Anh cân nhắc rời khỏi EU: Những toan tính nhiều rủi ro

Thế giới - Ngày đăng : 05:45, 19/01/2014

(HNM) - Ít ai ngờ rằng, sau bốn thập niên gắn bó, xứ sở Sương mù lại tỏ ra hoài nghi về những lợi ích có được trong EU.



Ít ai ngờ rằng, sau bốn thập niên gắn bó, xứ sở Sương mù lại tỏ ra hoài nghi về những lợi ích có được trong EU. Và chưa khi nào câu chuyện đi hay ở của nước Anh lại được nhắc đến nhiều như trong thời gian gần đây.

Nước Anh sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng về mối quan hệ với EU.


Ban đầu kế hoạch rời khỏi EU chỉ được một nhóm nhỏ chính trị gia ủng hộ, nhưng sau đó nhanh chóng thu hút được nhiều sự quan tâm. Đặc biệt, sau khi cuộc khủng hoảng nợ tại Châu Âu bùng phát kéo theo hàng loạt hệ lụy liên quan tới hệ thống tài chính, xã hội của cả khu vực, người Anh nghĩ nhiều hơn đến sự rút lui này. Từ chỗ tự hào là thành viên của một cộng đồng thịnh vượng nhất thế giới, đến nay, một bộ phận lại thấy rằng mối quan hệ giữa nước Anh và EU không mang lại lợi ích lâu dài cho quốc gia. Thậm chí, xứ Sương mù còn có nguy cơ phải chịu "tai bay, vạ gió" khi ngồi chung một con thuyền với nhiều nền kinh tế đang nguy kịch. Bên cạnh đó, sự hội nhập ngày càng tăng của EU đã tạo ra những mối đe dọa đối với các ngành công nghiệp, dịch vụ tài chính của Anh. Gần đây nhất là mối lo phải giải bài toán về tình trạng người nhập cư gia tăng chóng mặt sau khi hai thành viên bị xếp vào hàng nghèo nhất của khối là Romania và Bulgaria được kết nạp vào khu vực miễn thị thực Schengen. Trong khi đó, các biện pháp pháp lý nhằm bảo đảm quyền của những nước thành viên EU lại chưa được xây dựng một cách đầy đủ.

Trong bối cảnh như vậy, đã xuất hiện không ít ý kiến cho rằng London nên coi việc rời khỏi EU như một lựa chọn sáng suốt. Kết quả một khảo sát ý kiến vừa được công bố cho thấy cứ 10 thành viên đảng Bảo thủ của Thủ tướng David Cameron thì có đến 8 người muốn đảng này đưa các cam kết tổ chức trưng cầu dân ý về việc rời khối EU vào cương lĩnh tranh cử trong năm 2015. 70% thành viên của chính đảng cầm quyền ủng hộ việc nước Anh rời bỏ khối EU. Đảng Lao động cũng có kế hoạch coi tổ chức trưng cầu dân ý về quan hệ của Anh với EU là ưu tiên trọng tâm trong cuộc đua tranh chiếc ghế thủ tướng trong mùa bầu cử tới.

Xét ở một số góc độ, việc rời khỏi EU có thể giúp Anh nhanh chóng đạt được những lợi ích như tiết kiệm ngay khoảng 8 tỷ euro mỗi năm do không phải đóng góp vào ngân sách của liên minh. London cũng sẽ thoát khỏi chính sách nông nghiệp chung khiến giá thực phẩm của nước này có thể rẻ hơn, đồng thời không phải lo lắng về thuế giao dịch tài chính và dần dần thoát khỏi các quy định tài chính Châu Âu...

Tuy nhiên, những toan tính của London cũng ẩn chứa nhiều rủi ro. Việc thay đổi mối quan hệ Anh - EU có thể xoa dịu những người theo chủ nghĩa bài Châu Âu nhưng sẽ ảnh hưởng tới triển vọng ngoại giao của Anh nếu nước này xa rời các đồng minh tại Cựu lục địa. Thứ nhất, giới lãnh đạo Anh sẽ đối diện với nguy cơ bị cô lập tại các diễn đàn khu vực trong thời gian tới. Thứ hai là phản ứng của Mỹ, một đồng minh gần gũi của Anh, vốn luôn muốn nước này tiếp tục ở lại EU và giữ một tiếng nói mạnh mẽ trong khối. Washington thậm chí còn tuyên bố, việc Anh rút khỏi EU có thể gây tổn hại tới mối quan hệ song phương. Ngoài ra, lập trường không vững vàng của Anh trong vấn đề EU có thể ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài vào Anh. Điều đó sẽ khiến nền kinh tế xứ Sương mù thêm bấp bênh khi mối quan hệ giao dịch thương mại với thị trường EU - vốn chiếm tới một nửa kim ngạch xuất khẩu của nước Anh - sẽ xấu đi. Các hãng sản xuất ô tô coi Anh như là đại bản doanh ở Châu Âu chắc chắn sẽ phải xem lại chiến lược hoạt động của mình, kéo theo sự rời bỏ của các bộ phận lớn của ngành công nghiệp, dịch vụ và tài chính. Xét ở khía cạnh này, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Herman Van Rompuy hoàn toàn có cơ sở khi cho rằng Anh sẽ phá hỏng hình ảnh là một trung tâm tài chính lớn trên thế giới cũng như các hợp đồng thương mại béo bở nếu nước này quyết rời bỏ EU. Theo ông Van Rompuy, một nước lớn như Anh - nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới - sẽ mất nhiều hơn nếu họ quyết định "một mình một ngựa" giữa Châu Âu liên kết chặt chẽ.

Phương Quỳnh