Ô nhiễm nặng, thiệt hại lớn
Xã hội - Ngày đăng : 07:41, 20/01/2014
Độc hại cho sức khỏe, thiệt hại cho sản xuất
Để xác minh thông tin, chúng tôi tìm đến ao cá của gia đình ông Đặng Văn Hiển, thôn Nguyễn Xá, xã Phương Tú (Ứng Hòa) và không khỏi xót xa khi thấy cá chết hàng loạt, nổi lềnh bềnh trên mặt ao. Bên bờ ao, hàng đống cá chết bốc mùi hôi thối vẫn chưa kịp thu dọn. Ông Hiển cho biết, mặc dù bờ ao của ông dày hơn 1m, nhưng do nguồn nước đổ ải từ kênh Vân Đình bị ô nhiễm nghiêm trọng đã thẩm thấu vào ao, nên chỉ sau 5 ngày, gia đình ông Hiển đã mất hàng tạ cá. Đến cá rô phi là loại dễ thích nghi, phàm ăn, nhưng cũng chết hàng loạt. Nhiều người không dám lấy cá này về làm thức ăn gia súc… vì sợ lợn, gà cũng chết theo.
Cá chết hàng loạt tại ao của gia đình ông Hiển. |
Theo chân ông Đặng Văn Diên, cán bộ thôn Nguyễn Xá, chúng tôi đến một tuyến mương nội đồng cách ao của ông Hiển một cánh đồng khá rộng, mặt ruộng săm sắp nước đen là "thủ phạm" khiến cá ở ao của gia đình ông Hiển chết. Chỉ vào dòng nước đen kịt, bốc mùi thối hoắc, ông Diên nói: Khi địa phương lấy nước về đổ ải, mọi người vẫn lừng chừng chưa dám mở cống. Hằng năm, cứ đến sản xuất vụ xuân này bà con trong xã lại phải hứng chịu mùi xú uế bốc lên nồng nặc khắp làng. Không chỉ cá mà ốc bươu vàng cũng không có cơ hội sống sót khi nguồn nước này tràn về. Hầu hết người dân ở đây đều sử dụng nước giếng khoan nên ai ai cũng lo nước bẩn có thể ngấm sâu làm ô nhiễm nước ngầm… Không biết có phải do ảnh hưởng của nguồn nước hay không, những năm gần đây số người chết do bị ung thư ở vùng này ngày càng tăng. Chỉ tính riêng năm 2013, thôn Nguyễn Xá đã có đến 5 người dưới 50 tuổi chết vì bệnh ung thư, chưa kể nhiều người già cũng chết vì mắc căn bệnh này. Không có nước thì không thể cấy, trồng, nhưng có nước mà bẩn thế này chúng tôi cũng khổ trăm bề. Người nào tiếp xúc trực tiếp với nguồn nước này cũng bị ghẻ lở…
Ngoài xã Phương Tú, do cùng sử dụng nguồn nước trên nên các hộ dân ở xã Liên Bạt của huyện Ứng Hòa cũng chịu chung cảnh ngộ. Tình trạng nguồn nước để sử dụng cho đổ ải vụ xuân hằng năm bị ô nhiễm nặng đã tồn tại nhiều năm, cán bộ xã đều biết, nhưng không có cách nào khắc phục. Khi đề cập đến việc trên, để chứng minh sự ô nhiễm của nguồn nước bằng thực tế, ông Phạm Quốc Điệt, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Bạt đưa chúng tôi đến 2 trạm bơm nằm trên địa bàn xã lấy nước từ kênh Vân Đình. Tại thời điểm chúng tôi có mặt, máy bơm chạy hết công suất để đổ dòng nước đen ngòm vào các tuyến mương nhỏ dẫn vào đồng. Cạnh ống xả máy bơm, do nguồn nước có nhiều chất bẩn kết bọt trắng ngà cao từ 4 đến 5m, tràn cả lên đường đi. Một số công nhân đang vận hành máy tại trạm bơm Mai Đình, chia sẻ: Nước dính đến đâu là ngứa đến đó, nước chỉ lỡ bắn vài giọt vào mắt là đau mắt liền và mùi hôi thối lúc nào cũng xộc vào khiến chúng tôi có cảm giác tức thở. Anh em làm việc lâu trong môi trường này ai cũng mắc những bệnh liên quan đến hô hấp.
Nhưng vẫn không thể không dùng
Ý thức được mức độ ô nhiễm của nguồn nước, ngay từ khi bơm nước đổ ải, một số xã của huyện Ứng Hòa như Phương Tú, Liên Bạt, Trung Tú, Đồng Tâm… đã thông báo trên hệ thống loa truyền thanh, khuyến cáo những người nuôi trồng thủy sản không nên lấy nguồn nước này vì bị ô nhiễm. Mặc dù người dân đã có kiến nghị, nhưng vì không còn lựa chọn nào khác nên các địa phương vẫn phải sử dụng nguồn nước này cho trồng trọt. Tuy nhiên, sự kiện cá trong ao của ông Hiển bị chết hàng loạt là giọt nước tràn ly, khiến nhiều người giật mình, lo ngại những hệ lụy có thể đe dọa đến sức khỏe của cộng đồng.
Trao đổi với phóng viên về thực trạng ô nhiễm tại kênh Vân Đình, ông Tưởng Duy Liêm, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển thủy lợi Sông Nhuệ, kiêm Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Ứng Hòa cho biết: Nguồn nước để tưới tiêu cho các cánh đồng ở các xã của huyện Ứng Hòa chủ yếu lấy nước sông Hồng chảy qua sông Nhuệ mang theo nguồn nước thải nội thành đổ ra. Do hệ thống chưa có giải pháp xử lý nước thải trước khi đổ vào nguồn chung nên nguồn nước tưới bị ô nhiễm nghiêm trọng. Thêm vào đó, Ứng Hòa là huyện cuối nguồn, cả tháng 12-2013 không có mưa nên nồng độ ô nhiễm càng đậm đặc hơn. Mặc dù thiếu nước, nhưng để kịp phục vụ gieo cấy vụ xuân, các xã vẫn phải sử dụng nguồn nước này. Tại một số xã có nhiều hộ nuôi trồng thủy sản, nếu sử dụng nguồn nước từ kênh Vân Đình sẽ đối diện nguy cơ bị thiệt hại lớn…
Được biết nhiều năm qua các huyện vùng tây nam Hà Nội đều phải sử dụng nguồn nước sông Hồng chảy qua sông Nhuệ để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nguồn nước này được bổ sung lượng lớn nước thải từ nội thành và một số xã có nghề truyền thống ở huyện Thanh Oai xả ra nên mức độ ô nhiễm khá cao. Để bảo đảm sức khỏe và đời sống của các hộ nuôi trồng thủy sản các xã ở huyện Ứng Hòa, đề nghị các cơ quan chức năng cần nghiên cứu xây dựng hệ thống xử lý nước thải nguy hại này. Bên cạnh đó, các địa phương cần có biện pháp khai thác nguồn nước sông Đáy để giảm thiểu sự ô nhiễm.