Chưa thể có ngay “hai trong một”
Tuyển sinh - Ngày đăng : 07:17, 20/01/2014
Phải có đề án để tránh sự cố
Khi góp ý kiến cho dự thảo tuyển sinh mới, ông Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho rằng, Bộ GD-ĐT chưa thực sự sẵn sàng giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục ĐH nên đã đưa ra những yêu cầu quá phức tạp đối với các trường muốn tự tổ chức thi. Theo ông Trần Hồng Quân, Bộ chỉ cần đưa ra các quy định về công tác tuyển sinh, không nên bắt từng đơn vị phải trình duyệt đề án thì mới công nhận quyền tự chủ tuyển sinh của họ. Bộ chỉ nên thực hiện khâu hậu kiểm.
Năm 2014, kỳ thi chung vẫn được tổ chức với mức điểm sàn nhất định. |
Đã có tranh luận về ý kiến nói trên. Nhiều người lo ngại rằng, ở giai đoạn hiện nay, việc không kiểm soát đề án dễ dẫn đến nhiều sự cố, gây ảnh hưởng lớn tới quyền lợi của người học. Điều đó chỉ có thể được thực hiện trong tương lai, khi các trường đã có ý thức cao về trách nhiệm tự chủ của mình. Đề án tuyển sinh cần đóng vai trò như quy chế tuyển sinh, là cơ sở để các cơ quan nhà nước và xã hội có căn cứ trong việc kiểm tra, giám sát.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, Bộ không cấp phép, không phê duyệt đề án tự chủ tuyển sinh của các trường mà chỉ xác nhận đề án tuyển sinh đó có phù hợp hay không phù hợp so với quy định chung. Bất kỳ phương án tuyển sinh nào cũng sẽ được Bộ GD-ĐT cân nhắc kỹ càng và Bộ sẽ ban hành quy chế chung để hướng dẫn. Trên cơ sở đó, các trường xây dựng đề án tuyển sinh cho mình. Cơ quan quản lý nhà nước, xã hội, người dân có thể dựa vào đó để giám sát nhằm bảo đảm các yêu cầu của công tác tuyển sinh như công bằng, khách quan, bảo đảm chất lượng nguồn tuyển...
Muốn tuyển riêng trong kỳ thi chung
Ở thời điểm này, nhiều trường có xu hướng muốn tuyển sinh riêng trong một kỳ thi chung ở tầm quốc gia. Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đề nghị, Bộ GD-ĐT chỉ nên xem kỳ thi chung do Bộ tổ chức như là một dịch vụ công ích cần thiết để hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục ĐH. Tất cả các trường phải được quyền hưởng dịch vụ này, tức là phải được sử dụng hoàn toàn, sử dụng một phần hay không sử dụng các kết quả của kỳ thi đó. Các trường ngoài công lập nghiêng về quan điểm muốn bỏ điểm sàn, bỏ khối thi để các trường sử dụng điểm của kỳ thi chung, tùy theo môn thi để lấy hệ số cho phù hợp với yêu cầu tuyển sinh của trường mình. Các quy định về điểm sàn hay khối thi hiện nay được Hiệp hội coi là sự can thiệp quá sâu của Bộ GD-ĐT đối với các trường, không phù hợp với quyền tự chủ và Luật Giáo dục ĐH.
Ông Trần Hồng Quân khẳng định, trong điều kiện Việt Nam hiện nay, các cơ sở giáo dục ĐH thường gặp khó khăn trong việc chuẩn bị đề thi nhưng lại hoàn toàn đủ năng lực để thực hiện công việc xét tuyển. Do đó, Bộ nên xem xét tuyển là phương thức tuyển sinh chủ yếu để giúp các trường nhanh chóng thể hiện quyền tự chủ về tuyển sinh của mình. Về lâu dài, để giảm sự phiền hà và tốn kém, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập ủng hộ quan điểm nhập hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH làm một, và thực hiện trao quyền tự chủ xét tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục ĐH.
Rất nhiều ý kiến từ cả các trường công lập cũng như các chuyên gia, nhà quản lý đã nêu ví dụ về dịch vụ thi tuyển sinh theo mô hình SAT và ACT của Mỹ, coi đó là cách làm hay, cần học hỏi. Đó là tổ chức các kỳ thi chung nhiều lần trong năm, kết quả thi được dùng làm cơ sở cho các trường xét tuyển. Lãnh đạo Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho rằng, nếu Bộ có quyết tâm cao thì khoảng thời gian 2 năm có thể đủ để triển khai việc nói trên.
Tuy nhiên, ở giai đoạn mang tính chất quá độ như hiện nay, xu hướng nhận được nhiều sự đồng tình là một giải pháp trung dung vừa có thể hỗ trợ các trường tuyển sinh, vừa bảo đảm được chất lượng nguồn tuyển và không gây hoang mang cho xã hội. Theo đó, Bộ vẫn giữ vai trò quản lý nhà nước, xem xét các đề án tuyển sinh riêng của các trường, cho phép thực hiện nếu thấy đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, kỳ thi chung vẫn được tổ chức với mức điểm sàn nhất định, lấy đó làm căn cứ để các trường tuyển thêm thí sinh từ nguồn này.