Cảnh giác trước nguy cơ bùng phát nhiều chủng cúm gia cầm

Xã hội - Ngày đăng : 07:07, 14/01/2014

(HNM) - Chiều 13-1, Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về phòng, chống dịch cúm gia cầm đã họp khẩn bàn biện pháp phòng, chống dịch. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc hiện đang bùng phát mạnh và có xu hướng lan rộng...



Mặc dù, hiện nước ta chưa phát hiện ca bệnh nào nhưng đáng lo ngại là việc buôn bán, vận chuyển gia cầm từ Trung Quốc sang chưa được kiểm soát tốt, nhất là tình trạng gia cầm nhập lậu có xu hướng gia tăng trong dịp Tết Giáp Ngọ. Thêm vào đó, virus cúm A/H7N9 lưu hành ở các đàn gia cầm lại không có biểu hiện triệu chứng nên rất khó khăn trong việc phát hiện nguồn bệnh và kiểm soát dịch bệnh trên gia cầm khiến nguy cơ dịch xâm nhập càng khó ngăn chặn hơn. Không chỉ lo ngại dịch cúm A/H7N9 mà hàng loạt dịch cúm A khác như A/H5N1, H1N1, H10N8, H9N2… đều đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp trên đàn gia cầm.

Để tăng cường biện pháp phòng, chống dịch, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cung cấp thông tin kịp thời về dịch cúm A/H7N9, H5N1 để có kế hoạch ứng phó cụ thể, kiên quyết không để dịch xâm nhập trong dịp Tết này. Bộ Y tế cũng yêu cầu các sở y tế tăng cường giám sát các trường hợp mắc bệnh viêm phổi nặng nghi do virus tại các cơ sở y tế và cộng đồng, kịp thời lấy mẫu gửi về các viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur để xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Ngoài ra, các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, khu vực cách ly, sẵn sàng tổ chức tốt việc cấp cứu, điều trị kịp thời cho bệnh nhân. PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, để phòng lây nhiễm chủng cúm A/H7N9 và các loại cúm gia cầm nói chung, người dân tuyệt đối không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Mặt khác, hạn chế tiếp xúc gần với người có biểu hiện mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp, tránh đưa tay lên mũi và miệng, làm thông thoáng nơi ở và nơi làm việc, thường xuyên lau chùi bề mặt, dụng cụ đồ vật quanh người bệnh bằng các chất tẩy rửa thông thường. Khi có các biểu hiện cúm không rõ lý do, sau khi tiếp xúc với gia cầm có các triệu chứng ho, sốt, khó thở… người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị.

Thu Trang