Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị trừng phạt thích đáng
Xã hội - Ngày đăng : 05:59, 12/01/2014
Đây là vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm vì có sự liên quan đến vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản" xảy ra tại Vinalines mà Dương Chí Dũng là bị can chính. Kết thúc phiên tòa, các bị cáo đã phải nhận những hình phạt nghiêm khắc, xứng đáng với hành vi vi phạm. Sau khi bản án được tuyên, Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với chủ tọa phiên tòa - Thẩm phán Trương Việt Toàn về một số vấn đề có liên quan trong công tác xét xử vụ án đặc biệt này.
Thẩm phán Trương Việt Toàn. Ảnh: Thái Sơn |
Không thể che giấu sự thật khách quan
- Thưa ông, vụ án liên quan đến bị cáo Dương Tự Trọng được dư luận hết sức quan tâm bởi tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, hơn nữa hành vi đó liên quan đến bị cáo Dương Chí Dũng - “nhân vật” chính trong vụ án tham nhũng xảy ra tại Vinalines. Là thẩm phán, chủ tọa phiên xét xử, ông có phải chịu áp lực, sức ép nào không?
- Trong vụ án này, nhiều người cũng đã hỏi tôi câu hỏi đó. Riêng tôi tự khẳng định là bản thân không phải chịu bất kỳ một sức ép nào ngoài việc làm sao để vận dụng chính xác luật pháp, xét xử vụ án nghiêm minh, đúng người, đúng tội.
- Chính điều ông vừa nói cũng là áp lực lớn đối với những người làm công tác “cầm cân nảy mực”?
- Vâng! Với trách nhiệm đó, từ khi nhận hồ sơ vụ án vào ngày 8-11-2013, trong gần hai tháng làm việc cả thứ bảy, chủ nhật, tôi đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng, nhớ rõ những bút lục trong số hơn 6.000 trang tài liệu để có thể viện dẫn tại phiên tòa. Quá trình xét xử, tôi chỉ quan tâm đến việc xem xét khách quan, toàn diện hồ sơ vụ án, các chứng cứ, lời khai, tranh tụng tại tòa… để làm sáng tỏ các tình tiết trong vụ án. Từ đó, Hội đồng xét xử (HĐXX) đưa ra được bản án đúng pháp luật, có tính thuyết phục cao.
- Thưa ông, về nhân thân, bị cáo Dương Tự Trọng nguyên là một cán bộ có vị trí quan trọng trong lực lượng bảo vệ pháp luật (nguyên Phó Giám đốc CATP Hải Phòng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính và Trật tự xã hội - Bộ Công an). Với trường hợp khá đặc biệt này, ông có những suy nghĩ như thế nào khi làm chủ tọa phiên tòa?
- Tính đến tháng 1-2014, tôi có tròn 30 năm trong ngành tòa án. Trong suốt 30 năm công tác, từ khi là thẩm phán án dân sự và đặc biệt là khi xét xử án hình sự, không riêng gì vụ án liên quan đến bị cáo Dương Tự Trọng, mỗi vụ án đều để lại cho tôi những suy nghĩ, trăn trở. Lý do là vì mỗi vụ án, bản án đều liên quan đến sinh mạng, số phận của từng con người cụ thể. Có thể nói, mỗi vụ án đều để lại trong tôi những nỗi niềm riêng.
- Với vụ án Dương Tự Trọng và đồng phạm “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”, điều ông trăn trở là gì?
- Trong vụ việc này, tôi có suy nghĩ, bị cáo Dương Tự Trọng là cán bộ công an cao cấp, không thể nói là thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện. Và thực tế, Dương Tự Trọng đã lập nhiều thành tích trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Nhưng chỉ trong một giây phút ngắn ngủi buộc phải đưa ra quyết định đồng ý hay không đồng ý, giúp đỡ hay không giúp đỡ việc đưa anh trai là Dương Chí Dũng bỏ trốn, bị cáo đã đưa ra quyết định sai lầm nên phạm tội. Đó là điều rất đáng tiếc...
- Đúng là trong cuộc sống, đối với từng sự việc, ai cũng phải đưa ra những quyết định, trong đó có những quyết định dựa theo tình cảm. Như trong vụ án này, có những ý kiến trong dư luận cho rằng hành vi của Dương Tự Trọng cần có sự cảm thông vì đã giúp đỡ anh trai của mình. Ông nhận xét như thế nào về ý kiến này?
- Tôi không nghĩ vậy! Trong cuộc đời, mỗi người đều đã và sẽ phải đưa ra những quyết định và trong đó có không ít quyết định quan trọng. Thực tế với mỗi sự việc đều có nhiều biện pháp, cách thức giải quyết. Dù chúng ta lựa chọn biện pháp, hướng giải quyết sự việc như thế nào thì yếu tố đầu tiên là điều đó có phù hợp với chuẩn mực đạo đức không, có nằm trong khuôn khổ những quy định của pháp luật không và có nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều người không? Là một cán bộ bảo vệ pháp luật, được học tập, rèn luyện nhiều năm, hơn ai hết bị cáo Dương Tự Trọng phải hiểu rõ rằng “pháp bất vị thân”. Thêm nữa, phải nhìn nhận, đánh giá góc độ tình cảm trong mỗi quyết định theo cách rộng hơn, đặc biệt là hành động theo tình cảm nhưng trong khuôn khổ đạo đức và pháp luật.
- Bị cáo Dương Tự Trọng nói riêng và phần lớn các bị cáo từng là cán bộ, công chức nói chung đều hiểu biết pháp luật. Dư luận cho rằng, những đối tượng này trong quá trình điều tra và thẩm vấn trước tòa sẽ có nhiều phương thức để đối phó với cơ quan pháp luật hòng che giấu hành vi phạm tội. Điều đó có đúng không và có gây khó khăn cho ông trong việc xét xử?
- Chúng tôi luôn tuân thủ nguyên tắc “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”. Vì vậy, dù bị cáo từng là cán bộ trong cơ quan bảo vệ pháp luật thì khi đưa ra xét xử tòa cũng xem xét vụ án trên cơ sở khách quan, toàn diện mọi chứng cứ để đưa ra bản án. Dù là người hiểu biết pháp luật đến đâu, xảo quyệt đến đâu nếu đã phạm tội, cuối cùng cũng không thể che giấu được sự thật khách quan...
- Tại phiên tòa, trước một số lời khai của nhân chứng và các bị cáo khác, Dương Tự Trọng liên tục không xác nhận cũng không phủ nhận do... “trí nhớ kém”. Với cáo buộc của Viện KSND TP Hà Nội, bị cáo Dương Tự Trọng cũng không đưa ra quan điểm cụ thể. Ông nhận xét như thế nào về chuyện đó?
- Đó là quyền của bị cáo. Tại bản án đã tuyên, tôi không đánh giá thái độ của bị cáo mà chỉ xét trên các hồ sơ, chứng cứ và được chứng minh qua lời khai của các bị cáo, các nhân chứng tại tòa để đưa ra mức án. Dù Dương Tự Trọng không thừa nhận hành vi nhưng căn cứ vào lời khai của các bị cáo khác cho thấy sự phù hợp, hoàn toàn lô gích, mô tả chi tiết thời gian, không gian và cũng phù hợp với lời khai của nhân chứng Dương Chí Dũng, thể hiện rõ vai trò của Dương Tự Trọng là người chỉ đạo từ đầu việc tổ chức đưa Dương Chí Dũng đi trốn. Vì vậy, HĐXX thấy có đủ căn cứ xác định Dương Tự Trọng là người chủ mưu, chỉ huy, tổ chức các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội.
Mọi hành vi phạm tội đều phải bị pháp luật trừng phạt thích đáng
- Thưa ông, không riêng đối với vụ án Dương Tự Trọng và đồng phạm “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”, thời gian qua trong nhiều vụ án được đưa ra xét xử, đặc biệt là đối với những vụ án để lại hậu quả nghiêm trọng, đã có sự tham gia của không ít cán bộ, công chức, viên chức. Ông nhận xét như thế nào về vấn đề này?
- Tòa án là cơ quan xét xử, dựa trên cơ sở là các quy định của pháp luật để phân tích, đánh giá mức độ phạm tội của từng bị cáo trong vụ án cụ thể để đưa ra bản án có tính thuyết phục nhất. Còn công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức thuộc về các cơ quan chủ quản.
- Tuy nhiên, trong công tác xét xử, phải thừa nhận rằng, với một số vụ việc, nếu không phải là cán bộ, công chức, viên chức được giao những vị trí công việc nhất định thì sẽ không có điều kiện để thực hiện hành vi phạm tội. Ví dụ như đối với Dương Tự Trọng hay Dương Chí Dũng, nếu họ không ở vị trí công tác đó thì họ cũng không có điều kiện phạm tội?
- Thực tế là có những nhóm cán bộ khi ở cương vị nhất định thì lại quên đi hoặc cố tình bỏ qua những thiết chế, những quy định mà họ không được phép làm để cố tình thực hiện hành vi phạm pháp. Họ tự cho mình những quyền riêng để vi phạm pháp luật. Rất tiếc, đó là sai lầm. Hành vi gây hậu quả xấu cho xã hội không sớm thì muộn sẽ bị pháp luật trừng phạt.
- Ông nghĩ như thế nào khi một số lời khai trước tòa cho thấy, người ta đưa nhau tiền, biếu nhau tiền nhờ “giúp đỡ” chuyện nọ, chuyện kia từ vài chục nghìn đô la cho tới nửa triệu, thậm chí cả triệu đô la?
- Một số người không giữ được bản thân đã lao sâu vào các hành vi phạm tội. Họ quá dễ dàng trục lợi vật chất nên không nhận biết được giá trị của sức lao động chân chính. Tuy nhiên, đó chỉ là một số nhỏ, rất nhỏ trong xã hội và công việc của chúng ta là phải ngăn chặn, loại bỏ những hành vi đó khỏi đời sống.
- Như ông nói ở trên, có những hành vi phạm tội xuất phát từ một khoảnh khắc sai lầm khi đưa ra quyết định. Song với nhiều vụ án, hành vi phạm tội của một số bị cáo từng là cán bộ, công chức, viên chức, thậm chí có những người giữ cương vị cao trong các cơ quan nhà nước lại diễn ra trong một thời gian dài, có tính toán và được ngụy trang, che giấu một cách tinh vi...
- Về vấn đề này, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) cũng đã đánh giá: Hiện có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...
- Là người công tác trong ngành tòa án, đã từng xét xử những cán bộ phạm tội, điều ông muốn nói về “một bộ phận cán bộ, đảng viên” vừa nêu trên là gì?
- Tôi cho rằng, tất cả mọi hành vi phạm tội đều sẽ phải nhận sự trừng phạt thích đáng của pháp luật.
- Về nguyên tắc thì đúng như vậy. Tuy nhiên, thời gian qua dư luận không khỏi băn khoăn khi các phiên tòa xét xử tội danh “tham nhũng” liên quan đến các bị cáo nguyên là cán bộ, công chức dường như còn có phần nương nhẹ; các khung hình phạt theo quy định của pháp luật chưa phát huy được tác dụng trong việc răn đe, đấu tranh và phòng ngừa các hành vi phạm tội.
- Tôi không nghĩ như thế. Theo tôi, quá trình xem xét, xét xử một vụ án, HĐXX luôn phải đánh giá tất cả các yếu tố liên quan đến vụ án một cách khách quan hồ sơ, chứng cứ, lời khai, quá trình tranh tụng… Chẳng hạn, xét xử tội “tham nhũng” của một cán bộ cơ sở đã bán đất xen kẹt để lấy tiền xây trường học thì phải tính đến yếu tố không vụ lợi của vị cán bộ đó. Trong những vụ án như thế, yếu tố “trục lợi” phải được đánh giá đúng để đưa ra mức án phù hợp. Ngược lại, với những vụ án mà bị cáo được xác định trục lợi cá nhân với khối tài sản lớn, gây hậu quả nghiêm trọng tới đời sống xã hội, thì mức án phải tương ứng...
- Thưa ông, cũng như nhiều ngành nghề khác trong xã hội, liệu có chuyện cán bộ trong ngành tòa án liên quan đến tiêu cực?
- Trong thực tế cũng đã từng có những chuyện như vậy. Nhưng nguyên tắc là “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” và “pháp bất vị thân”.
- Qua vụ việc vừa xét xử, ông nhận định như thế nào về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay?
- Theo tôi, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng phải là công tác thường xuyên, liên tục. Việc điều tra, đưa ra xét xử vụ án Vinalines hay vụ án Dương Tự Trọng chỉ là những “dấu phẩy” trong cả quá trình đấu tranh bền bỉ với tội phạm tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Nếu việc phòng chống tham nhũng được triển khai thường xuyên, quyết liệt, sát sao và hiệu quả thì hành vi phạm tội ít có điều kiện nảy sinh. Trong đó, sự trừng phạt nghiêm minh và thích đáng của pháp luật cũng có tác dụng răn đe, phòng ngừa rất lớn.
- Thực tế hiện nay là tội phạm nói chung, tội phạm tham nhũng liên quan đến những người có chức quyền nói riêng diễn biến rất phức tạp. Các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật có sự liên kết ngày càng rõ. Như trường hợp vụ án Dương Tự Trọng là sự tiếp nối của vụ án xảy ra tại Vinalines, rồi tiếp đó mở ra việc điều tra vụ án “cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”... Ông đánh giá như thế nào về thực tế này?
- Đúng là công tác đấu tranh với tội phạm ngày càng khó, do tội phạm ngày càng đa dạng, tính chất quyết liệt ngày càng cao, hành vi, thủ đoạn có tính chất phức tạp hơn trước rất nhiều. Điều đó đòi hỏi sự cố gắng nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, yêu cầu đối với những người làm công tác xét xử là phải thường xuyên học tập, cập nhật văn bản pháp luật, các kiến thức liên quan đến sự phát triển của kinh tế - xã hội thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu công việc. Cũng vì công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và phòng chống tham nhũng có rất nhiều khó khăn nên sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan điều tra tố tụng là rất quan trọng.
- Cảm ơn ông về những vấn đề đã trao đổi!