Cách đo chiều dài thời cổ đại
Xã hội - Ngày đăng : 06:05, 12/01/2014
Họ đã đo được diện tích ruộng, khoảng cách giữa các thành phố và vẽ được bản đồ với tỷ lệ xích. Vùng Lưỡng Hà hằng năm đều bị nước lũ dâng làm mất dấu ruộng. Vì vậy, hằng năm người ta phải đo đạc lại ruộng. Người Babylon cổ đại đã có những ghi chép về diện tích đất từ 4.300 năm trước trên những tấm bản đồ làm bằng đất sét. Họ vẽ những cánh đồng và mô tả kích thước những ô ruộng của mọi người. Một số ruộng đất ven sông bị lở cũng cần được đo lại. Từ 5.000 năm trước, người Ai Cập cổ đại đã tạo ra lũ kế để đo mực nước hằng năm của sông Nile và căn cứ vào mực nước để xác định khả năng được mùa hay mất mùa nhiều ít. Ghi chép cho thấy, cách đây 3.400 năm, Pharaon - vua Ai Cập đã căn cứ vào diện tích ruộng và mức lũ để định ra mức thuế hằng năm phải nộp của người nông dân.
Hơn 2.600 năm trước, người Babylon đã làm ra bản đồ thế giới bằng đất sét. Điều đó cho thấy, công nghệ đo đạc khoảng cách dài của người cổ đại đã rất phát triển. Nhà toán học người Hy Lạp Eratosthenes (276 - 194 trước Công nguyên - TCN) đã xác định Trái đất hình cầu và tìm ra phương pháp chính xác để đo bán kính Trái đất. Ông cũng đã đo được khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời (mà ngày nay gọi là đơn vị thiên văn), khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trăng và góc nghiêng của Trái đất với mặt phẳng quỹ đạo (hoàng đạo). Đồng thời, ông vẽ bản đồ dòng chảy của sông Nile, bản đồ một vùng đất rộng lớn của Trái đất. Kỹ sư người La Mã V.Pollio (70 - 25 TCN) đã chế ra một bánh xe đặc biệt trên xe ngựa. Theo đó, bánh xe này quay được 400 vòng thì được 1 dặm La Mã. Cách làm này về sau được nhà bác học người Italia Léonard.de.Vinci (1452 - 1519) cải tiến để ngày nay được áp dụng làm công tơ mét trong một số phương tiện giao thông như ô tô, xe máy.
Người Việt cổ thường dùng ba loại thước để đo khoảng cách là: Thước mộc, thước đo vải và thước đo đất. Mỗi thước đo đất cổ dài 47cm và vẫn được sử dụng trong đo đạc diện tích ở miền Trung và miền Nam. Ở miền Bắc, từ đầu thế kỷ XX, mỗi thước được thống nhất là 40cm. Đơn vị đo chiều dài cổ của Việt Nam có thể kể đến: Trượng, thước (hay xích), tấc, phân, ly. Trong đó, hai đơn vị kế tiếp gấp nhau 10 lần. Để đo những khoảng cách dài hơn như quãng đường, người Việt dùng đơn vị lý, dặm, sải. Những đơn vị đo diện tích và thể tích cũng có kích thước tương ứng.
Kết quả kỳ trước. Một số đơn vị đo chiều dài: Phân, gang, sải, thước.
Kỳ này. Đổi 1 trượng sang đơn vị ly. Câu trả lời gửi về chuyên mục “Toán học, học mà chơi”, Tòa soạn Báo Hànộimới, 44 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.