Bài 2: Thành tựu và sự hạn chế (tiếp theo)

Chính trị - Ngày đăng : 06:51, 19/01/2014

(HNM) - Sau 15 năm thực hiện, đời sống văn hóa ở cơ sở vẫn còn những khoảng trống nhất định, việc thực hiện mục tiêu xây dựng con người văn hóa bị đánh giá là còn hạn chế.


Thực tế cho thấy Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐK XDĐSVH) đã có sức lan tỏa sâu rộng, thu hút người dân ở mọi thành phần, lứa tuổi, dân tộc, tôn giáo tham gia. Từ một vài mô hình xây dựng thí điểm ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương…, đến nay, cả nước đã có hơn 16 triệu hộ (73%), gần 7,2 vạn làng, tổ dân phố (60,94%) đạt danh hiệu văn hóa. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở (nhà văn hóa, thư viện, câu lạc bộ…) từng bước được đầu tư nâng cấp hoặc xây mới với nguồn kinh phí hàng nghìn tỷ đồng, cơ bản đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân. Nhiều hủ tục trong việc cưới, việc tang và lễ hội được loại bỏ.

Một khu dân cư văn hóa tại quận Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: Thái Hiền


Thế nhưng, nhìn vào chiều sâu, dễ thấy chất lượng Phong trào TDĐK XDĐSVH ở nhiều nơi rơi vào tình trạng "báo động đỏ". Số nhà văn hóa (NVH) bị bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích ngày một nhiều, cụ thể như NVH khu A, khu tập thể Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân, Hà Nội) rộng hàng trăm mét vuông nhưng không mấy khi thấy dân hội họp. Tại NVH khu dân cư số 6, phường Thịnh Quang (Đống Đa, Hà Nội), các hạng mục đã xuống cấp, để hoang hóa… NVH phường Phú Hữu (quận 9, TP Hồ Chí Minh) được xây dựng từ năm 2005 từ nguồn vốn xóa đói giảm nghèo của thành phố nhưng do xa xôi, hẻo lánh nên chẳng mấy người dân tìm đến… NVH là nơi cộng đồng dân cư sinh hoạt văn hóa; đồng thời là một trong những tiêu chí cơ bản để "chấm điểm" làng, tổ dân phố văn hóa. Do đó, việc nhiều NVH ít phát huy được tác dụng phần nào cho thấy những khoảng trống trong đời sống văn hóa cơ sở.

Dấu hiệu suy giảm chất lượng Phong trào TDĐK XDĐSVH còn thể hiện qua tỷ lệ sinh con thứ ba hay tệ nạn xã hội ngày một tăng. Theo ông Võ Văn Hải, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Chương (Nghệ An), tỷ lệ làng văn hóa vi phạm các tiêu chuẩn chiếm gần 30% số làng văn hóa được công nhận ở Thanh Chương, trong đó 16 làng đã bị thu hồi danh hiệu do có quá nhiều người sinh con thứ ba hoặc tệ nạn xã hội. Ở huyện Tứ Kỳ (Hải Dương), các làng văn hóa như làng Nhân Lý (xã Tây Kỳ), làng Vũ Xá (xã Quang Khải) cũng để xảy ra tình trạng sinh con thứ ba; làng Đồng Kênh (xã Văn Tố) thường xuyên xảy ra các vụ trộm cắp, làng Xuân Nẻo (xã Hưng Đạo) bị thu hồi danh hiệu năm 2011 do có nhiều tệ nạn xã hội. Theo thống kê, năm 2012 cả nước có 255 làng, 6 đơn vị bị thu hồi danh hiệu văn hóa.

Đánh giá về Phong trào TDĐK XDĐSVH trong 15 năm thực hiện NQ TƯ 5, Bộ VH,TT&DL cũng thẳng thắn nhìn nhận: "Việc bình xét công nhận gia đình văn hóa ở một số nơi chưa chặt chẽ, thiếu công khai, dân chủ, chưa bám sát tiêu chuẩn. Nhiều làng, tổ dân phố sau khi được công nhận danh hiệu có biểu hiện buông lỏng chỉ đạo, quản lý, tuyên truyền, vận động nhân dân tiếp tục giữ vững danh hiệu, dẫn đến sự giảm sút về chất lượng".

Cùng với việc xây dựng môi trường văn hóa, nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mới có tinh thần yêu nước, ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung, sống lành mạnh, văn minh, lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội… đã được phổ biến, triển khai. Nhờ đó, người dân ngày càng có nhiều cơ hội tham gia đóng góp xây dựng các quyết sách của Nhà nước, tính dân chủ tăng lên; tầm vóc người Việt Nam được cải thiện, tuổi thọ trung bình, trình độ về học vấn, kỹ năng nghề nghiệp… cũng được nâng cao. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, tỷ lệ người biết chữ từ 10 tuổi trở lên ở Việt Nam là 92,3%, vẫn thua Hàn Quốc 5,7%, thua Thái Lan, Philippines 0,7%... Xét chung về chỉ số phát triển giáo dục thì Việt Nam chỉ ở mức trung bình (đạt 0,914, xếp thứ 64/127 nước trên thế giới). Tương tự, trình độ nhân lực ở nước ta cũng mới đạt mức trung bình (3,39 điểm so với điểm tối đa 6,01)… Về vấn đề này, Bộ VH,TT&DL nhận định: "Việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ thuật, chuyên môn ở nước ta còn chậm, thấp so với nhu cầu phát triển xã hội. Chính sách bồi dưỡng, phát triển nhân tài và nhóm nhân lực trình độ cao chưa nhất quán. Yếu tố văn hóa, nhân văn, kỹ năng "mềm" tạo nên sức mạnh tinh thần của nhân lực còn nhiều hạn chế".

Dưới góc nhìn nghiên cứu, GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho rằng: "Nhìn vào thực tế thì thấy rằng việc triển khai NQ TƯ 5 bước đầu có sự thành công về văn hóa, nhưng đạo đức, lối sống của con người thì thất bại. Đó là bệnh vô cảm, bệnh thành tích, khoa trương… Tất cả vấn đề đó thuộc về lối sống. Lối sống trục lợi, cái gì có lợi thì làm. Hồi xưa làm khoa học, làm văn hóa không có ai tính toán đến việc thu lợi kinh tế. Như cụ Đào Duy Anh đâu có được Nhà nước cấp tiền mà vẫn có công trình để đời. Rõ ràng những giá trị chuẩn mực, giá trị sống hiện nay đang thay đổi".

Tương tự, GS Hoàng Chí Bảo (Hội đồng Lý luận TƯ) lo ngại: "Nhìn lại 15 năm qua, có thể thấy xây dựng con người là lĩnh vực không đạt được nhiều thành tựu. Người Việt ta bây giờ rất sính hàng ngoại và đau lòng nhất là bệnh thiếu trung thực. Nghĩa là chúng ta gần như không đạt được tiêu chí nào mà NQ TƯ 5 đề ra, nếu không muốn nói là đã làm ngược lại". Còn PGS.TS Phạm Duy Đức, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh băn khoăn đặt câu hỏi: "Vấn đề đạo đức, lối sống trong NQ TƯ 5 được nhấn mạnh hơn các nghị quyết trước, nhưng vì sao vụ án sau lại lớn hơn vụ án trước?". Trả lời cho câu hỏi này, PGS.TS Phạm Duy Đức cho rằng, sở dĩ chúng ta chưa thành công vì chúng ta chưa nhận ra đầy đủ về những thách thức của sự biến đổi trong thời kỳ hội nhập.

Thực tế trên cho thấy, để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trước hết phải xuất phát từ việc xây dựng con người văn hóa. Nói cách khác, những giá trị văn hóa truyền thống quý giá sẽ được kế thừa, phát huy giá trị nếu huy động được sức mạnh từ lòng dân.

(Còn tiếp)

Minh Ngọc