Vẫn đối mặt nhiều thách thức

Xã hội - Ngày đăng : 06:35, 17/01/2014

(HNM) - Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố năm 2013 khép lại với những kết quả khá khả quan.



Đây là tiền đề để Hà Nội phát huy, nhân rộng trong các năm 2014-2015. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đến 2015 có trên 40% số xã đạt chuẩn NTM (161 xã) cần sự nỗ lực rất lớn của cán bộ và nhân dân.

Chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới .


Theo BCĐ Chương trình 02 Hà Nội, đến nay, ngoài 19 xã điểm, Hà Nội còn có 36 xã khác không phải là xã điểm cũng đã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí, nâng số xã hoàn thành xây dựng NTM lên 55 xã. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt, có được kết quả trên là do thành phố đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các xã đạt tiêu chí cao để sớm về đích. Đặc biệt là tập trung đẩy mạnh công tác quy hoạch. Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp đã hoàn thành 11 quy hoạch; ban hành nhiều chính sách như dồn điền đổi thửa, cơ giới hóa, giết mổ tập trung, đồng thời tăng cường nguồn lực đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn. Chỉ trong 5 năm, thành phố đã huy động được trên 50.000 tỷ đồng đầu tư cho ngoại thành; nhân dân cũng đã đóng góp trên 600 tỷ đồng cho xây dựng NTM...

Bên cạnh những kết quả đạt được, Hà Nội vẫn còn tồn tại một số hạn chế: Sản xuất nông nghiệp vẫn mang tính truyền thống là chính nên thu nhập bấp bênh, thiếu bền vững và chưa tương xứng với tiềm năng của Thủ đô; số lượng mô hình và những điển hình tiên tiến, nhất là số mô hình ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao có hiệu quả chưa nhiều, chưa có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn; việc tổ chức nhân ra diện rộng còn hạn chế; công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất hiệu quả chưa cao; trình độ cán bộ ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nông thôn còn chưa đồng đều giữa các địa phương và thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân. Cùng với đó là đời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân vùng xa trung tâm, thuần nông, vùng đồng bào dân tộc còn thấp, không ổn định, vẫn còn nhiều lao động thiếu việc làm, kinh tế còn khó khăn...

Theo mục tiêu của đề án NTM Hà Nội đặt ra, đến hết năm 2014 có 62 xã đạt chuẩn NTM và năm 2015 có trên 40% số xã đạt chuẩn NTM với một số chỉ tiêu như: Tăng trưởng sản xuất nông nghiệp 1,5 - 2%/năm trở lên; giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế đạt 231 triệu đồng/ha; 87% giao thông nông thôn được bê tông hóa, 100% trạm y tế được kiên cố hóa; 70% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế... Tuy nhiên, ở những huyện khó khăn, số xã đạt các tiêu chí NTM thấp. Cụ thể như huyện Thanh Oai, Sóc Sơn hiện còn 9 xã; huyện Thường Tín còn 12 xã mới đạt 5-9 tiêu chí… đòi hỏi nỗ lực rất lớn. Thực tế ở thị xã Sơn Tây cho thấy, dù chỉ có 6 xã triển khai xây dựng NTM nhưng việc tổ chức thực hiện vẫn chậm tiến độ, quá trình thực hiện còn thiếu chủ động, lúng túng. Bên cạnh đó, nguồn vốn thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu, việc huy động đóng góp của nhân dân và doanh nghiệp còn hạn chế… Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, hiện nay quy trình đấu giá đất để địa phương huy động nguồn lực xây dựng NTM còn rườm rà.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt cũng thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù đã xây dựng được một số chính sách cho phát triển nông nghiệp nhưng vẫn khó áp dụng vào địa phương. Đơn cử như chính sách hỗ trợ lãi suất và hỗ trợ sau đầu tư không áp dụng được vào thực tế bởi người dân không đáp ứng được các tiêu chí vay. Hỗ trợ để doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân là yếu tố quan trọng để nông nghiệp phát triển bền vững, nhưng chưa làm tốt…

Để chương trình NTM Hà Nội cán đích đúng hẹn với 40% số xã hoàn thành vào năm 2015, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái cho rằng, các địa phương cần khắc phục những hạn chế, đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ lãnh đạo, điều hành công tác xây dựng NTM, phấn đấu đến năm 2015 cơ bản hoàn thành chương trình đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã.

Nguyễn Mai