Hệ thống cấp và thoát nước như mạch máu của đô thị
Giáo dục - Ngày đăng : 06:42, 17/01/2014
- Con gái theo trường kiến trúc, ngạch kỹ sư, lại làm nghề cấp thoát nước, chắc chắn phải rất cá tính, mạnh mẽ. Nhưng trông Thư "gió thổi bay" thế này thì…?
- Thật ra ngành cấp thoát nước là ngành nhẹ nhàng nhất ở Trường Kiến trúc rồi ạ.
Nguyễn Thanh Thư (giữa) trong lễ trao Giải thưởng Loa Thành 2013. |
- Vẫn chưa thuyết phục lắm về việc Thư chọn và theo đuổi ngành này?
- Cấp thoát nước là ngành mà rất ít người biết, nhưng rất gần với đời sống. Nói một cách dễ hiểu thì công việc của em - một kỹ sư ngành cấp thoát nước là phải thiết kế hệ thống cấp (nước sạch) và thoát nước (bao gồm cả nước mưa, nước thải sinh hoạt, nước thải bệnh viện, công nghiệp…) khoa học, phục vụ tốt nhất cuộc sống của con người mà không tổn hại đến môi trường. Các thầy cô giáo trường em đã ví người kỹ sư thiết kế hệ thống cấp thoát nước cũng giống như "bác sĩ" của đô thị và hệ thống đường ống giống như mạch máu trong cơ thể con người vậy.
- Nhìn từ thực tế nước ta, thì hình như đây cũng là một nghề hứa hẹn sự bận rộn ?
- Cấp thoát nước là vấn đề rất được quan tâm ở nước ta nói chung và Hà Nội nói riêng. Nhu cầu học tập ngành này cũng tăng. Theo như em biết thì Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội sẽ mở thêm một lớp đào tạo riêng về kỹ sư cấp thoát nước trong năm tới. Bên cạnh đó, thực tế hệ thống thoát nước ở Hà Nội cũng có nhiều bất cập, chưa được đồng bộ, chưa theo kịp với tốc độ đô thị hóa và sự gia tăng dân số tại các đô thị. Nước thải ở một số địa phương chưa được xử lý, mà chảy trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm trầm trọng. Phần lớn các khu công nghiệp và các bệnh viện vẫn chưa có hệ thống xử lý riêng đạt tiêu chuẩn trước khi xả thải ra nguồn tiếp nhận…
- Đồ án tốt nghiệp và đoạt giải của Thư mang tên "Quy hoạch và thiết kế hệ thống thoát nước thị trấn Chúc Sơn, TP Hà Nội đến năm 2030" chắc chắn cũng dựa trên tinh thần đầu tư và quan tâm ấy?
- Vâng! Thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) cùng với thị trấn Phúc Thọ và Quốc Oai sẽ được quy hoạch trở thành 3 đô thị sinh thái, tạo thành vành đai xanh bảo vệ, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho đô thị trung tâm TP Hà Nội. Nói riêng về Chúc Sơn thì đó là một nơi có địa hình bán sơn địa, phong phú đa dạng, với nhiều núi non, chùa chiền và đặc biệt có sông Bùi và sông Đáy bao quanh, rất thuận lợi cho việc quy hoạch và thiết kế mạng lưới thoát nước. Để thực hiện được đồ án bảo đảm tính khả thi cao, em đã thiết kế phù hợp với quy hoạch thị trấn Chúc Sơn của Viện Quy hoạch và Phát triển nông thôn.
- Hệ thống thoát nước này nếu được xây dựng thì sẽ góp phần thế nào vào sự phát triển của thị trấn Chúc Sơn?
- Chúc Sơn là thị trấn trung tâm huyện Chương Mỹ, nhưng hệ thống thoát nước hiện rất đơn sơ, nếu không muốn nói là chưa có hệ thống thoát nước hoàn chỉnh. Nước thải phần lớn mới được xử lý sơ bộ trước khi xả vào hệ thống cống chung, thoát ra ao hồ, không bảo đảm về vệ sinh môi trường. Hệ thống thoát nước theo đồ án của em là hệ thống xây dựng mới hoàn toàn với tổng diện tích quy hoạch trực tiếp là 1.821ha, dân số tới năm 2030 là 80.000 người, công suất trạm xử lý là 19.000m3/ngày đêm, giúp giải quyết việc thoát nước một cách có hệ thống. Đặc biệt đồ án có tính tới việc xử lý nước thải ở các khu công nghiệp, góp phần bảo đảm an toàn cho môi trường và đời sống của người dân trong quá trình phát triển lâu dài của Chúc Sơn nói riêng và các vùng lân cận nói chung.
- Xin chân thành cảm ơn Thư!