Thú chơi xe Harley ở Hà Nội

Giới trẻ - Ngày đăng : 05:46, 12/01/2014

(HNM) - Ban đầu tôi nghĩ, chơi xe Harley Davidson nghĩa là ngày nào họ cũng mang xe ra chạy để

Dàn xe của câu lạc bộ.


Xe Harley có ở Hà Nội từ thời Pháp thuộc nhưng chỉ được trang bị cho cảnh binh Pháp. Một số thanh niên Hà Nội thời đó rất mê dòng xe này. Tuy nhiên, chính quyền không cho phép sử dụng nên họ đành phải chơi dòng xe khác. Ông An (thợ may) ở phố Hàng Trống chạy chiếc BMW R2, nhiếp ảnh gia Văn Hách chạy chiếc Universal. Năm 1962, Sở Thể dục thể thao Hà Nội cũng đã thành lập câu lạc bộ mô tô thể thao. Ngoài tham gia các sự kiện lớn của Thủ đô, câu lạc bộ còn đi giao lưu, biểu diễn ở nhiều tỉnh, thành miền Bắc. Còn hôm nay, Hà Nội có câu lạc bộ mô tô và đặc biệt những người yêu thích xe Harley Davidson đã có một câu lạc bộ riêng.

Vốn là người từng làm nghề sửa chữa kiêm buôn bán các loại mô tô, ô tô hơn chục năm nay, rồi trở thành người chuyên sưu tập các loại mô tô, xe máy cổ nên Trần Quang Vinh rất am hiểu về mô tô của Đức, Nhật Bản, Mỹ… Ông kể, ban đầu chưa từng nhìn thấy xe Harley tận mắt, nhưng qua ảnh trên mạng, những câu chuyện về chiếc xe khiến ông yêu thích nó. Vì thế năm 2003 Trần Quang Vinh đã bỏ ra một khoản tiền không nhỏ mua chiếc Harley mẫu Heritage FLHX Street Glide CVO và trở thành người chơi Harley Davidson đầu tiên ở Hà Nội. Tuy nhiên, những năm đó pháp luật không cho phép công dân sử dụng xe mô tô phân khối lớn nên ông đã tham gia câu lạc bộ mô tô của Liên đoàn Xe đạp - mô tô thể thao Hà Nội để có cơ hội tham dự các chuyến đi dẫn đường cho các cuộc đua xe đạp trong nước. Lúc không có giải đua, ông bày xe ở quán cà phê xe cổ của mình tại phố Hàng Bún. Thấy ông chơi, nhiều người yêu thích có điều kiện kinh tế bắt đầu tìm mua và từ đó mở ra xu hướng chơi dòng xe này. Ngày 16-1-2010, Câu lạc bộ Harley Davidson Hà Nội ra đời với công sức của các ông: Trần Quang Vinh, Hà
Anh Tuấn, Trần Đức Thành, Phạm Mạnh Tiến… cùng 48 anh em chung sở thích. Sau đó, Câu lạc bộ đã được Liên đoàn Xe đạp - mô tô thể thao Hà Nội ra quyết định phê chuẩn công nhận là thành viên của Liên đoàn do Trần Quang Vinh làm Chủ tịch Câu lạc bộ cùng 71 thành viên. Hiện tại, Câu lạc bộ Harley Hà Nội với 130 hội viên là thành viên của Câu lạc bộ Harley Việt Nam và tháng 10-2013 đã gia nhập Câu lạc bộ Harley thế giới.

Thực ra, không phải bây giờ dòng xe Harley Davidson mới được yêu thích mà ngay từ khi chiếc xe đầu tiên ra đời năm 1907 nó đã được thanh niên Mỹ hồ hởi đón nhận. Đó là mẫu xe mà động cơ chỉ có một xy lanh và bánh ở phía sau được truyền lực bằng dây cua roa. Bill Harley và Arthur Davidson, hai người sáng lập ra công ty năm 1903, từng chia sẻ là họ muốn sản xuất ra những chiếc xe mang tính biểu trưng cho "sức mạnh Mỹ" để cánh đàn ông có thể cưỡi xe xuyên qua các hoang mạc rộng lớn, đi từ bờ đông sang bờ tây, từ bắc xuống nam. Ý tưởng này đến từ hình ảnh những anh chàng cao bồi ở miền Tây nước Mỹ, những người đàn ông dũng cảm đi đào vàng ở Alaska, Klondike cuối thế kỷ XIX. Cho đến nay, Harley Davidson đã cho ra đời nhiều mẫu xe vô cùng độc đáo và ấn tượng. Không chỉ ở Mỹ, rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ ở các quốc gia trên thế giới yêu thích dòng xe này. Họ lập ra các câu lạc bộ Harley để có cơ hội cùng nhau rong ruổi trên những cung đường, cùng trải nghiệm trên chiếc xe họ thích.

Theo ông Vinh, sở dĩ người ta mê dòng xe này vì xe thiết kế rất thoải mái, kiểu dáng khỏe khoắn, mạnh mẽ và đầy nam tính, lại có thêm tiếng nổ rất đặc trưng mà các xe mô tô khác không có được. Tiếng nổ dũng mãnh, độc đáo này là do xe không thiết kế để chạy tốc độ cao; đồng thời hộp số nằm riêng không chung với phần máy nên vòng tua máy chậm đã tạo ra tiếng nổ rất riêng của Harley. Tuy nhiên, không phải ai đam mê cũng có thể chơi được xe này, nếu không có sức khỏe thì không thể dắt nổi và cũng không thể ngồi trên yên xe chống chân xuống đất giữ thăng bằng vì khối lượng của xe nặng ngót 400kg. Trong Câu lạc bộ Harley Hà Nội, giá chiếc thấp nhất cũng khoảng hơn 500 triệu đồng, chiếc cao nhất có giá ngót nghét 2 tỷ đồng. Nếu muốn xe có "cá tính" thì phải lắp thêm phụ kiện, nào tay nắm, gương chắn gió, yên, đồ bảo vệ… và phụ kiện cũng không rẻ chút nào. Khi thay dầu máy phải dùng loại được sản xuất riêng cho dòng xe này. Máy được làm mát máy bằng dầu, không bằng két nước nên lúc chạy nhiệt độ máy lên cao do vậy phải mặc quần áo phù hợp. Đúng là nghề chơi cũng lắm công phu. Cũng theo ông Vinh, hầu hết thành viên của câu lạc bộ là trung niên, ngoài có điều kiện kinh tế, họ có đủ độ điềm tĩnh để chạy an toàn.

Mỗi năm Câu lạc bộ tổ chức 4 chuyến đi chung, mỗi chuyến có vài chục xe tham gia, nơi đến là các địa danh trong nước. Có năm, Câu lạc bộ tổ chức đi xuyên Việt. Tính đến thời điểm này chuyến đi dài nhất là chuyến đi từ Hà Nội sang Lào qua Thái Lan, vòng sang Campuchia, rồi về TP Hồ Chí Minh, sau đó chạy ra Hà Nội. Chuyến đi không chỉ an toàn mà còn có các cuộc giao lưu bổ ích với Câu lạc bộ Harley ở Thái Lan. Năm 2013, một số thành viên sang Mỹ kỷ niệm 110 năm ngày thành lập hãng và gặp gỡ với một số câu lạc bộ Harley trên đất Mỹ. Ông Trần Quang Vinh nói vui: "Chúng tôi cũng làm nhiệm vụ ngoại giao nhân dân". Từ khi ra đời, Câu lạc bộ đã tích cực tham gia nhiều hoạt động từ thiện. Trong năm 2012, đã tặng trẻ em nghèo tỉnh Sơn La xe đạp, quần áo. Đầu năm 2013, Câu lạc bộ kết hợp với Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh trao tặng trẻ em huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An 126 xe đạp, rồi tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em nghèo tỉnh Yên Bái với số tiền hơn 60 triệu đồng. Không chỉ làm từ thiện, cùng với Câu lạc bộ Harley Sài Gòn, Câu lạc bộ Harley Hà Nội đã tài trợ cho giải đua xe đạp trẻ toàn quốc, giải đua xe đạp đường trường dành cho người lớn tuổi…

Để thú chơi ngày càng văn minh và theo đúng quy định của pháp luật, Câu lạc bộ đã tổ chức làm thẻ vận động viên thể thao cho hội viên, đồng thời xin thi tuyển bằng A2 cho hội viên chưa có. Duy chỉ có điều băn khoăn là Luật Giao thông đường bộ không cho phép xe mô tô chạy vào làn ô tô, nên khá nguy hiểm khi chạy cùng làn với xe máy và xe đạp. "Nhà nước đã cho thi bằng lái, cho đăng ký xe thì cũng nên cho xe mô tô chạy vào làn đường ô tô như các nước trong khu vực", ông Vinh chia sẻ.

Nguyễn Ngọc Tiến