Thiếu chế tài xử lý việc đổi tiền mệnh giá nhỏ để trục lợi

Tài chính - Ngày đăng : 06:03, 16/01/2014

(HNM) - Vấn đề nổi cộm nhất được đặt ra là còn thiếu chế tài xử lý tình trạng đổi tiền lẻ mệnh giá nhỏ để hưởng chênh lệch.

Ảnh minh họa.


Về việc đáp ứng nhu cầu tiền mặt cho Tết Nguyên đán, bà Nguyễn Thị Mai Sương - Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hà Nội cho biết, chi nhánh theo dõi sát diễn biến nhu cầu thu chi tiền mặt, đặc biệt là những ngày cuối năm để đáp ứng kịp thời cho các tổ chức tín dụng và Kho bạc Nhà nước về giá trị và cơ cấu mệnh giá. Trong những ngày giáp Tết, tình trạng bội chi tiền mặt có thể lớn gấp 10 lần so với những ngày bình thường.

Đối với việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ, hằng năm vào dịp trước Tết, NHNN thường đưa một lượng tiền mới vào lưu thông. Tuy nhiên, chỉ một phần lượng tiền này được dùng làm phương tiện thanh toán, số còn lại sử dụng chủ yếu cho các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng. Một số nơi còn có hiện tượng ném tiền, thả tiền, cài dắt tiền vào tay tượng Phật, gây phản cảm, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của di tích, ảnh hưởng đến giá trị đồng tiền Việt Nam. Sau Tết, số tiền này quay về ngân hàng nhưng rất khó đưa trở lại lưu thông, gây lãng phí cho xã hội vì chi phí in ấn đồng tiền mệnh giá nhỏ thường cao hơn mệnh giá của chính đồng tiền đó. Hơn nữa, công tác kiểm đếm, phân loại, vận chuyển, bảo quản các loại tiền này cũng tốn kém và phải huy động nhiều nhân lực.

Mặt khác, tại các khu di tích, đền, chùa, nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ tăng cao cũng chính là nguyên nhân làm phát sinh loại hình kinh doanh dịch vụ đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch nhằm trục lợi cá nhân, ảnh hưởng tới việc lưu thông tiền tệ và môi trường cảnh quan các khu di tích, đền, chùa… Trong những ngày giáp Tết này, một số điểm đổi tiền tự phát do một số cá nhân tổ chức để thu lợi cũng "mọc" lên như ở phố Đinh Tiên Hoàng hay tại một số khu vực của quận Hà Đông… Tuy nhiên, xử lý triệt để tình trạng này không đơn giản.

Đại diện Chi cục Quản lý thị trường, Công an thành phố, Sở Công thương… đều cho rằng, mặc dù tình trạng đổi tiền mệnh giá nhỏ vẫn còn tràn lan, đặc biệt là ở các khu vực đền, chùa, nhưng hiện nay chưa có chế tài để xử lý. Việc chấn chỉnh tình trạng này vẫn chỉ dừng lại ở nhắc nhở, thông tin, tuyên truyền đến cả người bán lẫn người đổi tiền. NHNN Chi nhánh TP Hà Nội cùng các sở, ban, ngành đã thành lập đội kiểm tra liên ngành để thường xuyên có mặt tại những nơi có đền, chùa, lễ hội kịp thời xử lý vi phạm. Song, để chấm dứt tình trạng này không thể một sớm, một chiều mà phải mất nhiều năm vì thói quen dùng tiền lẻ đi lễ của người dân đã có từ lâu. Đại diện các sở, ngành cũng kiến nghị NHNN nên hạn chế dần việc in tiền mệnh giá nhỏ, thay đổi thói quen của người dân, tiến tới việc chấm dứt phát hành loại tiền này.

Chỉ tính riêng chi phí in ấn, vận chuyển các loại tiền nhỏ lẻ trong dịp Tết của NHNN thường mất khoảng 300 tỷ đồng. Riêng Agribank Chi nhánh huyện Mỹ Đức là nơi có chùa Hương, sau mùa lễ hội thường thu về hàng nghìn bao tiền mệnh giá nhỏ (năm 2012: 1.100 bao, năm 2013: 1.250 bao). Năm 2013, NHNN Chi nhánh TP Hà Nội thu về 900 bao loại 500 đồng (tương đương 9 tỷ đồng), chi phí để in ấn và phát hành số tiền này cũng gần 30 tỷ đồng. Tại kho của chi nhánh, tính đến cuối ngày 14-1, số tiền mệnh giá nhỏ từ 2.000 đồng trở xuống chiếm gần 50% diện tích kho tiền, nhưng giá trị chỉ chiếm 5% tổng giá trị tiền tại kho, gây nhiều khó khăn cho việc sắp xếp, kiểm đếm và xuất nhập tiền.

Thanh Nga