Ukraine: Chia rẽ Đông - Tây ngay trong lãnh thổ

Thế giới - Ngày đăng : 06:01, 22/01/2014

(HNM) - Ukraine đang phải trải qua cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ cuộc Cách mạng Cam năm 2004. Sau đúng một thập kỷ,


Diễn biến phức tạp ngày càng có chiều hướng leo thang nhất là sau khi Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych ban hành các điều luật sửa đổi, vốn gây phản ứng mạnh mẽ từ phương Tây và phe đối lập trong nước. Đáng chú ý, những sửa đổi nói trên bao gồm cả việc quy trách nhiệm hình sự đối với hành vi vu khống, cực đoan; đồng thời tăng nặng hình phạt khi tổ chức các vụ gây mất trật tự tập thể, phong tỏa và chiếm các tòa nhà. Luật pháp sửa đổi cũng cho phép phạt tù từ 3 đến 5 năm đối với những người có hành động xúc phạm và hủy hoại các đài kỷ niệm được xây dựng để tưởng nhớ những người đã chiến đấu chống phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ II, các chiến sĩ giải phóng Xô Viết, thành viên phong trào du kích, những người hoạt động bí mật, nạn nhân bị phát xít săn đuổi, cũng như những người lính quốc tế và lính gìn giữ hòa bình… Luật sửa đổi bắt đầu có hiệu lực từ ngày 21-1 sẽ góp phần hạn chế đáng kể những hành động quá khích trong các cuộc biểu tình. Tuy nhiên, đây lại chính là nguyên nhân dẫn đến đụng độ giữa các "chiến binh đường phố" với lực lượng cảnh sát tại thủ đô Kiev làm hơn 100 người bị thương trong vòng hai ngày qua.

Căng thẳng có dấu hiệu ngày càng leo thang tại Ukraine.



Trong một động thái nhằm xoa dịu tình hình, Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych đã chỉ thị thành lập một ủy ban đặc biệt để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị đang gia tăng. Các cuộc thảo luận giữa Chính phủ và phe đối lập cũng đã được sắp đặt để hóa giải những bất đồng, song chưa có tín hiệu nào cho thấy hai bên sẽ tìm được tiếng nói chung để đưa chính trường Ukraine trở lại ổn định.

Từ cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine, có thể nhận thấy quyết định ngừng ký thỏa thuận hợp tác với Liên minh Châu Âu (EU) - ngòi nổ cho cuộc khủng hoảng hiện nay - chỉ là "giọt nước tràn ly" trước những mâu thuẫn luôn âm ỉ trong xã hội Ukraine. Trong nhiều thập kỷ qua, Ukraine luôn là sự tương phản giữa hai vùng rõ rệt. Đó là khu miền Tây và miền Trung bao gồm cả thủ đô Kiev, giáp với khu vực Châu Âu, chịu ảnh hưởng của nền chính trị phương Tây, theo quan điểm ủng hộ tăng cường liên kết với EU. Phần còn lại là vùng duyên hải dọc Biển Đen và miền Đông, với nhiều yếu tố gắn với nước Nga và những hoài niệm về thời Liên bang Xô Viết, bao gồm cả vùng Donetsk - tỉnh đông dân nhất nước. Do nhiều nguyên nhân trong lịch sử, người Ukraine miền Tây thường có xu hướng hướng đến Mỹ và phương Tây. Họ ủng hộ cải cách kinh tế triệt để, chấn hưng ngôn ngữ, văn hóa Ukraine và cuối cùng là ước muốn trở thành thành viên của EU và Khối Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ngược lại, những người miền Đông dường như lại muốn tham gia Liên minh kinh tế Á - Âu gồm Nga - Belarus - Kazakhstan, muốn tiếng Nga được đưa vào Hiến pháp như là "ngôn ngữ chính". Hình thái "hai nước Ukraine" trong một đất nước này đã đưa đến hai xu hướng phát triển đối lập là quay lại với "không gian hậu Xô Viết" hay "tiến lại với Châu Âu".

Với một vị trí địa - chiến lược nhạy cảm như vậy, Ukraine luôn là địa bàn chứng kiến sự đối đầu giữa Nga và phương Tây. Không quá khó để giải thích việc Mỹ và các nước Châu Âu quan tâm đặc biệt tới tình hình tại Ukraine và liên tục thể hiện lập trường cứng rắn bằng những động thái của Kiev trước cuộc biểu tình chống Chính phủ, xem đó là hành động "đàn áp dân thường". Trong khi đó, Nga cũng lên tiếng cáo buộc phương Tây gây sức ép lên chính quyền nước này. Thậm chí nhiều ý kiến còn cho rằng, đây không đơn thuần là cuộc chiến giành giật ảnh hưởng tại Ukraine mà là một phiên bản của sự đối đầu Đông - Tây, vốn là bản chất của thời chiến tranh lạnh, vẫn đang tồn tại.

Tuy nhiên, suy cho cùng thì "gió Đông" thổi bạt "gió Tây" hay "gió Tây" sẽ lấn lướt "gió Đông" đều không phải là một chiến thắng cho người dân Ukraine khi mà những chia cắt, đối kháng ngay bên trong lãnh thổ còn chưa được giải quyết. Chỉ có một nền kinh tế phát triển, tự chủ trên nền tảng chính trị vững chắc được sự đồng lòng của đa số nhân dân mới có thể đem lại ổn định lâu dài cho đất nước Ukraine.

Lâm Phương