Phim hay thế sao rạp lại vắng hoe?
Văn hóa - Ngày đăng : 09:47, 17/01/2014
Phim ra rạp bắt đầu từ ngày 10/1/2014, cũng mới chỉ sau 4 ngày khởi chiếu nhưng rạp vắng hoe, cả phòng chiếu số 5 chứa được khoảng hơn 100 người nhưng chỉ có mình tôi và chị bạn “tung tăng” vừa xem vừa xuýt xoa: “Phim lôi cuốn thế mà sao rạp vắng hoe? Hay là do mình xem vào giờ hành chính? Còn có ai xúc động với phim về đề tài chiến tranh nữa không? Hoặc giả khâu PR chưa đến độ?... Thấy chúng tôi thắc mắc, mấy chị nhân viên của rạp cười cười: “Có người đến rạp là tốt lắm rồi ạ!”. Và như để đồng cảm, họ đã cùng ngồi lại với chúng tôi từ đầu đến cuối buổi chiếu, chủ và khách bình luận rổn rảng cũng hay hay!
Từ rất lâu rồi mới có phim truyện điện ảnh gây hấp lực đến thế. Hay vì thật từ đại cảnh hùng tráng đến cận cảnh bi hùng. Để kết nối được 5000km đường ống dẫn xăng dầu từ Bắc vô Nam đã tưới không biết bao xương máu của bộ đội, thanh niên xung phong và cả các chiến sỹ văn công chiến trường nữa! Câu nói chắc nịch quyết đoán của tướng Dinh “Chiến trận đến đâu có xăng dầu đến đó” như lời tuyên thệ trước ba quân, giảm tối đa việc gùi từng can xăng vừa nhỏ giọt vừa bỏng hết vai và lưng của các chiến sỹ. Nếu như nói trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước những năm 60 thế kỷ trước: Đường mòn Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển là những con đường huyền thoại thì đường ống dẫn xăng dầu Bắc-Nam là huyền thoại của huyền thoại vậy!
Đã vài chục năm mà giờ xem lại những phim về đề tài chiến tranh vẫn còn tràn đầy xúc cảm như Cánh đồng hoang, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Đường về quê mẹ… Khoảng mươi năm lại đây thì chúng ta cùng hồi hộp dõi theo Ngã ba Đồng Lộc, Cỏ lau, Mẹ chồng tôi… Nghe đâu có “Mùi cỏ cháy” cũng khá nhưng chúng tôi chưa được mục sở thị. Thế nhưng những năm gần đây đã khác, dường như trong công chúng khán giả đang có định kiến khó thay đổi, đó là: Phim về đề tài chiến tranh thì khó hấp dẫn, đồng nghĩa với việc lèo tèo khán giả khi ra rạp. Lại nhớ cách đây hơn 10 năm, “Đời cát” khai thác nỗi đau hậu chiến tranh, “Thương nhớ đồng quê” nói về sự khắc khoải của người vợ có chồng ra chiến trường. Cả 2 phim này cực lôi cuốn, người xem cứ gọi là kín rạp mà thèm!
Thì đây, khi xem “Những người viết huyền thoại”, tôi chợt nghĩ tới ý tưởng cho bài viết này “Huyền thoại như những người viết huyền thoại”. Thông điệp của bộ phim có ngay từ những phút đầu tiên hiện lên trên màn ảnh: “Giá trị của cuộc sống trong hòa bình phải đánh đổi bằng máu và nước mắt trong chiến tranh”. Làm sao kìm được nước mắt khi hàng loạt chiến sỹ miệng ứa máu chết đứng dưới suối bởi bom từ trường của thám báo gài lại; Không tưởng tượng được sự khốc liệt của chiến tranh đến cả Nghĩa - chiến sỹ giao liên - phải kìm nén trước cảnh tượng đồng bào mình phải xin chết khi không thể sống nổi do bị cây xuyên vào tim; cảm giác thương cảm khi cô văn công Hà đã đến ngày được giải ngũ mà ngã xuống, trong tay còn nắm chặt chiếc lá khô minh chứng cho tình yêu giữa cô và Nghĩa…
Thú thực trước đây cũng có những phim truyện điện ảnh về đề tài chiến tranh nhưng đây đó khán giả vẫn còn cảm giác có lúc chưa thật. Đến khi xem phim này không chỉ chứng kiến mà dường như ta còn sờ thấy, ngửi được sự tàn khốc của binh lửa. Với ngôn ngữ điện ảnh kiệm lời mà thiên về đặc tả tâm trạng nhân vật tướng Dinh quyết đoán, Nghĩa giao liên can trường…; Những hình ảnh đặc tả như cột nước tung cao xen lẫn với máu các chiến sỹ , những quả bom đen ngòm lạnh lùng cắm xuống đất; Cùng với đó là sự cộng hưởng của tổng thể các âm thanh như máy bay trực thăng rú rít, pháo nổ ùng oàng, rốc két bắn chát chúa, dường như chưa bao giờ phim về chiến tranh lại có hiệu ứng mạnh đến thế! Chẳng thế mà báo giới và những khán giả đã xem phim đánh giá rất cao qua Liên hoan điện ảnh quốc gia lần thứ 18 hồi tháng 10/2013 phim này đã đạt giải khán giả bình chọn, bên cạnh giải Bông sen vàng, giải Biên kịch xuất sắc giành cho Nguyễn Anh Dũng, 2 diễn viên nam nữ xuất sắc Quốc Thái (vai Nghĩa) và Bảo Quyên (vai Hà), giải họa sỹ Nguyên Vũ. Tiếc cho đạo diễn Bùi Tuấn Dũng được xem là “cứng tay” trong làng điện ảnh lại không được trao giải xuất sắc!
Chỉ tiếc là phim dành thời lượng hơi ít cho những cảnh lắp ống dẫn xăng dầu khó khăn cam go làm sao, không chỉ phải hứng chịu bom đạn, rốc két của đối phương mà còn phải đương đầu với thổ nhưỡng đất đai và thời tiết khắc nghiệt. Chị bạn cùng xem phim quê ở Hương Sơn, Hà Tĩnh kể lại: Hồi đó đúng là có đường ống dẫn xăng dầu của bộ đội đi qua vườn nhà chị, có lúc xăng dầu tràn ra rất khó để xử lý.
Rất ám ảnh! Huyền thoại như những người viết huyền thoại. Báo giới đã từng xác nhận: Phim đặc sắc thế rất xứng để ra rạp, tuy nhiên trên thực tế, ít nhất là ở 1 rạp chiếu phim tại trung tâm Thủ đô khán giả lại có vẻ thờ ơ. Nghịch lý hơn khi đây là phim được khán giả bình chọn tại Liên hoan phim 18 mà nay lại chưa kéo được khán giả đến rạp? Ra về mà câu hỏi chưa có đáp án cứ vẩn vơ trong tôi: Phim hay thế sao rạp lại vắng hoe?