Tết ấm áp cho trẻ thiệt thòi
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:20, 14/01/2014
Dành những gì tốt đẹp nhất...
Ông Lại Hồng Đăng, Phó Giám đốc Cung Thiếu nhi Hà Nội cho biết, hơn 1.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang sống, học tập tại các trường, trung tâm, làng trẻ sẽ tham gia liên hoan nghệ thuật trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt lần thứ XI (2014) tại Hà Nội vào giữa tháng 1-2014. Đấy là những em nhỏ khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam… Liên hoan là dịp để các em có cơ hội thể hiện khát vọng, ước mơ bằng ngôn ngữ nghệ thuật, giúp các em tự tin, vươn lên trong cuộc sống.
Các em nhỏ Trường Nguyễn Đình Chiểu luyện tập chuẩn bị cho liên hoan văn nghệ. |
Đã thành truyền thống, qua 10 lần tổ chức liên hoan, Cung Thiếu nhi đã phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu cho nhiều em phát triển tài năng. Chương trình thực sự là sân chơi cho trẻ em thiệt thòi, đồng thời kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ tinh thần, vật chất để các em có một cái Tết ấm áp. Cũng theo ban tổ chức, chương trình sẽ thể hiện đúng tinh thần "Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho các em". Không nặng thành tích, không có ban giám khảo, không phân chia thứ hạng, không áp lực giải thưởng, chương trình sẽ đem đến cho các em niềm vui trọn vẹn. Tại liên hoan, các em trở thành những chủ nhân thực sự. Có thể kể đến những gương mặt như Thanh Tùng và Duy Cường - hai học sinh khiếm thị có năng khiếu âm nhạc đã được cố nhạc sĩ Duy Quang dìu dắt để thi đỗ vào Nhạc viện Hà Nội. Nhiều em thành danh sau này đã quay về giảng dạy tại Cung Thiếu nhi Hà Nội.
Nhận xét về hoạt động ý nghĩa này, Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Thị Ngà nhấn mạnh, từ lần đầu tiên tổ chức, năm 1994 với chương trình "Những dấu chân lang thang", sau 20 năm với 10 lần tổ chức "Liên hoan nghệ thuật dành cho trẻ em thiệt thòi TP Hà Nội ngày càng khẳng định được giá trị nhân văn, sâu sắc, được dư luận và cộng đồng xã hội đánh giá cao".
Dấu ấn những ban nhạc đặc biệt
Phố Khâm Thiên (quận Đống Đa) có một mái ấm tình thương dành cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nằm khiêm tốn, nép mình trong ngõ nhỏ Linh Quang. Ngôi nhà nhỏ 5 tầng chẳng mấy rộng rãi về diện tích là chốn nương thân, luôn rộng mở cho những học trò là 44 đứa trẻ câm điếc, tật nguyền… Đó là Trung tâm nhân đạo do thầy giáo Trần Duyên Hải (75 tuổi) làm Giám đốc. Tại đây, mọi chi phí sinh hoạt và ăn nghỉ, các em đều được miễn phí. Thầy Hải kể, mỗi số phận trong trung tâm đều đáng thương. Như trường hợp gần đây nhất của cô bé Bùi Phương My (5 tuổi), cùng mẹ, mới được thầy Hải đón về vào những ngày đầu năm 2014. "Bữa đấy trời lạnh tê tái, nghe tin báo ở Bến xe Mỹ Đình có hai mẹ con đắp manh chiếu rách ôm nhau ngủ trên nền đá hoa đã nhiều ngày qua chẳng ăn uống gì, tôi liền lập tức tới ngay". Hai mẹ con Phương My chân không giày, không tất, ăn mặc rách rưới, cáu bẩn co quắp ôm nhau ngồi thu lu một góc bến xe, tôi rất chạnh lòng và đưa về trung tâm" - Thầy Hải kể lại. Mẹ Phương My, tên là Bùi Thị Hằng cho biết chị quê ở Thanh Hóa ra Hà Nội tìm việc làm nhiều ngày nay. Việc chưa có mà tiền mang theo không còn nên hai mẹ con đành tá túc ở bến xe. Bé Phương My sau khi được chăm sóc, được thầy Hải và bạn bè động viên tham gia ban nhạc nhí tham dự liên hoan nghệ thuật trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã hồn nhiên trở lại. Nhỏ nhất ban nhạc, My tỏ ra chững chạc khi đồng thanh hát bài "Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ" cùng những người anh em khác trong ngôi nhà mới của mình.
Tặng quà cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn. |
Ban nhạc bé Phương My tham gia gồm 5 người, là 5 số phận đặc biệt, như trường hợp cậu bé "người rừng" Sùng A Lự ở Bảo Lâm (Cao Bằng). Gia đình Sùng A Lự nghèo lắm. Mẹ bị lừa bán sang Trung Quốc, bố bị tâm thần, mới 7 tuổi, Lự phải cùng bố và hai em sống trong hang đá. Hằng ngày, cậu bé phải đi kiếm củi đổi lấy 2 gói mì tôm về ăn cùng nước suối. Thầy Hải không quản đường xa lên đón về. Bố Lự được giới thiệu việc làm trồng hoa, cắt cỏ ở Quảng Ninh, còn Lự được thầy cho đi học, năm nay cũng hết lớp 2 và biết đọc, biết viết thành thạo. Nhóm tốp ca 5 người của Lự và Phương My còn có bạn Hải Yến ở Lào Cai, bạn Hà Minh Quang ở Phú Thọ, đều là những đứa trẻ lớn lên trong hoàn cảnh bị bạo lực gia đình nghiêm trọng...
Dù có điều kiện hơn khi được trang bị đầy đủ vật chất, nhạc cụ nhưng nhóm nhạc Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu lại chịu nhiều thiệt thòi khi tất cả đều bị khiếm thị. Không nhìn rõ được bằng mắt nhưng bù lại, các em lại mẫn cảm với âm thanh tiếng động. Trưởng nhóm nhạc là Nguyễn Quang Huy, lớp 8A2, được trời phú cho đôi tai đặc biệt khi chỉ cần lắng nghe các bạn so dây, nắn phím bất kỳ nhạc cụ nào từ đàn tranh, đàn nhị mang âm hưởng dân tộc đến cả ghitar hiện đại... em đều căn chỉnh rất chuẩn. Bản thân Huy trong ban nhạc của trường chơi được cả bộ gõ lẫn bộ dây, dù sở trường của em là ghitar. Cống hiến cho liên hoan nghệ thuật trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt lần này, Huy sẽ mang đến cho thính giả độc tấu bài Mùa xuân đầu tiên và làm nhạc trưởng cho cả nhóm hòa tấu nhạc phẩm Bài ca Tây Nguyên; vốn là ca khúc đã được nhóm nhạc tập luyện rất kỹ. Có lẽ vì cảm nhận cuộc sống qua những giai điệu đẹp và tình yêu thương của thầy cô, bạn bè nên Huy có ước mơ rất trong sáng là trở thành người nghệ sĩ thực thụ. Ước mơ và nghị lực vươn lên của cậu trò lớp 8 này đã truyền cho những bạn bè cùng lứa vượt qua mọi khó khăn vươn lên trong học tập và cuộc sống thường nhật.
Phó Giám đốc Cung Thiếu nhi Hà Nội Lại Hồng Đăng khẳng định, liên hoan đã góp một niềm vui, nhân lên niềm hạnh phúc cho trẻ có hoàn cảnh không may, giúp các em tự tin bước vào cuộc sống. Những người cầm bút chúng tôi mong rằng chương trình thiện nguyện này sẽ vươn cao, bay xa và thành công hơn nữa...