Hoa Kỳ hạn chế hoạt động do thám của NSA
Thế giới - Ngày đăng : 15:29, 18/01/2014
Tổng thống Obama nói Hoa Kỳ sẽ ngưng hoạt động do thám nhằm vào các nước đồng minh |
Ông Obama nói những dữ liệu này đã giúp ngăn chặn nhiều vụ tấn công khủng bố ở trong và ngoài nước, nhưng cũng thừa nhận trong quá trình thu thập thông tin, chính phủ đã đối mặt với nguy cơ đi quá giới hạn.
Tuy nhiên, nhiều nhóm vận động cho các quyền tự do dân sự tại Hoa Kỳ cho rằng những thay đổi vừa được công bố là chưa đủ.
Tuyên bố của ông Obama được đưa ra sau khi những thông tin bị rò rỉ về hoạt động do thám của Hoa Kỳ chịu nhiều sự phản đối từ quốc tế.
Những tài liệu bị rò rỉ cho thấy Hoa Kỳ đã thu thập dữ liệu với quy mô lớn từ những cuộc giao tiếp điện tử của các cá nhân trên toàn thế giới, đồng thời tiến hành theo dõi nhiều lãnh đạo nước ngoài.
Gần đây, truyền thông Anh cũng vừa công bố thêm một số tài liệu mới trong đó cho thấy các cơ quan tình báo của Hoa Kỳ thu thập gần 200 triệu tin nhắn mỗi ngày trên toàn cầu.
'Bảo vệ quyền lợi'
Trong bài diễn văn tại Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, Tổng thống Obama nói ông sẽ không xin lỗi vì những hoạt động hiệu quả của các cơ quan tình báo Hoa Kỳ, đồng thời khẳng định ông chưa nhìn thấy biểu hiện vi phạm pháp luật nào.
Ông cho biết việc Hoa Kỳ thu thập dữ liệu trên quy mô lớn là điều cần thiết, dù thừa nhận nguy cơ dẫn đến "lộng hành".
"Những thay đổi mà tôi công bố ngày hôm nay sẽ giúp người dân Mỹ có thể an tâm rằng quyền lợi của họ vẫn được bảo vệ, ngay cả khi các cơ quan tình báo và hành pháp [Hoa Kỳ] duy trì những công cụ cần thiết để bảo vệ cho sự an toàn của chúng ta," ông nói.
Hiện những chi tiết về thời gian, thời lượng, số lượng cuộc gọi, hay còn gọi là metadata, đang được thu thập bởi Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA). Tuy nhiên ông Obama nói ông sẽ chấm dứt "tình trạng hiện nay" của hệ thống này.
Ông đã yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ và các cơ quan tình báo soạn thảo kế hoạch trong đó quy định việc các dữ liệu metadata được lưu trữ bởi một bên thứ ba, và NSA sẽ cần sự cho phép của pháp luật để được sử dụng chúng.
Một ủy ban của các luật sư hiến pháp, đại diện cho công chúng để phản biện trước Tòa án Giám sát Tình báo Nước ngoài, cơ quan bí mật phụ trách việc thẩm định các chương trình thu thập tin tức tình báo, cũng sẽ được thiết lập.
Ông Obama cũng trấn an người dân bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ rằng "Hoa Kỳ không theo dõi thường dân và không đe dọa đến an ninh quốc gia của quý vị".
"Điều này cũng áp dụng đối với những lãnh đạo nước ngoài," ông nói, đồng thời hứa rằng từ nay, Hoa Kỳ sẽ ngưng theo dõi lãnh đạo của các nước đồng minh.
Những tài liệu bị rò rỉ năm ngoái cho thấy Hoa Kỳ đã theo dõi lãnh đạo nhiều nước bạn, trong đó có cả Thủ tướng Đức Angela Merkel.