Ai Cập: Chờ đợi ngày sông Nile lặng sóng

Thế giới - Ngày đăng : 06:54, 18/01/2014

(HNM) - Bất chấp những cảnh báo về các vụ khủng bố và bóng đen của các vụ bạo lực mở đầu ngày bỏ phiếu đã cướp đi sinh mạng của 11 người, hơn 52 triệu cử tri Ai Cập đã thể hiện nguyện vọng của mình trong cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp mới.


Không phải là những hồ hởi ngập tràn hy vọng của "Mùa xuân Arab" khi quyết định tương lai trong cuộc trưng cầu đầu tiên cách đây hơn hai năm, người dân xứ Kim tự tháp đã thực thi quyền công dân với nỗi ưu tư và niềm mong mỏi kết thúc ba năm hỗn loạn trên chính trường. 98% cử tri ủng hộ văn bản pháp luật trọng yếu này theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ đã phản ánh chân thực khát khao ổn định đất nước tại Ai Cập.

Đông đảo cử tri Ai Cập đi bỏ phiếu bất chấp những nguy cơ mất an ninh.



Dù chưa có thông báo chính thức cuối cùng nhưng tỷ lệ trên đã quá đủ để mang đến chiến thắng pháp lý cần thiết cho chính phủ lâm thời Ai Cập vừa thay thế cựu Tổng thống dân bầu đầu tiên Mohammed Morsi lãnh đạo đất nước sau cuộc cách mạng 30-6. Hiến pháp mới bãi bỏ nhiều điều khoản Hồi giáo gây chia rẽ sâu sắc và khôi phục quyền hạn của những thể chế nhà nước mà ông M.Morsi từng xem là sẽ thách thức quyền lực tối cao của mình như quân đội, cảnh sát và bộ máy tư pháp. Kết quả này cũng đánh dấu việc chính quyền tại Cairo đã hoàn tất bước đi đầu tiên trong lộ trình chuyển tiếp chính trị nhưng theo chiều hoàn toàn ngược lại với con đường mà chính phủ Hồi giáo tiền nhiệm đã lựa chọn.

Dẫu sự kiện có ý nghĩa quyết định với tương lai của Ai Cập đã thành công mỹ mãn nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định liệu đất nước của các Pharaoh đã thực sự cập bến bình yên? Sau kết cục chính trị của cựu Tổng thống M.Morsi, giấc mơ về một "dự án Hồi giáo" tại Ai Cập và toàn bộ khu vực Trung Đông đã nhanh chóng "chết yểu". Các vụ bắt giữ, tịch thu tài sản được thực hiện hàng loạt nhằm vào các thành viên của tổ chức Anh em Hồi giáo đã làm suy sụp đáng kể phong trào chính trị đã tồn tại hơn 80 năm nhưng bước lên bục vinh quang quyền lực chẳng bao lâu. Tuy nhiên, như thế cũng chưa đủ để làm biến mất tổ chức có ảnh hưởng lớn tại Ai Cập, đặc biệt tại các vùng nông thôn. Những hành động nhằm "triệt cỏ tận gốc" của chính quyền đương nhiệm sẽ ấp ủ mồi lửa phản kháng của một số lượng không ít dân chúng Ai Cập vốn tôn sùng các tư tưởng Hồi giáo nghiêm khắc của phong trào này, nhất là khi tổ chức Anh em Hồi giáo không "đơn thương độc mã" trong cuộc săn đuổi danh vọng mà được sự hỗ trợ bằng cả tinh thần và tiền bạc từ Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia nhằm hiện thực hóa tham vọng về sự thống trị của Hồi giáo chính trị ở toàn bộ Trung Đông.

Thế nhưng, sự kiện 30-6 đã tạm thời khẳng định thế thượng phong của các lực lượng thế tục, Thiên chúa giáo và dân chủ tại Ai Cập. Tuy nhiên, đằng sau chiến thắng vẻ vang đó lại có bóng dáng của những quân nhân tiếng tăm lẫy lừng của xứ Kim tự tháp mà đứng đầu là Bộ trưởng Quốc phòng, Tướng Abdel Fattah al-Sisi. Không thể bác bỏ thực tế là khi đa số cử tri Ai Cập đồng ý với bản Hiến pháp mới thì cũng là lúc nhân vật quyền năng này đã vượt qua bài sát hạch tín nhiệm để tiến tới chiếc ghế tổng thống. Chuyện ông là người cuối cùng và cũng là quan trọng nhất thông qua cuộc đảo chính lật đổ ông M.Morsi đã khiến nhà quân sự này trở thành một nhân vật gây tranh cãi. Ở góc độ này, có thể ông là kẻ đã hủy hoại nền dân chủ vì phế truất tổng thống dân bầu, nhưng ở góc độ khác, ông lại là vị anh hùng đã cứu vãn đất nước khỏi thế lực Hồi giáo chuyên quyền. Do đó, sự ổn định lâu dài của Ai Cập sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào việc chính phủ kế tiếp - theo kế hoạch sẽ được lập ra sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 4 tới - sẽ ứng xử thế nào. Nếu lại lạc vào quỹ đạo của "chế độ dùi cui" như một số người chỉ trích đề cập thì khó bảo đảm rằng một cuộc "Cách mạng" từng chôn vùi sự nghiệp của cựu Tổng thống quân sự Hosni Mubarak sẽ không nổ ra một lần nữa.

Sau hai cuộc cách mạng nhuốm máu, người dân Ai Cập đã quá mệt mỏi với những biến động chính trị gây xung đột nội bộ, tàn phá nền kinh tế và đẩy lùi quốc gia có vai trò dẫn dắt tại Trung Đông khỏi con đường phát triển. Với họ giờ đây, "bánh mỳ, tự do và nhân phẩm" như khẩu hiệu của phong trào nổi dậy lật đổ ông M.Morsi là đích đến cuối cùng. Điều đó khiến cử tri xứ Kim tự tháp đặt niềm tin vào lực lượng mới và chờ đợi một ngày sông Nile sẽ thực sự lặng sóng.

Vân Khanh