Chúng tôi đang “vươn ra biển lớn”
Xã hội - Ngày đăng : 05:53, 19/01/2014
Cuộc trao đổi giữa phóng viên Báo Hànộimới với Giám đốc BV Tim Hà Nội - PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn trong ngày đầu năm mới phần nào thấy được tâm huyết và "bí quyết" làm nên sự "thay da, đổi thịt" của BV trong năm qua cũng như quyết tâm để trở thành BV chuyên khoa đầu ngành trong cả nước.
PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn. |
3 TH: Thân thiện - thuận tiện - thanh lịch
- Xin chúc mừng PGS vì những thành công mà ông cùng BV Tim Hà Nội đã có được sau hơn một năm ông về công tác tại đây. Điều gì làm nên bước đột phá ấy, thưa PGS?
- Chị thấy BV thay đổi thế nào?
- Cơ sở vật chất khang trang, sạch sẽ và ngăn nắp hơn. Cảm nhận rõ nhất là không khí thân thiện. Bệnh nhân được tiếp đón chu đáo và ân cần. Không thấy những gương mặt vô cảm, thái độ lạnh nhạt, những câu trả lời trống không dù người bệnh đáng tuổi cha chú.
- Đúng như chị nhận xét. Chúng tôi đã có được sự thay đổi về ứng xử giữa y, bác sĩ và bệnh nhân. Nhưng việc này không đơn giản. Cái khó là thay đổi từ trong suy nghĩ của cán bộ y tế, từ bác sĩ cho đến hộ lý, điều dưỡng về thái độ ứng xử để tạo nên một môi trường BV thân thiện với người bệnh. Ngành y tế đã làm mất đi tình cảm của người dân chính vì không thân thiện. Khi nhận nhiệm vụ, tôi đã tâm sự với anh chị em rằng, chúng ta phải phấn đấu để có được 3 chữ TH: Thân thiện - thuận tiện - thanh lịch. Thân thiện, thuận tiện là để người bệnh bớt đi nỗi vất vả, sự lo lắng, những khó khăn; vì người bị bệnh lại là bệnh tim đã rất khổ rồi, không thể khiến họ khổ hơn khi đi chữa bệnh nữa. Còn phải thanh lịch là vì đây là BV của Thủ đô Hà Nội, không thể tồn tại cách ứng xử thiếu thanh lịch. Trong hơn một năm qua, chúng tôi đã và đang thực hiện theo phương châm đó.
- Sự thuận tiện thì tôi thấy rõ, tại trang web của BV cũng đã cung cấp mọi thông tin cần thiết. Chỉ cần gõ địa chỉ benhvientimhanoi.vn và vài cái nhấp chuột, người bệnh sẽ có được những thông tin ban đầu hữu ích, từ khoa phòng, các dịch vụ cho đến cả vị trí bản đồ và cách di chuyển tới BV. Thậm chí người bệnh có thể đặt lịch khám online, gửi thư, gửi nhắn tin tới BV. Ngay nơi tiếp đón, sơ đồ hướng dẫn cũng đã phân loại bệnh nhân để họ biết mình cần đến đâu nhằm tiết kiệm thời gian nhất.
- Đấy mới chỉ là những thuận tiện ban đầu. Để bệnh nhân không phải vất vả chờ đợi, chúng tôi bố trí 3 phòng tiếp đón, 2 hiệu thuốc và quan trọng hơn cả là bố trí các khoa phòng liên hoàn một cách hợp lý, khoa học để không chỉ bệnh nhân thuận tiện mà bác sĩ, y tá cũng không mất nhiều thời gian cho việc di chuyển, đi lại. Điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng phục vụ, bởi dù bác sĩ giỏi nhưng mọi khâu không thuận lợi thì cũng khó nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Chúng tôi áp dụng các quy trình chuyên môn theo tiêu chuẩn Châu Âu và Hoa Kỳ, do đó bệnh nhân đến BV đều được khám hết trong ngày. Bệnh nhân phẫu thuật tim chỉ mất một ngày khám, được phẫu thuật trong vòng 3 ngày kể từ khi vào viện, được can thiệp tim trong vòng từ 1,5 đến 2 giờ kể từ
khi nhập viện. Sau từ 3 đến 5 ngày, bệnh nhân có thể ra viện. Chúng tôi quy định với nhau là còn bệnh nhân thì bác sĩ còn phải làm việc, không được nghỉ. Nhờ những sự thay đổi này mà bệnh nhân đến ngày một tăng, mỗi ngày có 400 ca khám bệnh, 20 ca can thiệp, 7-8 ca phẫu thuật nhưng không quá tải.
Bệnh nhân đến đây còn có thể lựa chọn cả giờ phẫu thuật và phẫu thuật viên. Đối với người Việt Nam, giờ đẹp cũng là một yếu tố tinh thần, giúp họ yên tâm hơn với việc điều trị và trạng thái tâm lý của người bệnh cũng góp một phần vào sự thành công của việc trị bệnh. Trong các phòng bệnh có hoa tươi, cũng là để bệnh nhân bớt đi cảm giác BV là nơi lạnh lẽo và có gì đó xa cách.
- Một số bạn nữ mặc áo dài trắng, nam sơ mi trắng đeo trước ngực dải băng ghi dòng chữ “hướng dẫn viên”, hẳn đây là một cách tạo nên sự thân thiện, thưa PGS?
- Đấy là nhân viên của Phòng Công tác xã hội, có nhiệm vụ hướng dẫn bệnh nhân, giải đáp mọi thắc mắc của người bệnh. Có lẽ ít có BV ở nước ta có tổ chức phòng công tác xã hội như vậy. Đây chính là cầu nối giữa BV với bệnh nhân. Phòng Công tác xã hội có bác sĩ, luật sư, kế toán và 15 hướng dẫn viên. Việc hướng dẫn viên không mặc áo blu mà mặc áo dài, một phần buộc họ phải ứng xử thanh lịch, nhẹ nhàng, một phần giúp bệnh nhân bớt đi sự ngại ngần, xóa đi sự ngăn cách giữa người bệnh và nhân viên y tế. Phòng Công tác xã hội còn có nhiệm vụ là làm từ thiện để có kinh phí phẫu thuật, can thiệp tim miễn phí cho bệnh nhân nghèo, nhất là các bệnh nhi nghèo.
- Trong buổi sinh hoạt CLB Bệnh nhân tăng huyết áp cuối tháng 12 vừa qua, PGS có nói, hoạt động này nhằm xóa đi khoảng cách giữa người bệnh và bác sĩ để cùng thấu hiểu, cùng chia sẻ kiến thức phòng ngừa và đẩy lùi bệnh tật. Tại bàn đón tiếp, tôi thấy có rất nhiều cuốn sách nhỏ, dạng như những cuốn cẩm nang về bệnh để bán cho bệnh nhân.
- Đúng là như vậy. Phải thay đổi quan điểm về nghề y. Tôi thường nói với anh chị em: Bệnh nhân là khách hàng chứ không phải là người phải hàm ơn, bác sĩ được phục vụ bệnh nhân chứ không phải bị phục vụ. Chỉ có thực sự thay đổi trong suy nghĩ như thế thì mới có thể phát triển, nếu không bệnh nhân sẽ không đến với chúng ta. Và chúng tôi làm mọi việc đều theo quan điểm đó.
Tổ chức sinh hoạt CLB Bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường định kỳ 6 tháng một lần nhằm mục đích bệnh nhân và thầy thuốc hiểu nhau hơn. Bệnh nhân được cung cấp thông tin về bệnh tật để chủ động và phối hợp với bác sĩ tốt hơn trong điều trị. Thầy thuốc thì hiểu bệnh nhân mong muốn gì để đáp ứng và giải đáp… Chúng tôi cũng soạn những tài liệu với những kiến thức cơ bản nhất để người bệnh tự tìm hiểu về bệnh của mình. Sách bán không phải để kinh doanh mà vì trước kia, tôi đã từng phát miễn phí thì thấy họ không trân trọng, lấy sách lót nồi, kê tủ hoặc vứt linh tinh. Nay thu một số tiền nhỏ, và tiền đó người mua tự bỏ vào hòm từ thiện để gây quỹ giúp các bệnh nhân nghèo. Làm như vậy vừa khiến người mua sách quý sách hơn và họ sẽ đọc những gì viết trong đó. Thêm nữa, cũng là một cách gợi mở lòng nhân ái.
3 H: Trí tuệ - tình yêu - kỹ năng
- Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân, GS Phạm Gia Khải khi viết lời giới thiệu cuốn sách “Tự sự của trái tim” của PGS, có câu: “Con người này thực sự là không nhàm chán”. Trò chuyện cùng ông, nghe ông kể về những việc đã làm, tôi cũng có chung một cảm nhận. Có lẽ, đó cũng là điều khiến ông tập hợp được đội ngũ y, bác sĩ để cùng đi chung một con đường?
- Tôi nghĩ rằng, sở dĩ BV được như ngày hôm nay là do anh chị em tìm thấy niềm vui mỗi ngày đến BV, tự hào vì “thương hiệu” BV Tim Hà Nội và khó có thể kiếm được việc làm tốt như ở đây.
- Nói như vậy có tự tin quá không, thưa PGS?
- Không phải tự nhiên mà có nhưng người làm quản lý có thể tạo ra điều đó bằng chính cơ chế chính sách. Lãnh đạo BV hiểu rất rõ rằng, nếu không lo được cho anh em thì nói họ sẽ không nghe. BV hiện đang thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định 43 và chúng tôi đã cố gắng để anh chị em có thu nhập đủ sống ở địa bàn Hà Nội. Ở đây, chúng tôi khuyến khích một người kiêm nhiều việc và làm việc gì thì được hưởng thu nhập từ việc đó một cách công khai, minh bạch. Điều này vừa giúp các thầy thuốc không phải tìm cách mưu sinh, đặc biệt là không phải nghĩ về cái phong bì của bệnh nhân, không đùn việc cho nhau mà sẵn sàng nhận nhiệm vụ nếu được giao.
- Xin hỏi ông một câu tế nhị, thu nhập bình quân năm vừa qua ở BV là bao nhiêu? Và ở đây có tồn tại “vấn nạn” phong bì không?
- Thu nhập bình quân khoảng 15 triệu đồng/tháng. Bác sĩ giỏi, phẫu thuật nhiều thì thu nhập cao hơn. Với thu nhập này, anh chị em cũng đủ sống. Thêm nữa, kỷ luật của BV rất nghiêm, nếu phát hiện gây khó khăn, sách nhiễu, vòi vĩnh bệnh nhân sẽ bị đuổi việc ngay nên tôi tin là không ai nhận phong bì.
- Thu nhập có phải là yếu tố quan trọng nhất giữ người giỏi ở lại BV và cống hiến không?
- Nó là yếu tố quan trọng bởi nếu không đủ sống thì không ai có thể yên tâm làm việc. Nhưng đó không phải là duy nhất. Nếu chỉ cần tiền, bác sĩ giỏi có thể làm việc ở khu vực y tế tư nhân. Mọi người yêu quý nơi này còn bởi ở đây có một môi trường làm việc trọng người tài và công bằng, minh bạch. Anh chị em đoàn kết coi BV là gia đình của mình. Ai giỏi, tâm huyết thì được tạo mọi điều kiện để thăng tiến, có người chỉ sau một vài năm ra trường đã được đề bạt. Ai làm nhiều hưởng nhiều và đóng thuế đầy đủ. BV còn tạo điều kiện cho anh em học tập, nâng cao trình độ. Hiện BV đã có 1 PGS, 3 TS, hơn 70 BS có trình độ sau đại học, trong đó một số người đang làm nghiên cứu sinh. Chúng tôi cũng tận dụng mọi cơ hội để anh chị em được đi tu nghiệp ở những nước có nền y tế phát triển, không chỉ để nâng cao trình độ chuyên môn mà còn để học cách họ làm việc. Học cách làm việc là điều quan trọng nhất nếu muốn biến ước mơ “vươn ra biển lớn” của mình thành hiện thực.
- Nhân PGS nói đến hình ảnh “vươn ra biển lớn”, nhớ ngày mới từ Viện Tim quốc gia về BV Tim Hà Nội làm Giám đốc, có người đã nói với PGS rằng ông bỏ “sông” về “ngòi”...
- Thực ra đó mới là một nửa ý của người nói. Anh ấy là một người am hiểu ngành y và hiểu rõ những khó khăn của một BV non trẻ của Thủ đô nên có nói với tôi đại ý rằng, từ Viện Tim quốc gia về Hà Nội có vẻ như từ “sông” về “ngòi” và nếu không muốn “mắc cạn” thì phải tìm cách khơi thông dòng chảy để lại ra “sông”. Đến giờ, tôi nghĩ, chúng tôi - BV Tim Hà Nội - đã ra “sông” rồi.
Bằng chứng là, BV Tim Hà Nội từ một cơ sở thiên hướng về ngoại khoa đến nay nơi này đã trở thành một BV tim hoàn chỉnh, gồm 14 phòng, ban với 4 mũi nhọn: Nội khoa, Ngoại khoa, Nhi khoa và Can thiệp tim mạch. Bằng nguồn quỹ khuyến khích phát triển của BV, 8 tỷ đồng đã được đầu tư cho xây dựng, sửa chữa, 60 tỷ để mua sắm trang thiết bị. Nhờ đó, nhiều khoa phòng hiện đại, chuyên nghiệp và thân thiện đã được thành lập như Khu Tiếp đón, Khoa Khám bệnh, Khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Khoa Cấp cứu, Phòng Tim mạch can thiệp, các phòng chẩn đoán hình ảnh… Đơn vị chăm sóc mạch vành đầu tiên trong cả nước có 16 giường điều trị tích cực. Khoa Nhi cũng đã được thành lập với 30 giường trong đó có 10 giường điều trị tích cực. BV có trang thiết bị hiện đại và đồng bộ như máy chụp mạch DSA, máy thăm dò điện sinh lý, 10 máy siêu âm tim trong đó có 2 máy siêu âm 4D chuyên dụng siêu âm tim thai… Cuối năm 2013, BV đầu tư 4 phòng mổ mới, hiện đại, trong đó có một phòng mổ hybrid (kết hợp giữa phẫu thuật và can thiệp tim mạch). Cơ sở vật chất này đã được một đội ngũ tâm huyết và có trình độ cao sử dụng một cách hiệu quả. Một nét làm nên sự khác biệt của BV Tim Hà Nội so với các cơ sở y tế chuyên ngành tim mạch khác là chúng tôi có đơn vị theo dõi bệnh nhân mạn tính cao huyết áp, đái tháo đường - các bệnh chuyển hóa vốn là nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch. Chúng tôi cũng có chương trình quản lý bệnh nhân bị mạch vành, bệnh nhân được bác sĩ theo dõi suốt quá trình điều trị để có phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả nhất.
- Theo PGS, “dòng sông” này chắc chắn sẽ ra được “biển lớn”?
- Tôi tin là như thế. Hiện 50% số bệnh nhân đến với BV Tim Hà Nội là người ở địa phương khác. Điều đó cho thấy, BV Tim Hà Nội đã có “thương hiệu”. Là BV loại 1 của thành phố nhưng chúng tôi đã được Bộ Y tế công nhận tương đương với tuyến trung ương. Đó là những tiền đề quan trọng để chúng tôi vươn lên hơn nữa. Nhưng quan trọng nhất là ở đây chúng tôi đều phấn đấu để có 3 chữ H. Chị để ý sẽ thấy, 3 chữ cái đầu trong tên tiếng Anh của BV (Hanoi Heart Hospital) đều là chữ H. Với chúng tôi, 3 chữ H đó là: Head (cái đầu) - Heart (trái tim) - Hand (bàn tay). Mỗi cán bộ y tế của BV cần phải có trí tuệ để luôn cập nhật mọi kiến thức mới trong chẩn đoán và điều trị; phải có một trái tim biết thương yêu người bệnh; phải có đôi bàn tay khéo léo hay chính xác hơn là kỹ năng thuần thục. Hơn 350 cán bộ, nhân viên ở đây, phần lớn đều dưới 30 tuổi, đều có 3 chữ H, thì tại sao chúng tôi không dám ước mơ và phấn đấu!
- Cảm ơn PGS. Mong BV Tim Hà Nội sẽ biến ước mơ thành hiện thực để Hà Nội có thêm niềm tự hào và người dân được chăm sóc tốt nhất.