“Vũ khí mềm” hiệu quả
Văn hóa - Ngày đăng : 06:50, 14/01/2014
Năm 2010, Ủy ban ATGT quốc gia phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy Văn hóa dân tộc Việt Nam thực hiện Đề án "Đưa văn hóa giao thông vào cộng đồng qua các phương tiện thông tin đại chúng và hình thức văn học nghệ thuật" (Đề án) nhằm xây dựng văn hóa giao thông. Từ đó đến nay, rất nhiều tác phẩm nghệ thuật về đề tài giao thông đã được sáng tác, phổ biến rộng rãi đến công chúng. Những ca khúc như "Nỗi đau vấn nạn giao thông" (Phạm Việt Long), "Đèn đỏ thì dừng, đèn xanh mới đi" (PGS.Nguyễn Lân Cường), xẩm "Văn hóa giao thông là đời" (Nguyễn Thế Kỷ) ,"Em cười văn hóa giao thông" (Trần Tấn Ngô)… là những cảnh báo về những hiểm họa khi tham gia giao thông được nhiều người học thuộc, nhớ tên. Với những chi tiết, nhân vật như đời thực, vở chèo "Người tình nguyện", hài kịch "Hành lang phòng cấp cứu", "Người chết cãi người sống", "Giao thông - quốc nạn"… đã đến với công chúng qua sóng truyền hình, qua các sân khấu từ Bắc vào Nam và được nhiều người dân hưởng ứng. Mới đây, vở kịch "Đoạn kết của một cuộc tình" (tác giả Lê Quý Hiền, đạo diễn NSND Lê Hùng) kể về vị giám đốc trẻ có những hành vi thiếu nhân tính khi tham gia giao thông, tìm mọi cách thoát tội, nhưng cuối cùng vẫn phải chịu tội trước pháp luật và phải trả giá bằng sự day dứt lương tâm, sự mất lòng tin của người yêu đã ra mắt tại nhà hát Hồng Hà (Hà Nội), thu hút hàng nghìn lượt người tới xem.
Biểu diễn rối nước kết hợp hát xẩm để tuyên truyền văn hóa giao thông. |
Thực hiện trách nhiệm với xã hội, NSND Hồng Vân và các nghệ sĩ, diễn viên sân khấu kịch Hồng Vân đã mang sân khấu tới nhiều trường học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh để tuyên truyền về văn hóa giao thông, văn hóa ứng xử… trong chương trình "Kết nối cộng đồng". Theo NSND Hồng Vân, hình thức tuyên truyền này rất hiệu quả vì các tình huống giao thông, các tiêu chí văn hóa giao thông được thể hiện một cách hài hước, dí dỏm, trực quan, học sinh dễ nhớ, dễ hiểu. Độc đáo hơn, nghệ sĩ múa rối nước Phan Thanh Liêm (Hà Nam) đã khéo léo biến những con rối vô tri thành người tham gia giao thông, biến thủy đình rộng vài mét vuông thành đường. Ở đó, những con rối có lúc là người diễn thuyết về văn hóa giao thông thông qua các tiết mục hát xẩm, dân ca về giao thông, có lúc lại vào vai những thanh niên quậy phá, tóc xanh tóc đỏ, đi xe máy lạng lách, gây tai nạn rồi bỏ chạy… "Mượn cái xưa để nói cái nay chưa bao giờ là điều dễ dàng. Để có thể biểu diễn rối nước trên sân khấu thu nhỏ tuyên truyền văn hóa giao thông, tôi đã dành nhiều thời gian, công sức sáng tạo ra những nhân vật rối, rồi biểu diễn sao cho tái hiện chân thực nhất bức tranh giao thông hiện nay. Mỗi lần đi biểu diễn, thấy các cháu học sinh, sinh viên thích thú, khiến tôi càng có động lực tiếp tục sáng tạo", nghệ sĩ Phan Thanh Liêm cho biết.
Không chỉ những người hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp mới đau đáu với đề bài bức thiết này mà những người dân bình thường yêu thích nghệ thuật như ông Đặng Trung Nghĩa, phường Ngọc Thụy, Long Biên (Hà Nội), cũng không thể thờ ơ. Ông Nghĩa là tác giả của nhiều vở kịch về đề tài giao thông, trong đó có vở "Phóng nhanh vượt ẩu" và "Nỗi oan Thị Mầu" giành giải xuất sắc trong Cuộc Vận động sáng tác kịch bản về đề tài văn hóa giao thông năm 2012. Xoay quanh tình tiết một cô vợ vác đơn đi kiện chồng mình vì đã bỏ chạy khi say rượu và đâm xe vào cô trong đêm tối, "Nỗi oan Thị Mầu" được Nhà hát Kịch Công an nhân dân dàn dựng, công diễn trong năm 2013, gây tiếng vang lớn.
Nói về đề án đặc biệt này, GS. Hoàng Chương, Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, chủ nhiệm đề án khẳng định: "Các loại hình nghệ thuật tuyên truyền về văn hóa giao thông chưa sôi động như một số đề tài khác, nhưng rõ ràng cách làm này là thứ "vũ khí mềm" hiệu quả. Từ chỗ người dân rất mơ hồ về khái niệm văn hóa giao thông, thì nay khái niệm ấy dần trở nên quen thuộc, ý thức của người tham gia giao thông nhờ đó từng bước được nâng lên, tai nạn giao thông giảm ở nhiều tiêu chí".