Bài 2: Thành tựu và sự hạn chế (tiếp theo)

Văn hóa - Ngày đăng : 06:33, 20/01/2014

(HNM) - Trong NQ TƯ 5, di sản văn hóa (DSVH) được coi là tài sản vô giá, có chức năng gắn kết cộng đồng, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, là cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Với nguồn kinh phí hàng nghìn tỷ đồng đã được đầu tư, rất nhiều DSVH có cơ hội hồi sinh.

Di tích chùa Trăm Gian bị tháo dỡ để phục dựng kiểu “xây mới” để lại nhiều bài học về công tác quản lý di sản. Ảnh: Doãn Hoàng



Trước thời điểm NQ TƯ 5 ra đời, bản đồ di sản thế giới mới ghi tên Quần thể di tích cố đô Huế và Vịnh Hạ Long, thì hiện nay "diện tích" dành cho Việt Nam đã tăng đáng kể với những cái tên quen thuộc, như: Phố cổ Hội An, Di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam), Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Khu trung tâm Hoành thành Thăng Long (Hà Nội), Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, ca trù, quan họ… Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, 34 di tích có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc độc đáo đã được Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 978 di tích được Bộ VH,TT&DL xếp hạng di tích quốc gia, nâng số di tích quốc gia lên 3.174 di tích; 40 DSVH phi vật thể (PVT) đã được đưa vào danh mục DSVH PVT quốc gia… Với việc tập trung khai thác lợi thế để phát triển du lịch, quần thể di tích Cố đô Huế, Quảng Ninh, Quảng Nam… mang lại nguồn thu không nhỏ, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Dự án sưu tầm, lưu giữ và phát huy DSVH PVT sử thi Tây Nguyên, nghệ thuật biểu diễn truyền thống… gây được tiếng vang lớn. Lễ hội đền Lảnh Giang, tịch điền Đọi Sơn (Hà Nam), lễ hội xuống đồng của người Khmer ở Bình Phước, lễ mừng lúa mới của đồng bào Tây Nguyên… sau nhiều năm vắng bóng đã được phục dựng. Ở Thủ đô Hà Nội, điệu hát Dô (Quốc Oai); ca trù Chanh Thôn (Phú Xuyên), Lỗ Khê (Đông Anh), An Khánh (Hoài Đức); chèo Tàu (Đan Phượng); múa Bồng (Triều Khúc)… một thời gian dài bị quên lãng nay hồi sinh mạnh mẽ. Nhiều di tích điển hình được tu bổ, tôn tạo xứng tầm.

Khách quan mà nói, chặng đường 15 năm thực hiện NQ TƯ 5 về văn hóa luôn có "bạn đồng hành" là sự phát triển năng động của nền kinh tế thị trường, sự hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Tuy thuận lợi nhiều nhưng khó khăn cũng không ít. Như đánh giá của Bộ VH,TT&DL tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện NQ TƯ 5: "Mặt trái của cơ chế thị trường tác động đến từng gia đình, các quan hệ xã hội, quan hệ cộng đồng đòi hỏi sự đổi mới về công tác quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa, tạo hành lang pháp lý và cải cách hành chính để bảo đảm phát triển văn hóa đúng định hướng theo cơ chế thị trường". Trên thực tế, 15 năm qua, tư duy quản lý văn hóa, việc tạo hành lang pháp lý và cải cách hành chính để văn hóa phát triển đúng hướng chưa bắt kịp nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Điều đó lý giải tại sao có chuyện một số người dân Đường Lâm làm đơn xin trả lại danh hiệu di tích, một số hạng mục ở chùa Trăm Gian phải "vượt rào" tu bổ, Thành nhà Mạc (Tuyên Quang) biến thành "lò gạch" sau trùng tu… Hàng trăm di tích quốc gia xuống cấp nghiêm trọng vẫn "mỏi mắt" chờ kinh phí từ ngân sách để tu sửa, trong khi nguồn lực trong dân sẵn có, chỉ thiếu cơ chế triển khai. Lễ hội đền Trần (Nam Định) vốn là nghi lễ khai ấn đầu năm bỗng "phình to", biến dạng trong mấy năm gần đây. Những ví dụ cụ thể nói trên phần nào cho thấy bức tranh di sản ở nước ta hiện nay mảng sáng có nhiều, mảng tối cũng không ít.

Chính sách bảo tồn, phát huy DSVH theo NQ TƯ 5 "hướng vào cả văn hóa vật thể và PVT và cả hai lĩnh vực được "đối xử" như nhau. Nhưng trên thực tế, mức đầu tư cho di sản PVT chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với di tích. Chỉ tính từ năm 2011 đến nay, nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) đã đầu tư gần 1.200 tỷ đồng tu bổ tổng thể hoặc chống xuống cấp hơn 700 di tích; còn di sản PVT mới được đầu tư hơn 60 tỷ đồng cho hơn 200 dự án (bằng khoảng 20%). Dẫu rằng mọi sự so sánh là khập khiễng nhưng nếu như nguồn kinh phí từ CTMTQG đầu tư nhiều hơn cho di sản PVT, rất có thể các nghệ nhân - báu vật nhân văn sống đã không phải ngậm ngùi "uống nước lã" truyền dạy và khi "sang bên kia thế giới", họ đã kịp để lại "gia tài" khổng lồ cho đời. Như nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi (giáo phường ca trù Thái Hà, Hà Nội) từng chia sẻ: "Ca trù là di sản văn hóa thế giới, nhưng các nghệ nhân có được gì đâu. Đáng lẽ vinh danh, bảo tồn di sản thì cũng phải vinh danh những người giữ di sản để họ phấn khởi".

Một vấn đề cũng gây nhiều bức xúc là những mặt trái của lễ hội. Nhìn từ cấp độ vĩ mô, một trong những nguyên nhân khiến lễ lội còn nhiều hạn chế được cho là do thiếu quy hoạch tổng thể. Vì thế, Bộ VH,TT&DL đã xây dựng Dự thảo "Quy hoạch tổng thể lễ hội toàn quốc", giai đoạn 2013 - 2020, đặt ra mục tiêu giảm quy mô, tần suất của lễ hội, loại bỏ những lễ hội không cần thiết... Tiếc rằng, dự thảo này chưa thực thi đã thấy nhiều vướng mắc.

Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền phân tích: "Do tồn tại lịch sử, số lượng lễ hội dân gian ở nước ta quả thực quá lớn, trùng lặp, tỉnh này và tỉnh khác cùng thờ một người. Chẳng hạn như Nam Định và Thái Bình đều có lễ hội đền Trần, do đó một trong hai lễ hội này cần loại bỏ để bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, vậy chúng ta sẽ loại bỏ lễ hội nào?". Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền cho biết thêm, "lễ hội tồn tại là tự thân nó, nếu không phù hợp nó sẽ tự loại bỏ, không ai được tự cho mình cái quyền bỏ lễ hội này, thêm lễ hội kia".

Tương tự, để "chữa cháy" cho sự thiếu hụt nhân lực, kiến thức trong trùng tu di tích, Thông tư số 18/2012 về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích của Bộ VH,TT&DL yêu cầu rõ người tham gia trùng tu di tích phải có chứng chỉ hành nghề. Nhưng đến thời điểm này, cả nước mới có khoảng vài trăm người được cấp chứng chỉ hành nghề, rõ ràng là quá ít so với số lượng hơn 4 vạn di tích, trong đó có hàng nghìn di tích đang xuống cấp nghiêm trọng cần được trùng tu hoặc chỉ còn dấu vết cần được phục dựng, xây mới.

Như vậy, sau 15 năm thực hiện NQ TƯ 5, DSVH bước đầu thực hiện tốt chức năng gắn kết cộng đồng, là cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa, song với vai trò "là cốt lõi của bản sắc dân tộc" thì công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa còn nhiều việc phải làm trong chặng đường tiếp theo, nhất là việc cần phải có quy hoạch mang tầm chiến lược cho từng loại hình di sản.

Minh Ngọc