Bóng chuyền Việt Nam và mục tiêu xếp hạng 5 Châu Á: Nhiệm vụ không dễ dàng

Thể thao - Ngày đăng : 06:20, 19/01/2014

(HNM) - Dù còn tới 5 năm cho mục tiêu này, nhưng chắc chắn đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng của bóng chuyền Việt Nam.

Trong tổng số 45 quốc gia và vùng lãnh thổ góp mặt tại Đại hội Thể thao Châu Á (ASIAD), thường có khoảng 16 quốc gia cử đội tuyển BC nữ, 23 quốc gia cử đội tuyển BC nam. Hiện tại, trình độ của đội tuyển BC nữ Việt Nam được đánh giá ở vị trí hạng 7, còn ĐT BC nam Việt Nam ở khoảng vị trí 9-10 châu lục. Gánh nhiệm vụ giành hạng 5 ASIAD nên nhiệm vụ được đặt lên vai của đội tuyển BC nữ là chính, do cơ hội tiệm cận mục tiêu gần hơn.


Theo phân tích của các nhà chuyên môn, để giành hạng 5 ASIAD, đội tuyển nữ của BCVN sẽ phải cạnh tranh với tối thiểu 3 đội tuyển mạnh của châu lục. Top 4 thường khó lọt khỏi tay các quốc gia có truyền thống phát triển BC rất mạnh là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan. 3 đội tuyển sẽ cạnh tranh quyết liệt với mục tiêu giành vị trí thứ 5 của BCVN là Kazakhstan, Bắc Triều Tiên và đội BC nữ Đài Loan. Đây là môn thể thao Olympic tập thể đòi hỏi sự đầu tư lâu dài, mạnh tay và toàn diện, nên việc vượt qua 3 đối thủ mạnh này trên bảng xếp hạng thực sự là một thách thức. Tuy nhiên, TTK Trần Đức Phấn tỏ ra đầy tự tin khi khẳng định: "Chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều này".

Năm 2013, đội tuyển nữ quốc gia xếp hạng 6 Giải vô địch Châu Á, hạng Nhì VTV Cup, giành HCB SEA Games 27. ĐT nam giành HCĐ SEA Games 27 sau 2 kỳ đại hội không có huy chương. Đó đều là những kết quả rất đáng khích lệ. Ông Trần Đức Phấn cho biết, trong năm 2014, Liên đoàn và Bộ môn BC - Tổng cục TDTT đều thống nhất chủ trương: Thứ nhất, tiếp tục duy trì việc tập huấn dài hạn đối với các đội tuyển quốc gia, ngay từ đầu tháng 1, đội tuyển BC quốc gia đã được tập trung tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (Nhổn - Từ Liêm) và việc tập huấn sẽ được tiến hành quanh năm. Trong quá trình gọi VĐV vào đội tuyển quốc gia, nếu VĐV nào không lên tuyển, gây khó khăn cho đội, sẽ bị cấm thi đấu; thứ hai, phải có chuyên gia nước ngoài thực sự giỏi cho các đội. Ngày 15-2 tới, một chuyên gia có tiếng sẽ có mặt tại Hà Nội, ký hợp đồng dài hạn để huấn luyện đội tuyển nữ trẻ, nhắm đích ASIAD 18-2019. Liên đoàn xác định thứ tự đầu tư ưu tiên hàng đầu là đội tuyển BC nữ, đặc biệt là đội tuyển trẻ.

Cái khó nhất lúc này chính là kinh phí. BC là môn tập thể, đi thi đấu nước ngoài rất tốn kém. Theo quy định của Liên đoàn BC thế giới, trong thi đấu quốc tế, hễ đội nào đi thiếu người là bị phạt 2.000 USD/người. Mỗi đợt thi đấu, tối thiểu phải 8-10 người đi nên chi phí rất lớn. "Nhưng tập luyện quanh năm mà không thi đấu cũng chẳng để làm gì. Kinh phí Nhà nước có hạn, nên điều tiên quyết là liên đoàn phải nỗ lực kêu gọi các nguồn vốn từ hoạt động xã hội hóa. Tuần tới, nhiều khả năng một hợp đồng tài trợ cho BC Việt Nam sẽ được liên đoàn và đối tác ký kết với giá trị không hề nhỏ. BC Việt Nam cũng sắp đón nhận thảm thi đấu trị giá hơn 1 tỷ đồng do Liên đoàn BC quốc tế tặng thưởng cho nỗ lực tổ chức nhiều giải đấu thành công, trong đó có VTV Cup" - TTK Trần Đức Phấn vui vẻ tiết lộ.

5 năm không phải là một chu kỳ dài nhưng cũng tạm coi là đủ để xây dựng một đội tuyển trẻ, khỏe, mạnh mẽ, quan trọng là đầu tư như thế nào cho hiệu quả. ĐTBC nữ quốc gia nhiều khi bị lo ngại đang ở tình trạng "tre đã già mà măng chưa mọc", nhưng ông Trần Đức Phấn tỏ ra không quá lo chuyện này: "ĐTBC nữ trẻ đã được tập trung dài hạn từ năm 2013, với rất nhiều gương mặt trẻ có chiều cao, sức bật, thể lực rất tốt. Chỉ cần có sự đầu tư liên tục, cho các em thi đấu nhiều để tích lũy kinh nghiệm, tăng cường sự nhuần nhuyễn trong các pha phối hợp, mục tiêu hạng 5 châu lục vào năm 2019 hoàn toàn có thể thực hiện"!

Điều quan trọng lúc này là liên đoàn cần sớm hoàn thiện cơ cấu nhân sự - những người sẽ gánh trách nhiệm "đẩy mạnh việc thu hút nguồn vốn xã hội hóa, tăng cường đầu tư cho BC Việt Nam". Được biết, Đại hội Liên đoàn BC Việt Nam dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 4-2014.

Mai Hoa