"Bộ lọc" có vấn đề

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:54, 12/01/2014

(HNM) - Thị trường nghệ thuật do hai yếu tố hợp thành là bộ phận sáng tạo, biểu diễn và khán giả. Lâu nay khi thị trường nghệ thuật có vấn đề thì người ta chỉ đổ tội cho nghệ thuật mà quên rằng chính khán giả - bộ phận tiếp nhận nghệ thuật cũng có vấn đề.

Gần đây, một số bộ phim truyện có giá trị nội dung và nghệ thuật nhưng khi phát hành ra rạp thì chỉ chiếu được một thời gian ngắn đã phải dừng vì không có khán giả. Cũng gần đây một bộ phim "hài nhảm" lại hút khách và có doanh thu cao. Không chỉ điện ảnh, vấn đề tiếp nhận âm nhạc cũng đang là điều trăn trở của các nhà lý luận phê bình chuyên nghiệp và nhiều nhà báo viết về văn hóa nghệ thuật. Để trở thành diễn viên tuồng hay chèo thực thụ, các cụ xưa đúc kết "Thanh, sắc, thục, tinh, thần, khí". Các cụ xưa xếp thanh (giọng hát) lên đầu, nghĩa là giọng hát quan trọng nhất, không có giọng hát tốt thì không thể trở thành diễn viên. Còn sắc ở đây không hẳn là sắc đẹp, sắc được hiểu là diễn viên phải biết hóa trang sao cho phù hợp với nhân vật. Song, trên sân khấu ca nhạc hiện nay không thiếu ca sĩ giọng hát còn thua các ca sĩ nghiệp dư mà họ vẫn có fan, thậm chí số lượng fan rất lớn.

Vì khán giả có nhiều loại nên nhà phê bình có trách nhiệm giúp khán giả hiểu giá trị thật của sản phẩm nghệ thuật đó. Trước kia chúng ta giáo dục tiếp nhận nghệ thuật gián tiếp thông qua các bài phê bình trên cơ sở phân tích bằng chuyên môn, không chụp mũ, áp đặt. Đó chính là định hướng thẩm mỹ cho công chúng. Còn bây giờ hiếm thấy các bài viết như vậy nhưng lại thừa những bài viết PR, khen thừa hay áp đặt… dẫn đến chuyện khán giả mất lòng tin và hoang mang. Vấn đề nữa là một chương trình ca múa nhạc trước khi biểu diễn cho công chúng xem, phải được cơ quan có thẩm quyền duyệt. Nhưng thực tế họ thường để ý bài hát đó có được phép phổ biến không, có trái với thuần phong mỹ tục không… mà không mấy quan tâm đến giọng hát đó chuyên nghiệp hay nghiệp dư, nội dung và giá trị nghệ thuật thế nào, bài hát đó vô bổ hay cũ kỹ không rồi từ đó loại bỏ ra khỏi chương trình. Việc duyệt và cấp phép phổ biến phim cũng tương tự như vậy. Thậm chí còn có sự thương hại "Nhà sản xuất bỏ tiền tỷ làm phim, họ không sai phạm, không duyệt tội nghiệp họ".

"Bộ lọc" như vậy nên nhiều sản phẩm có chất lượng kém vẫn được cấp phép đưa ra thị trường, lại thêm việc thiếu định hướng thẩm mỹ nên nhiều khi cái dở cũng được tiếp nhận như cái hay. Và theo thời gian những thứ phi thẩm mỹ ngấm vào khán giả khiến nhận thức thay đổi theo chiều hướng thiếu tích cực làm đảo lộn các quan niệm trong con người họ và gây xáo trộn kiến thức thẩm mỹ trong xã hội. Hy vọng "bộ lọc" nghệ thuật phải cương quyết hơn, các nhà phê bình phải có trách nhiệm hơn với xã hội, có như thế tiếp nhận nghệ thuật mới không còn vấn đề.

Thủy Tiên