(HNM) - Năm 2014, ngoài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ kéo dài 9 ngày, người dân còn được nghỉ 5 ngày vào dịp lễ 30-4 và nghỉ 4 ngày nhân dịp Quốc khánh 2-9.
|
Ảnh minh họa |
Đa dạng hóa tour, tuyến
Hai năm gần đây, Bộ LĐ, TB&XH công bố sớm lịch nghỉ lễ, Tết trong năm. Điều này có tác động tích cực đến hoạt động của ngành du lịch, cả doanh nghiệp lữ hành và người dân có thể chủ động lên kế hoạch kinh doanh, chọn hành trình. Năm nay, đón kỳ nghỉ dài nhân dịp Tết Nguyên đán, nhiều công ty lữ hành đã chủ động triển khai phương án kinh doanh nhằm tận dụng cơ hội. Với hơn 300 tour hấp dẫn, Vietravel tập trung vào chủ đề du xuân, bao gồm tour "Xuân an khang" với điểm đến là Đà Lạt, Pleiku, Phú Quốc, Côn Đảo; tour "Tết miền Tây", tour "Rộn ràng cùng mùa xuân" tại Singapore, Hongkong, Hàn Quốc, Nhật Bản…; tour "Xuân trảy hội" đưa khách tới dự lễ hội Chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh), Chợ Gò (Bình Định), chùa Bà (Tây Ninh…); tour "Xuân tình yêu" đưa các đôi uyên ương tới Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc, Huế hay Bangkok, Phuket (Thái Lan)…; hay tour "Xuân Chiến khu" đưa các cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường: Bộ VH,TT&DL vừa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét văn bản "Một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch giai đoạn 2014 - 2020", mục tiêu nhằm tháo gỡ những rào cản đang gây ảnh hưởng không có lợi đối với sự phát triển và năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn chưa ra khỏi khủng hoảng. Nếu được phê duyệt và triển khai, đây sẽ là bước ngoặt mới để ngành du lịch phát triển một cách bài bản, trên cơ sở phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các bộ, ngành, địa phương. |
|
Dịp Tết Giáp Ngọ 2014, nhiều công ty du lịch lập tour khám phá văn hóa Việt Nam, hấp dẫn du khách quốc tế. Với chùm tour "Du xuân phương Nam, rước Tết về nhà" của Saigontourist, du khách sẽ được tham quan làng hoa xuân Nam bộ, tận hưởng không khí chuẩn bị đón Tết bằng cách đến nhà dân xem gói, nấu bánh tét, bánh ít… Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc marketing Saigontourist cho biết, tour "Tây ăn Tết ta" đã được tổ chức từ nhiều năm nay, khá thành công, đặc biệt là thu hút rất nhiều du khách nước ngoài, Việt kiều.
Đại diện Hanoi Redtours cho rằng, những người có mức thu nhập trung bình sẽ lựa chọn những tour ngắn ngày, di chuyển bằng đường bộ để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, để khuyến khích khách chọn dịch vụ của mình thay vì băn khoăn đi hay không đi, các doanh nghiệp phải mở thêm tour, thiết kế hành trình độc đáo, mới lạ chứ không thể cạnh tranh theo lối mòn là hạ giá tour hay "copy tour". Thực tế tại một số hãng lữ hành hàng đầu Việt Nam cho thấy, năm nay, nhiều tour theo tuyến Tây bắc, Đông bắc đắt khách ngay sau khi thông tin nghỉ Tết 9 ngày được công bố.
Kích cầu sớm
Nhiều chuyên gia cho rằng, những "kỳ nghỉ vàng" có ý nghĩa rất lớn, ngành du lịch cần đón nhận cơ hội một cách chủ động thay vì để cho các doanh nghiệp tự thân vận động. Theo Phó trưởng Nhóm khuyến mãi kích cầu du lịch nội địa TP Hồ Chí Minh Trần Thế Dũng, ngành du lịch cần sớm áp dụng chương trình kích cầu du lịch năm 2014 để doanh nghiệp chủ động, đón đầu nhu cầu của khách. Nhà nước cũng cần có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp để triển khai chương trình này. Đó là ý kiến cần được xem xét, bởi thực tế trong năm 2013 cho thấy hiệu ứng của chương trình kích cầu đã tác động rất nhiều đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch; hãng hàng không, từ đó, khách du lịch có cơ hội mua được vé máy bay giá rẻ. Chương trình thu hút nhiều doanh nghiệp du lịch ở cả 3 miền tham gia, các nhà cung cấp dịch vụ ở địa phương hưởng ứng bằng cách giảm giá hoặc không tăng giá trong thời gian diễn ra hoạt động kích cầu. Hiệu quả từ chương trình là điều có thể nhận biết dễ dàng. Chẳng hạn, chương trình kích cầu giúp rút ngắn khoảng cách giữa giá tour trong nước (đắt hơn) so với giá tour ra nước ngoài - một nghịch lý đã tồn tại trong nhiều năm qua.
Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Thăng Long GTC kiến nghị: Sở VH,TT&DL Hà Nội cần sớm tạo "sân chơi" mới để các doanh nghiệp triển khai chương trình kích cầu, thúc đẩy mối liên kết giữa các đơn vị lữ hành với nhà cung cấp dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, phương tiện vận chuyển… mục tiêu là tạo ra mức giá phù hợp (giảm), đáp ứng nhu cầu du lịch của người dân. "Theo số liệu thống kê, hiện nay, tỷ lệ sử dụng buồng phòng của nhiều khách sạn chỉ đạt khoảng 50-60%. Nếu triển khai tốt chương trình kích cầu thì việc nâng công suất buồng phòng lên thêm 10-20% là điều hoàn toàn có thể", ông Nguyễn Thái Dũng nói.
Về sự phát triển bền vững của ngành du lịch, nhiều doanh nghiệp cho rằng, trong năm 2013, một số địa phương như: Hà Nội, Hội An, Đà Nẵng… đã có nhiều biện pháp làm trong sạch môi trường du lịch, hỗ trợ du khách như thành lập đường dây nóng, trung tâm hỗ trợ du khách, tăng cường kiểm tra hoạt động đón khách của các công ty lữ hành, kiểm tra hoạt động của hướng dẫn viên du lịch… Tuy nhiên, tại một số địa bàn trọng điểm, hiện tượng ép giá, lừa đảo, chèo kéo khách, gian lận cước taxi, nạn bán hàng rong, ăn xin đeo bám khách du lịch… vẫn diễn ra, đặc biệt là vào dịp lễ, Tết. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần kiên trì sử dụng biện pháp mạnh nhằm tiếp tục cải thiện môi trường du lịch.
Năm 2013, ngành du lịch Việt Nam có bước phát triển ấn tượng: Đón gần 7,5 triệu lượt khách quốc tế (tăng hơn 10% so cùng kỳ năm trước), lượng khách trong nước ước đạt 35 triệu lượt, tổng thu nhập từ du lịch đạt gần 200 nghìn tỷ đồng. Như vậy, so với 4 năm trước, thời điểm mức tăng trưởng du lịch bị giảm (năm 2009) do suy thoái kinh tế toàn cầu, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2013 đã tăng gấp hai lần, tổng thu du lịch tăng hơn 2,2 lần. |