Bài 3 - Phần 2: Con người là “máu thịt” của mọi chính sách
Văn hóa - Ngày đăng : 05:52, 22/01/2014
Một trong những mục tiêu rất quan trọng của nền giáo dục Việt Nam là giáo dục nhân cách, giáo dục làm người. Nhiệm vụ ấy thể hiện rõ tinh thần của Nghị quyết là quan tâm phát triển nguồn lực con người một cách toàn diện, coi con người là nguồn lực nội sinh trong công cuộc phát triển, trong đó thanh niên là lực lượng xung kích. Đó cũng là giải pháp cơ bản nhằm tạo nên những thế hệ chủ nhân đất nước tương lai có đủ tài - đức để đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH.
Giáo dục công dân là môn học có ý nghĩa quan trọng, tuy nhiên lại chỉ có thời lượng khiêm tốn trong nhà trường. Ảnh: Thanh Hải |
Trên thực tế, đạo đức, lối sống của thanh niên còn rất nhiều vấn đề. Những tác động của kinh tế thị trường đã phần nào khiến cho tình trạng vi phạm đạo đức, pháp luật của thanh thiếu niên nói chung và học sinh, sinh viên (HS, SV) nói riêng gia tăng. Tại hội thảo mới đây bàn về giải pháp tăng cường hiệu quả giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống cho HS, SV, TS Ngũ Duy Anh (Vụ trưởng Vụ Công tác HS, SV, Bộ GD-ĐT) nhận định: Chúng ta chưa thể hài lòng và yên tâm với thế hệ tương lai của đất nước khi không ít HS, SV có biểu hiện lệch lạc về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Một trong những giải pháp cốt lõi của vấn đề là thắt chặt sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội. Đây là "tam giác" giáo dục quan trọng đối với mỗi con người; là môi trường hài hòa giữa tình cảm và quy phạm, vừa lý thuyết và thực tiễn để giúp HS, SV nâng cao khả năng tự nhận thức, tự giáo dục; cũng là nơi phát hiện và điều chỉnh những biểu hiện lệch lạc để kịp thời uốn nắn…
Sự phối hợp "ba nhà" (gia đình - nhà trường - xã hội) vốn là cách làm truyền thống trong giáo dục đạo đức cho HS, SV. Thực tế chứng minh, trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế với những tác động đa chiều, trong đó có những yếu tố có hại sẵn sàng "tấn công" cuộc sống giới trẻ bất kỳ lúc nào, cho thấy đó vẫn là giải pháp căn cơ, cấp thiết và hiệu quả nhất. Thế nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì lại không đơn giản. Vốn dĩ, việc giáo dục nhân cách không thể cứng nhắc, gò ép, mà cần sự kiên trì, mềm mỏng và đồng đều của cả "tam giác". Nhiều diễn đàn bàn về vấn đề này đều cho rằng cả cha mẹ, thầy cô và người lớn phải quan tâm hơn, thường xuyên lắng nghe, chia sẻ và có trách nhiệm hơn trong việc giáo dục con cái… Tuy nhiên, đáng buồn là những điều ấy thường chỉ được đề cập tại những thời điểm rộ lên các sự vụ "nóng" liên quan đến HS, SV.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội), tư tưởng, đạo đức, lối sống của mỗi con người là biểu hiện cụ thể của nhân cách. Nhân cách ấy chỉ có thể hoàn thiện khi được chăm chút, nuôi dưỡng trong môi trường hài hòa giữa gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó gia đình có vai trò là điểm tựa đối với sự hình thành và phát triển nhân cách con người từ lúc ấu thơ đến tuổi trưởng thành. Trong khi đó, quan niệm "trăm sự nhờ cô" vẫn tồn tại khá phổ biến. Xã hội hiện đại cùng với nhịp sống nhanh đã kéo mọi thành viên theo dòng chảy công việc, mưu sinh. Chẳng phải ngẫu nhiên mà có vị hiệu trưởng một trường THPT tại Hà Nội đã liệt kê, có tới 70-80% HS thường xuyên "đi bụi", do sống trong hoàn cảnh gia đình ly tán, bố, mẹ mắc tệ nạn xã hội.
Trong hệ thống các môn học, giáo dục đạo đức, giáo dục công dân là môn học đặc biệt và là một bộ phận của quá trình giáo dục các giá trị nhân cách con người. Mục tiêu, trọng trách nặng nề là vậy, nhưng thời lượng cho môn học này chỉ chiếm trên dưới 4% - một tỷ lệ rất khiêm tốn trong tổng số các môn học. Thời lượng ít ỏi, nội dung chương trình, sách giáo khoa lại quá ôm đồm, nặng về lý thuyết, xa rời thực tiễn, trong đó có những kiến thức mà cả người dạy và người học đều "không biết để làm gì" ở lứa tuổi HS phổ thông như triết học, kinh tế chính trị…
Trong khi đó, sự phối hợp giữa "ba nhà" nhiều khi lại thể hiện rõ sự lỏng lẻo, thiếu nghiêm túc. Vì thế có những giải pháp được đánh giá là thiết thực và cần thiết, song quá trình triển khai lại chưa thường xuyên, đồng bộ nên hiệu quả chưa cao. Điển hình như việc phối hợp thực hiện thông tư liên ngành giữa hai bộ Công an và Giáo dục - Đào tạo trong việc giám sát, quản lý HS đi xe máy khi chưa đủ điều kiện hoặc vi phạm luật giao thông. Hình thức "phạt nguội" được coi là phương án tối ưu. Thế nhưng, khi lực lượng công an gửi danh sách HS vi phạm về trường đề nghị xử phạt thì số trường hồi âm chỉ tính trên đầu ngón tay. Lại có hiệu trưởng đích thân hoặc cử giáo viên "vi hành" để tường tận học trò mình hơn, nhưng không có cơ chế nào để họ có thể duy trì sự hăng hái thường xuyên được...
Ngoài việc lỏng lẻo trong phối hợp giữa "ba nhà" thì quá trình thực hiện cho thấy việc thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát và kịp thời ban hành những cơ chế phù hợp đã làm giảm tính bền vững của kết quả đạt được. Điển hình ở dẫn chứng nêu trên. Hay như việc thành lập phòng tư vấn tâm lý trong mỗi trường học đã được xới xáo từ lâu bởi sự cần thiết trong việc hỗ trợ giáo dục, tạo nên những thế hệ HS không chỉ có kiến thức mà còn có đạo đức, kỹ năng, đáp ứng các yêu cầu của giai đoạn phát triển mới. Thế nhưng, qua vài năm triển khai lại chẳng có tổng hợp, đánh giá một cách đồng bộ, khoa học dẫn đến tình trạng nơi nào muốn thì làm, nơi không làm cũng chẳng sao. Hà Nội chỉ còn vài trường phổ thông duy trì mô hình này, song cũng phải "giật gấu vá vai" do thiếu cả người làm và kinh phí.
Nhận rõ nguyên nhân thì mới có thể xác định giải pháp cần có. Định hướng cụ thể thế nào và nhiệm vụ xây dựng con người trong bối cảnh mới sẽ được triển khai ra sao?