Gắng giữ sắc đào Nhật Tân

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:51, 18/01/2014

(HNM) - Hoa đào đã gắn bó từ lâu với Thăng Long - Kẻ Chợ. Đến hôm nay, chơi đào ngày Tết không chỉ là một thú chơi sành của người Hà Nội mà với nhiều người, đó còn là nhu cầu thưởng lãm nghệ thuật tinh tế.

Vườn đào Nhật Tân những ngày đầu năm 2014.



Những người lưu giữ hồn đào Nhật Tân

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hà Nội, tính đến hết năm 2013, tổng diện tích trồng hoa đào toàn thành phố là 268ha. Loài hoa này đã bén rễ trên nhiều vùng đất của Từ Liêm, Thường Tín, Long Biên... nhưng nhiều nhất vẫn ở các cánh đồng bãi của quận Tây Hồ, lên đến 106ha. Con số khô khan này chứng tỏ một điều, đào Nhật Tân vẫn chiếm vị trí quan trọng nhất trong thị trường hoa đào ngày Tết với hàng chục nghìn gốc đào mỗi vụ, trở thành thứ không thể thay thế trong đời sống tinh thần của người Hà Nội mỗi độ xuân về. Trong buổi chiều lang thang ở vườn đào Nhật Tân ven bãi sông, người đầu tiên tôi gặp là bà Vũ Thị Sự (ngót 70 tuổi) đang vui vẻ hướng dẫn cho nhiều đoàn khách đến thăm đặt hàng tại vườn đào nhà mình. Bà là con gái làng Quảng Bá, lấy chồng về Nhật Tân đã hơn 40 năm và cũng từng ấy thời gian gắn bó với cái nghề "cha truyền con nối" của gia đình nhà chồng. Với giọng hồ hởi, bà vui vẻ cho biết, đến thời điểm này có thể coi như đào đã được mùa. Thời tiết rét vừa, ít sương muối, đào khỏe, bông căng, nhiều lộc. Chỉ còn mươi ngày nữa là đến Tết, vườn đào của gia đình bà đã có đến 1/3 số gốc có chủ, khách năm nay đến thuê cây về chơi Tết nhiều, giá cả cũng không chênh với năm ngoái là bao. Bà bảo những ngày này, ngôi nhà của đại gia đình bà ở tổ 28, cụm 4, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ chỉ còn một người lớn chăm sóc đám trẻ con, còn lại tất thảy ra hết vườn đào ngoài bãi. Người chăm cây, người đón tiếp khách, người đào cây vận chuyển đi các tỉnh, thành… Cả năm vất vả, chỉ trông chờ vào tháng Tết, nghề trồng đào như đánh bạc với giời, giời mà không thương thì coi như mất Tết. Các chủ vườn đào thường ước vui với nhau rằng, giá mỗi nhà có một ông mặt trời, lúc cần thì nắng, lúc khác lại có ngay cái hiu hiu lạnh để hãm cho đào bung hoa vào đúng dịp Tết… Để trồng đào đạt đến độ muốn hoa nở lúc nào cũng được, đó là bí quyết gia truyền của mỗi chủ vườn và có lẽ chỉ những nghệ nhân trồng đào Nhật Tân mới làm được.

Trầm ngâm một lát, bà Sự giọng bùi ngùi: "Tôi cả đời sống chết với đào, cũng có lúc tưởng cái nghề vất vả này nó phụ mình. Cũng vì tình yêu với đào mà tôi sống khỏe được đến hôm nay, bệnh tật không còn, nhiều khi ngẫm đời mình như được ban phép lạ" - Giọng bà hồ hởi.

Ngoài 40 tuổi, ông chủ vườn Chu Mạnh Hùng đã có tiếng từ lâu trong giới trồng đào. Không chỉ vì vườn của gia đình anh rộng nhất nhì khu vực này (lên đến 12.000m2) mà còn vì vườn có nhiều gốc to, dáng đẹp, thế độc, gọi nôm na là "hàng khủng". Nhìn cả hình dáng lẫn phong thái của Hùng, nhiều người không khỏi liên tưởng đến một gốc đào "dị", xù xì, thô ráp nhưng cá tính, độc đáo và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hùng bảo, anh sinh ra, lớn lên trên đất Nhật Tân trong một gia đình trồng đào từ đời cụ kị, ông bà đến đời bố mẹ anh. Những năm tháng tuổi thơ đi gánh nước, tỉa cành, tuốt lá vất vả nhưng chỉ sau vài đêm sương muối, công sức đổ hết xuống sông, xuống biển, đã có lúc anh nản định tìm cho mình con đường khác. Anh học đại học để trở thành kỹ sư xây dựng, rồi về giảng dạy tại Trường Trung cấp Xây dựng Hà Nội. Nhưng cái nghiệp như vận vào thân, muốn tránh không được. Ngoài giờ lên lớp, đã hơn chục năm nay anh lại "túi bụi" với đào. Anh lặn lội đến nhiều vùng rừng núi, tha về những gốc đào rừng có thế đẹp rồi cấy ghép, uốn, tỉa thành những thế trực, thế huyền, thế ngũ phúc, song long quần tụ… được dân chơi đào sành sỏi rất khoái. Đặc biệt, cả làng chỉ có vườn của anh tạo được cây đào thế con công. Đây là một thế khó, uốn rất cầu kỳ, liên tục, tỉ mẩn kỹ càng đến từng chi tiết nhưng lại phải có con mắt thẩm mỹ tổng quan. Tạo thế để khi hoa nở, cây đúng dáng một chú công kiêu hãnh thông thường anh phải mất từ hai đến ba năm nhưng giá trị kinh tế thì không thể đo đếm được. Anh chỉ cho chúng tôi những gốc đào rừng to đến nỗi phải thuê cẩu vận chuyển với giá thành lên đến cả chục triệu mỗi gốc. Và dưới bàn tay ông chủ vườn tài hoa này, chỉ hai đến ba năm sau, giá trị của nó có thể gấp 5, gấp 7 lần…

Giữ "nghề hàng hoa" cũng lắm gian nan

Vùng Nhật Tân xưa có cả đồng và bãi, dân làng sống chủ yếu bằng nghề trồng đào cảnh. Theo những người già có kinh nghiệm của làng thì đào Nhật Tân chỉ ưa nhất là những nơi đất pha cát, không ngấm nước và bở; gặp đất ấy màu hoa sẽ hồng, nở bung và cánh dày. Có lẽ vì thổ nhưỡng đặc biệt thích hợp với cây đào mà đào Nhật Tân mang trồng đến vùng đất khác hoa không thể thắm, cánh không thể dày như khi bén rễ ở vùng đất này. Nhưng rồi do nhu cầu phát triển đô thị, những vườn đào bị thu hẹp dần. Đào di cư dần ra bờ bãi sông Hồng, rồi tản sang Đông Anh, Long Biên, về tận Thường Tín… Lo lắng làng đào Nhật Tân bị mai một không chỉ là nỗi niềm của những người trồng đào mà còn là tâm trạng chung của nhiều người yêu Hà Nội, yêu hoa đào.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, sau khi phương án bảo tồn cây đào Nhật Tân không thực hiện được, Sở đã nghĩ đến phương án bảo tồn gen. Sở cũng xin lập dự án bảo tồn giống đào Nhật Tân quý hiếm này thông qua việc bảo tồn và phát triển bằng công nghệ sinh học hiện đại, từ nguồn gen này ta có thể phát triển đào ở các địa phương khác. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đào Nhật Tân gắn liền với thổ nhưỡng vùng đất này cùng bàn tay khéo léo và kinh nghiệm của biết bao thế hệ người trồng loại đào này, nếu di chuyển đến nơi khác thì thương hiệu đào Nhật Tân sẽ giảm sắc hương.

Theo Quyết định phê duyệt "Đề án phát triển sản xuất hoa, cây cảnh TP Hà Nội, giai đoạn 2012-2016", diện tích hoa đào toàn thành phố là 288,2ha (chiếm 14,4% diện tích đất trồng hoa), được trồng chủ yếu ở quận Tây Hồ, Long Biên và hai huyện Đông Anh, Thường Tín. Diện tích hoa đào cho giá trị kinh tế cao khoảng 30ha tập trung chủ yếu ở quận Tây Hồ. Trồng đào chất lượng cao thu nhập từ 500 đến 700 triệu/ha/năm. Cũng theo quyết định này thì việc bảo tồn, phát triển hoa đào Nhật Tân, quất Tứ Liên được cụ thể hóa bằng việc xây dựng mô hình sản xuất và Trung tâm giới thiệu hoa đào và sản phẩm hoa Hà Nội tại phường Long Biên, quận Long Biên, nhằm thu thập, sưu tầm, lưu giữ và phổ biến kỹ thuật cổ truyền trong sản xuất đào Nhật Tân và quất Tứ Liên.

Trao đổi với phóng viên Hànộimới, cán bộ Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết, đầu năm 2013 UBND quận Long Biên mới có văn bản gửi Sở đề nghị hỗ trợ các điều kiện về chuyên môn để thành lập trung tâm này. Mặc dù trung tâm chưa chính thức đi vào hoạt động nhưng hiện nay hoa đào Nhật Tân cũng đã được trồng trên đất Long Biên với diện tích khoảng 5ha, phần lớn diện tích trồng đào cây phát triển tốt, ra hoa đúng vụ, đáp ứng được nhu cầu thưởng ngoạn hoa đào của bà con dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ.

Văn Ngọc Thủy