Người hiệu trưởng nặng lòng với nghề
Giáo dục - Ngày đăng : 07:14, 17/01/2014
Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Anh (người đứng) điều hành cuộc họp ở Trường ĐH Văn hóa TP Hồ Chí Minh. |
Sớm có một môi trường nuôi dưỡng, theo nghiệp giáo dục, bà sinh ra và lớn lên tại khu nhà tập thể thuộc Trường ĐH Sư phạm I Hà Nội, bố lại là cán bộ của trường này. Tốt nghiệp phổ thông, bà tiếp tục gắn bó dưới mái Trường ĐH Sư phạm I Hà Nội suốt 4 năm (1978 - 1982). Sau khi ra trường, bà làm việc tại Khoa Tâm lý giáo dục học quân sự (thuộc Học viện Chính trị quân sự). Đến năm 1991, bà về công tác tại Trường Văn hóa TP Hồ Chí Minh (nay là Trường ĐH Văn hóa thành phố), cũng từ đây bà cùng gia đình sống hẳn tại thành phố mang tên Bác cho đến nay.
Bắt đầu từ một giảng viên, năm 1999 bà được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng và đến năm 2011 đề bạt làm Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa thành phố. Điều trăn trở lớn nhất của bà trong phát triển Trường Đại học Văn hóa thành phố với gần 200 cán bộ, giảng viên là bài toán nâng cao chất lượng đào tạo. "Trường chúng tôi là trường công lập, cán bộ phân bổ theo chỉ tiêu. Trong khi, nhu cầu về giảng dạy và chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm luôn tăng cao. Để đào tạo tốt, đáp ứng nhu cầu nhà trường cần khoảng 200 giảng viên biên chế trong khi quy định về chỉ tiêu chỉ có 150 giảng viên. Vì vậy nhà trường phải ký kết hợp đồng với các giảng viên bằng nguồn kinh phí tự hạch toán và với một số giảng viên thỉnh giảng từ các trường khác để bảo đảm chất lượng đào tạo".
Cũng theo TS Đỗ Ngọc Anh, chất lượng giáo viên cũng đáng phải bàn. Hiện trường có 70% cán bộ, giảng viên có trình độ sau ĐH, thế nhưng số lượng tiến sĩ quá ít (chỉ khoảng 20%). Mặt khác, trình độ ngoại ngữ, khả năng nghiên cứu khoa học, phương pháp sư phạm và kỹ năng nghề của giảng viên… cũng phải suy nghĩ. Chưa hết lo lắng, bà cho biết, hiện nay, chương trình, giáo trình, tài liệu tham khảo, kể cả tài liệu nước ngoài đối với ngành văn hóa quá ít. Trong khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu chậm nhất đến năm 2015 phải có đủ giáo trình cho các môn học. Dù nhà trường đang tập trung mọi nguồn lực để giải quyết nhưng thực tế không hề dễ thực hiện. Ngoài ra, cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị dạy học vẫn còn nhiều thiếu thốn và chưa đồng bộ, không đủ đáp ứng yêu cầu cho sự phát triển. Hằng năm, ngoài sự đầu tư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhà trường đều trích một phần kinh phí để đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học phục vụ sinh viên nhưng cũng chỉ đáp ứng một phần nào.
Vấn đề đáng lưu tâm nữa là nhà trường thiếu sân chơi thể thao và ký túc xá cho sinh viên. Với tổng số gần 4.000 sinh viên chính quy, gồm bậc CĐ, ĐH và sau ĐH, với 7 ngành đào tạo, 15 chuyên ngành, nhưng hiện trường chỉ đáp ứng khoảng 7% sinh viên có chỗ ở trong KTX. Đây là những con em vùng sâu, vùng xa, con em chính sách và phải có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mới được xét vào ở, trong khi KTX là những dãy nhà cấp 4 tạm thời.
Từ những trở trăn trên, ngày đêm bà nghĩ cách để thay đổi. Bà đã kêu gọi tiết kiệm, tận dụng các nguồn thu và chủ động dành khoản ngân sách nhỏ để tăng thu nhập cho cán bộ, giảng viên trường, đặc biệt hỗ trợ cho các trường hợp khó khăn… Ngoài ra, bà cũng kêu gọi, khuyến khích giảng viên nhận các đề tài cấp bộ, vừa để có kinh phí trang trải vừa nâng cao năng lực bản thân. Không những vậy, bà luôn luôn dành thời gian trao đổi chuyên môn nghiệp vụ và lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của họ, để cùng nhau san sẻ những vướng mắc trong chuyên môn cũng như đời sống. Trong quá trình phát triển, bà cũng là người tiên phong trong việc chú trọng mở một số chuyên ngành đào tạo mới như: Chuyên ngành truyền thông văn hóa; nghệ thuật đại chúng; thiết kế và quản trị tour, quản lý du lịch…. Theo bà, để các ngành này thực sự vững mạnh cần phải có sự đầu tư và chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về mở mã ngành mới mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành.