với cái sừng cong cong như trăng lưỡi liềm có liên quan đến mặt trăng, đến thủy triều. Tích truyện nói rằng, hai con trâu ở dưới nước lên bờ chọi nhau, và đó là sự vận động của thủy triều. Khi trận quyết chiến xong xuôi, trâu lặn xuống nước, con người muốn diễn lại hình ảnh đó nên tổ chức lễ hội...
Hiện nay, có nhiều người quan niệm khi đến với di tích, lễ hội mà đốt đồ mã càng to thì càng được nhiều lộc, đó là điều hết sức sai lầm, đi ngược lại truyền thống văn hóa và giá trị tín ngưỡng, tâm linh. Bởi, thế giới có ba tầng, tầng trên là khổng lồ, tầng giữa là nhân gian, tầng dưới là âm ti. Đồ mã cho người cõi âm mà cứ voi, ngựa, nhà lầu, xe hơi khổng lồ chẳng khác gì đe dọa người chết. Vì thế, khi cúng vong ngày rằm tháng Bảy, tiễn ông Công, ông Táo ngày 23 tháng Chạp thì chỉ cần bộ lễ nhỏ như người xưa thường làm. Việc rải tiền lẻ trong các nơi thờ tự hay nhét vào tay tượng, như nhiều lần đã nói, đó là hành động "hối lộ thánh thần", là hành vi phản văn hóa.
Nói chung, chúng ta nên "dùng cái đầu" để ứng xử với di tích, lễ hội chứ không phải thích làm gì thì làm, phải dựa trên nền tảng trí tuệ thì cái tâm mới sáng được. Nói cách khác, khi đến với di tích, lễ hội mà thiếu sự hiểu biết thì cái tâm dễ dẫn đến hành động mù quáng, khó coi.