Đủng đỉnh đến bao giờ?
Đời sống - Ngày đăng : 07:46, 20/01/2014
Vi phạm đã rõ
Năm 2003, xã Phú Lương (nay là phường Phú Lương) thuộc huyện Thanh Oai chuyển địa giới về thị xã Hà Đông (nay là quận Hà Đông). Do buông lỏng quản lý nên đã có hàng nghìn vi phạm về đất đai và trật tự xây dựng (TTXD) nảy sinh. Ngày 23-11-2001, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) có Quyết định 1966, ban hành quy định tạm thời về xử lý một số vi phạm trong quản lý, sử dụng đất để cấp sổ đỏ. Mọi phức tạp nảy sinh từ đây khi xã Phú Lương tiến hành xử lý vi phạm để cấp sổ đỏ cho các hộ dân bằng cách cắt bớt quy trình, bỏ qua nhiều thủ tục, quy định. Kết quả, đã có hàng trăm sổ đỏ được cấp sai quy trình. Qua thanh, kiểm tra những năm sau đó, nhiều vi phạm bị phát hiện và một số cán bộ huyện Thanh Oai, xã Phú Lương đã bị xử lý theo pháp luật, nhưng những sổ đỏ cấp sai vẫn không bị thu hồi nên đã gây ra những hệ lụy đến tận bây giờ.
Công trình xây trên đất nông nghiệp (ở phường Phú La) nhưng đã có sổ đỏ do UBND huyện Thanh Oai cấp năm 2003. |
Những bức xúc đối với cả người dân và cơ quan chức năng ngày càng phức tạp khi quận Hà Đông lập quy hoạch thực hiện các dự án trên địa bàn. Do biết sổ đỏ có "vấn đề" nên nhiều hộ dân không hợp tác với các đơn vị kiểm đếm, không kê khai, chỉ đến khi bị cưỡng chế phá dỡ công trình thì chủ nhà mới chìa ra sổ đỏ… Quá trình thanh tra những sổ đỏ này, quận Hà Đông phát hiện cán bộ xã Phú Lương cố ý hợp thức hồ sơ để cấp sổ đỏ. Do vậy, vi phạm bị phát hiện thường phổ biến ở dạng: Đất nông nghiệp được cán bộ hô "biến" thành đất ở; nhiều thửa đất, tờ bản đồ ghi trong sổ đỏ không đúng hoặc không có thật; nhiều thửa là đất nông nghiệp nhưng lại được đưa vào bản đồ đất thổ cư… Chính vì vậy, nhiều thửa đất được cấp sổ đỏ nhưng đến nay vẫn nằm chơ vơ giữa cánh đồng, vẫn là ruộng đang canh tác.
Vướng mắc trong xử lý
Những tồn tại nêu trên không chỉ diễn ra ở phường Phú Lương, mà còn là tình trạng chung của các phường: Phú Lãm, Phú La, Đồng Mai… (trước đây thuộc huyện Thanh Oai) và Yên Nghĩa (trước đây thuộc huyện Hoài Đức). Để có hướng xử lý thực trạng này, Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đã rà soát và UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn quận Hà Đông giải quyết các tồn tại. Theo đó, quận Hà Đông phải thống kê, phân loại theo từng dạng vi phạm: Các trường hợp được cấp sổ đỏ theo Quyết định 1966 đã xây dựng nhà ở, phù hợp quy hoạch đất ở, không nằm trong phạm vi các dự án… thì lập danh sách công khai, công nhận các sở hữu hợp pháp; còn với trường hợp đã bị quy hoạch vào dự án thì yêu cầu các hộ giữ nguyên hiện trạng, khi thực hiện dự án sẽ xem xét, đền bù theo quy định. Đối với các sổ đỏ có nguồn gốc là đất nông nghiệp, không nằm trong danh sách được UBND huyện Thanh Oai xét duyệt, không có tên trong quyết định cấp sổ đỏ… nhưng vẫn được cấp thì chuyển Thanh tra quận thanh tra; trường hợp có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng, chuyển cơ quan công an xử lý. Trường hợp phức tạp liên quan đến cả huyện Thanh Oai và quận Hà Đông thì quận Hà Đông báo cáo thành phố giải quyết…
Tuy nhiên, đến nay việc thống kê vẫn chưa có số liệu cuối cùng vì các hộ dân không kê khai, trong khi đó sổ sách do huyện Thanh Oai bàn giao cho quận Hà Đông không đầy đủ, hoặc nhiều sổ đỏ không có hồ sơ quản lý trên thực tế. Năm 2013, sau khi có kết luận thanh tra, quận Hà Đông đã báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, tất cả các sổ đỏ bị thanh tra đều là cấp không đúng pháp luật. Đặc biệt, nhiều trường hợp huyện Thanh Oai cấp sổ đỏ sau khi phường Phú Lương đã chuyển địa giới về quận Hà Đông được 38 ngày? Lại có trường hợp sổ đỏ được cấp trước khi UBND huyện Thanh Oai ra quyết định đến 13 ngày?
Tháng 9-2013, một lần nữa quận Hà Đông lại có văn bản xin ý kiến Sở Tài nguyên và Môi trường về cách giải quyết đối với các sổ đỏ do huyện Thanh Oai, Hoài Đức, Chương Mỹ cấp là đất ở, nhưng trên thực tế là đất vườn xen kẹt, đất ao, đất công do UBND xã quản lý. Các trường hợp này không chỉnh lý biến động trên hệ thống bản đồ, sổ sách, không có hồ sơ, tài liệu thể hiện quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Chưa kể, nhiều sổ đỏ đã thực hiện thủ tục công chứng văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất tại các tổ chức hành nghề công chứng. Ngày 2-1-2014, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố có Văn bản số 13/STNMT-ĐKTK, gửi UBND quận Hà Đông đề nghị "UBND quận Hà Đông căn cứ quy định của pháp luật… xử lý theo thẩm quyền". Với văn bản có nội dung hướng dẫn chung chung như vậy, UBND quận Hà Đông đang "xoay như chong chóng" vì chưa biết phải giải quyết cụ thể thế nào.