Dang rộng vòng tay với người lầm lỡ
Đời sống - Ngày đăng : 06:41, 21/01/2014
Hà Nội hiện có hơn 18.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Trong năm 2013, thành phố đã đưa gần 3.000 người nghiện vào các trung tâm cai nghiện và áp dụng biện pháp quản lý sau cai tại nơi cư trú đối với hơn 1.500 người. Theo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), 100% học viên sau khi cắt cơn thành công đều được dạy nghề và được tạo việc làm ngay tại trung tâm cai nghiện. Điều này vừa giúp học viên ổn định thu nhập vừa nâng cao tay nghề để về cộng đồng tìm được việc làm, ổn định đời sống. Ngoài ra, các đoàn thể của địa phương đứng ra tín chấp, giúp người sau cai được vay vốn phát triển sản xuất. Một số quận, huyện: Cầu Giấy, Long Biên, Hai Bà Trưng, Gia Lâm… làm khá tốt việc này.
Chị An Thị Hồng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) B93 phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng cho biết: Từ năm 2009 đến nay, phường Minh Khai cùng các đoàn thể đã tổ chức cho 10 hội viên vay vốn, nhờ có sự giám sát của gia đình nên nguồn vốn luôn được bảo toàn. Anh Trần Tiến Hùng, thành viên CLB B93 phường Minh Khai cho hay: "Sau khi cai nghiện thành công, được CLB giúp đỡ vay vốn tôi đã mở dịch vụ giặt khô, là hơi ngay tại phường. Hiện tại, cửa hàng của tôi làm ăn hiệu quả"… Từ nhiều năm nay, UBND phường Mai Dịch (Cầu Giấy) đã liên kết với doanh nghiệp trên địa bàn và Trường Cao đẳng Nghề Hà Nội tổ chức dạy nghề tạo việc làm ổn định cho gần 20 người sau cai nghiện.
Tuy nhiên, với những địa phương thực sự quan tâm thì đối tượng sau cai gặp nhiều khó khăn trên con đường tìm việc. Anh Nguyễn Văn Chung ở quận Thanh Xuân cho biết: "Thời gian ở trung tâm cai nghiện tôi được học nghề hàn. Trở về địa phương đi xin việc nhưng khi xem hồ sơ của tôi các chủ doanh nghiệp đều tìm đủ lý do để trả lại. Nhiều bạn từng ở chung với tôi ở trung tâm cũng rơi vào hoàn cảnh này". Theo nhận định của ông Nguyễn Đình Hiền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố: Việc hỗ trợ việc làm cho lao động tái hòa nhập cộng đồng gặp nhiều khó khăn một phần do doanh nghiệp vẫn coi họ là đối tượng "nhạy cảm" nên không tiếp nhận. Mặt khác, nhiều người từng nghiện ma túy đều hạn chế về trình độ học vấn, sức khỏe. Sau khi học nghề tại trung tâm cai nghiện, họ vẫn chưa có đủ kỹ năng, kinh nghiệm để tìm và gắn bó với công việc. Đấy là chưa kể đến tình trạng bản thân họ không có nhu cầu học nghề, không muốn lao động, một số người sau cai nghiện không về địa phương gây khó khăn cho việc theo dõi, quản lý…
Để khắc phục bất cập này, theo ông Nguyễn Đình Hiền, các trung tâm cai nghiện cần đổi mới hoạt động dạy nghề cho học viên bằng cách liên doanh, liên kết với các cơ sở đào tạo nghề có chuyên môn để hình thành các nhóm nghề, nâng cao chất lượng dạy nghề. Ngoài ngân sách nhà nước, trung tâm cai nghiện có thể huy động sự hỗ trợ của gia đình học viên cho hoạt động đào tạo nghề, để sau cai nghiện họ có thể tìm việc làm phù hợp. Mặt khác, năm 2006, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 212/2006 về tín dụng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và doanh nghiệp sử dụng người lao động là người sau cai nghiện ma túy được vay vốn với mức lãi suất cho vay hộ nghèo qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng quy định miễn thuế thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp dành riêng cho người lao động là người tàn tật, người sau cai nghiện, người nhiễm HIV. Căn cứ vào quyết định này và thực tế tại địa phương, doanh nghiệp có thể mở rộng tiếp nhận các đối tượng nghiện sau cai vào làm việc. Bên cạnh việc khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng người sau cai, việc hỗ trợ vốn vay, giúp họ phát triển kinh tế gia đình cũng là giải pháp bền vững giúp người sau cai nghiện hòa nhập, sống có ích cho gia đình và xã hội.