Kinh tế Mỹ bứt phá trên lộ trình tăng trưởng

Thế giới - Ngày đăng : 06:27, 16/01/2014

(HNM) - Nước Mỹ bước vào năm 2014 với nguy cơ đóng cửa Chính phủ cận kề. Nhưng lần này bế tắc dường như đã sớm được tháo gỡ khi sáng 14-1 (theo giờ Việt Nam), Quốc hội Mỹ đã đạt được thỏa thuận về dự luật chi tiêu hơn 1.000 tỷ USD nhằm giúp duy trì hoạt động của chính quyền Liên bang trong năm tài khóa 2014.


Dự luật bao gồm toàn bộ khoản chi tiêu cân nhắc theo ý muốn của Chính phủ cho năm tài khóa 2014, kết thúc vào ngày 30-9 và là sự tiếp nối cho thỏa thuận ngân sách đã đạt được giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa hồi tháng 12-2013, sau 16 ngày Chính phủ đóng cửa trong tháng 10. Thỏa thuận mới cho phép chi tiêu của Chính phủ Hoa Kỳ tăng lên mức 1.012 nghìn tỷ USD trong năm tài khóa 2014 và 1.014 nghìn tỷ USD trong năm tài khóa 2015, cũng như cung cấp khoản tiền tương ứng 63 tỷ USD bị cắt giảm tự động trong ngân sách quân sự hồi đầu tháng 1.

Tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý III-2013 đạt 4,1% là tín hiệu khả quan cho năm 2014.



Để đạt được sự thỏa thuận về dự thảo này, đảng Dân chủ của Tổng thống Barack Obama đã phải chấp nhận cắt giảm kinh phí hoạt động của nhiều bộ chủ chốt như Bộ Quốc phòng, An ninh nội địa. Việc tăng ngân sách cho các hoạt động an ninh của khu vực tư nhân theo đề xuất của đảng Cộng hòa đối lập cũng là sự thỏa hiệp quan trọng. Đồng thời, dự luật phân bổ ngân sách cũng kèm theo các điều khoản hạn chế việc thực hiện các chương trình kiểm soát súng mà Tổng thống B.Obama đang theo đuổi. Đổi lại, đảng Cộng hòa cũng nhân nhượng, không đưa vào dự luật ngân sách bất kỳ điều khoản nào bất lợi đối với việc thực thi đạo luật chăm sóc y tế, được biết đến với tên gọi ObamaCare. Văn bản này chính là bất đồng lớn không thể giải quyết giữa hai phe Dân chủ và Cộng hòa dẫn đến việc Chính phủ Mỹ không có kinh phí hoạt động và phải đóng cửa hồi tháng 10 năm ngoái. Nếu Quốc hội không thông qua dự luật chi tiêu mới này, "thảm kịch" trên lại tái diễn vào nửa đêm 15-1 theo giờ Mỹ. Do đó, lãnh đạo cả hai viện đã chuẩn bị một dự luật riêng rẽ có thể cấp ngân sách cho Chính phủ hoạt động trong 3 ngày đến hết 18-1 để các nhà làm luật có thêm thời gian xem xét và thông qua dự thảo phân bổ ngân sách cho cả năm trong trường hợp xấu nhất. Tuy vậy, Nhà Trắng vẫn phải đợi dự thảo phân bổ hơn 1.100 tỷ USD được thông qua thì mới có thể yên tâm.

Trong bối cảnh như vậy, có thể nói nước Mỹ đang rất nhọc nhằn trong vấn đề thu chi ngân sách. Những tranh cãi kéo dài đã dẫn tới bế tắc trong các quyết sách tài chính cho nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thế nhưng, giữa những căng thẳng đó, kinh tế Mỹ trong năm 2013 lại phục hồi vượt kỳ vọng, tăng trưởng GDP mạnh mẽ và thị trường việc làm cải thiện đáng kể về cuối năm. Đó là những cơ sở vững chắc để tin vào triển vọng hứa hẹn cho năm 2014. Tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý III-2013 đạt đến con số 4,1%, cao hơn mức dự báo tăng 3,6% trước đó và là mức cao nhất trong gần hai năm qua, sau khi đã tăng tốc từ 1,1% trong quý I lên 2,5% trong quý II. Hầu như tất cả số liệu kinh tế quý III-2013 được Chính phủ điều chỉnh lên đều phản ánh chi tiêu tiêu dùng ở Mỹ mạnh hơn và là dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ sẽ nối tiếp đà tăng trưởng. Sự phục hồi vững chắc của nền kinh tế lớn nhất thế giới không chỉ được thể hiện qua tốc độ tăng trưởng GDP mà còn ở những con số ấn tượng được ghi nhận trên thị trường việc làm. Trong 4 tháng từ tháng 8 đến tháng 11, trung bình mỗi tháng nền kinh tế tạo được khoảng 200.000 việc làm, cho thấy sự cải thiện đáng kể so với hồi đầu năm 2013. Tin tưởng vào sự phục hồi của nền kinh tế, tại cuộc họp định kỳ cuối cùng của năm 2013, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định bắt đầu từ tháng 1-2014 sẽ cắt giảm quy mô chương trình nới lỏng định lượng lần ba (QE3) từ 85 tỷ USD/tháng xuống 75 tỷ USD/tháng.

Với những thành tựu đó, kinh tế Mỹ đã làm một cú bứt phá trên lộ trình tăng trưởng và càng về cuối năm sức bật lại càng mạnh mẽ. Đây là một kết quả ngoài mong đợi, thậm chí là một kỳ tích, nếu đặt trong bối cảnh nước này phải đối mặt với không ít vấn đề đau đầu về ngân sách. Đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ và việc tháo gỡ thế bế tắc về chính sách tài chính, chi tiêu ngân sách là những yếu tố khiến các chuyên gia kinh tế dự báo về một viễn cảnh tươi sáng hơn của nền kinh tế Mỹ trong năm 2014.

Thùy Dương