Tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng ''Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không''
Đời sống - Ngày đăng : 11:42, 26/12/2022
Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Phạm Thế Duyệt, nguyên Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy, nguyên Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương; cán bộ, chiến sĩ Phòng không - Không quân; các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; các nhân chứng lịch sử...
Đại biểu thành phố Hà Nội dự lễ kỷ niệm còn có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Nguyễn Văn Phong; cùng lãnh đạo thành phố Hà Nội qua các thời kỳ.
“Quyết đánh”, “Biết đánh” và “Quyết thắng”
Mở đầu lễ kỷ niệm, các đại biểu đã thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc biệt tái hiện 12 ngày đêm lịch sử 50 năm về trước với những đau thương mất mát, hy sinh to lớn, những chiến công vô cùng oanh liệt, tự hào…
Trình bày diễn văn kỷ niệm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, ngay từ những năm đầu của cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, sớm nhận rõ và dự báo chính xác tình hình, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã xác định quyết tâm chiến lược, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, động viên quân và dân miền Bắc chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt... Cuối năm 1967, đầu năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị... Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Sau thất bại liên tiếp tại chiến trường miền Nam Việt Nam, Mỹ đơn phương tuyên bố hoãn không thời hạn Hội nghị Paris, đồng thời mở cuộc tập kích chiến lược bằng đường không vào miền Bắc nước ta tháng 12-1972, với tên gọi Chiến dịch Linebacker 2 nhằm đánh phá, hủy diệt tiềm lực kinh tế, quốc phòng miền Bắc, gây sức ép buộc ta phải chấp nhận ký Hiệp định Paris theo các điều khoản có lợi cho Mỹ. Đây là cuộc tập kích huy động lực lượng lớn nhất của Mỹ kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, với hàng trăm máy bay ném bom chiến lược B-52, được mệnh danh là “Siêu pháo đài bay” - “thần tượng bất khả chiến bại” của không lực Hoa Kỳ cùng hàng ngàn máy bay chiến thuật và nhiều tàu sân bay, tàu chiến tối tân, hiện đại.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quân ủy Trung ương, Quân chủng Phòng không - Không quân đã chủ động xây dựng kế hoạch tác chiến đánh trả cuộc tập kích bằng B-52 của Mỹ. Với sự sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam, qua nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi cách đánh B-52, ta đã tổ chức, phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, thế trận phòng không nhân dân vững chắc, hiệp đồng tác chiến hiệu quả giữa các lực lượng, với ý chí “Quyết đánh”, “Biết đánh” và “Quyết thắng”.
Ngay từ trận đầu ra quân, đêm 18-12-1972, quân và dân ta đã bắn rơi tại chỗ “siêu pháo đài bay B-52”, mở màn cho những thắng lợi vang dội trong những trận đánh tiếp theo.
Trong 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, mưu trí, sáng tạo, với ý chí kiên cường, niềm tin sắt đá, nêu cao tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang, nòng cốt là Quân chủng Phòng không - Không quân Quân đội nhân dân Việt Nam đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 chiếc B-52, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm giặc lái Mỹ. Lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh, “siêu pháo đài bay B-52” thảm bại, không lực Mỹ phải chịu tổn thất nặng nề chưa từng có.
Chiến thắng của chính nghĩa, kết tinh lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, chiến thắng đã làm nức lòng đồng bào, chiến sĩ cả nước và nhân loại tiến bộ, được thế giới biết đến với tên gọi “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Đây là kỳ tích có một không hai, mang tầm vóc lịch sử ở thế kỷ XX, bản hùng ca chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đó là chiến thắng của chính nghĩa, kết tinh lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, là đỉnh cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam... Hà Nội được bạn bè quốc tế ngợi ca là: “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.
Sau thất bại này, nhà cầm quyền Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận quay trở lại bàn đàm phán. Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết. Cuối tháng 3-1973, quân đội Mỹ và chư hầu đã phải rút khỏi miền nam Việt Nam.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã góp phần bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giữ vững thành quả cách mạng; tạo cục diện mới và là tiền đề quan trọng để quân và dân ta đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa xuân năm 1975, thực hiện trọn vẹn mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào… Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là một minh chứng sống động, khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, tài tình, tầm nhìn chiến lược, đường lối chính trị, quân sự, ngoại giao đúng đắn của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện và nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Chiến thắng còn góp phần làm tăng thêm sức mạnh và thế tiến công của phong trào cách mạng thế giới; củng cố niềm tin chiến thắng cho các lực lượng tiến bộ đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội.
“Nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ, biết ơn sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, bạn bè quốc tế, nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ, đã dành cho Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, ác liệt nhất của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nêu rõ.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, kế thừa và phát huy truyền thống hòa hiếu của dân tộc “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, nhân dân Việt Nam luôn mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng phát triển với các nước trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, theo tinh thần Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc...
Viết tiếp trang sử vẻ vang của dân tộc
Theo đồng chí Đinh Tiến Dũng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, hơn 35 năm qua, đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu và Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: "Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của tình hình thế giới, nhưng Việt Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất khu vực Đông Nam Á và nằm trong số ít các quốc gia đạt mức tăng trưởng cao trên thế giới. Tính đến năm 2022, quy mô nền kinh tế nước ta ước đạt gần 400 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 4.000 USD/người/năm; quy mô thương mại khoảng 750 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; xuất khẩu gạo và nhiều mặt hàng nông, lâm nghiệp đứng hàng đầu thế giới... Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 190 trong tổng số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; là thành viên tích cực và có trách nhiệm của nhiều tổ chức quốc tế.
“Khát vọng vì một Việt Nam thịnh vượng, ý chí tự lực, tự cường là sức mạnh nội sinh cho đất nước phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ.
Thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước, có vị trí đặc biệt quan trọng, đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; đạt được nhiều thành tựu to lớn, trong đó: Kinh tế phát triển theo hướng bền vững, tăng trưởng liên tục với tốc độ khá cao, bình quân giai đoạn 2011-2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,83%/năm, gấp 1,15 lần mức tăng chung của cả nước; GRDP/người năm 2020 đạt 5.325 USD (gấp 2,3 lần năm 2010); riêng năm 2022, GRDP tăng gần 8,9%, GRDP/người đạt gần 6.100 USD.
Cùng với cả nước, Hà Nội bước vào năm 2023 - năm có ý nghĩa quan trọng, “năm bản lề” tạo nền tảng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, tập trung mọi nguồn lực với quyết tâm chính trị cao, thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết 30-NQ/TƯ ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Với phương châm: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, Đảng bộ thành phố xác định quyết tâm chính trị cao trong xây dựng, phát triển Thủ đô giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2045; với mục tiêu tổng quát: Đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn Minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
“Thế hệ người Hà Nội hôm nay sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy hào khí “Thăng Long ngàn năm văn hiến”, truyền thống “Thủ đô anh hùng”; phát huy tinh thần Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, lòng dũng cảm, ý chí quật cường, trí thông minh, sáng tạo và những phẩm chất cao đẹp của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta, sẵn sàng hy sinh tất cả vì nền độc lập của dân tộc, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Thay mặt Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, đồng chí Đinh Tiến Dũng kêu gọi toàn Đảng bộ, mỗi cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân Thủ đô tiếp tục phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, học tập và noi theo tấm gương kiên trung, bất khuất của các bậc tiền nhân, gương anh dũng, ý chí quyết tâm, lòng quả cảm của các thế hệ anh hùng liệt sĩ, đồng chí, đồng bào, quyết tâm đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững, xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”, góp phần làm cho cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam không ngừng được nâng cao, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa - dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xứng đáng với công lao to lớn, khát vọng cháy bỏng và sự hy sinh cao cả của các thế hệ đi trước, viết tiếp trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam Anh hùng.
Phải bắn rơi tại chỗ
Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân cho biết, với sự sáng suốt và tầm nhìn chiến lược của Bác Hồ và Trung ương Đảng, chúng ta đã khẳng định: Mỹ sẽ dùng B-52 đánh ra Hà Nội... trước khi chịu thua ở Việt Nam. Từ nhận định này, Bộ Tổng Tư lệnh đã chỉ đạo cho Quân chủng Phòng không - Không quân chuẩn bị đánh B-52 từ rất sớm, với tư tưởng chỉ đạo nếu B-52 đánh vào Hà Nội phải bắn rơi tại chỗ, tiêu diệt và bắt sống giặc lái, đánh vào tinh thần của đội ngũ phi công, làm rung chuyển Nhà Trắng và Lầu Năm Góc. Tư tưởng đó được quán triệt xuyên suốt trong quá trình chuẩn bị và chiến đấu của quân và dân ta.
Bộ đội Tên lửa vừa ra đời đã được giao nhiệm vụ xây dựng phương án đối phó với B-52. Năm 1967, Binh chủng Không quân thành lập phi đội bay đêm huấn luyện sẵn sàng làm nhiệm vụ đánh B-52. Quân chủng đã đưa lực lượng ra-đa, tên lửa, không quân vào chiến trường Khu 4, vừa trực tiếp tham gia chiến đấu, vừa nghiên cứu quy luật hoạt động của địch.
Về phía Mỹ, để chuẩn bị trận đánh lớn vào Hà Nội, tháng 5-1972, B-52 đánh thăm dò từ Nghệ An - Thanh Hóa. Đặc biệt là trận đêm 15-4-1972, B-52 đánh phá Hải Phòng với cường độ nhiễu lớn, bộ đội phòng không Hải Phòng bắn hàng trăm quả tên lửa nhưng không bắn rơi tại chỗ được B-52. Sau những trận đánh chưa thành công này, Quân chủng Phòng không - Không quân đã tổ chức rút kinh nghiệm và dấy lên phong trào thi đua phát huy trí tuệ tập thể, hiến kế đánh B-52.
Trên cơ sở nghiên cứu sâu về âm mưu, thủ đoạn, về chiến thuật và cách đánh của địch, với những bài học kinh nghiệm của các trận đánh trước cùng với trí tuệ của tập thể của lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ trong toàn Quân chủng Phòng không - Không quân đã xây dựng được phương án tác chiến đánh B-52 bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh lân cận. Phương án được nghiên cứu, bổ sung nhiều lần và đến tháng 12-1972 đã được Tổng Tham mưu trưởng phê duyệt.
Đêm 18-12-1972 - đêm mở đầu của chiến dịch đã diễn ra như phương án chúng ta đã dự kiến. Các trận địa ra-đa đã sớm phát hiện B-52 thông báo để Sở Chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân báo động chiến đấu kịp thời. Sau khi máy bay cường kích đánh vào các trận địa tên lửa, ra-đa, đặc biệt đánh phá ác liệt các sân bay thì B-52 tiến vào các mục tiêu và tập trung là Hà Nội. Những quả tên lửa đầu tiên được phóng lên và không quân vượt lên bom đạn để cất cánh; các trận địa tên lửa đã bắn hàng chục quả đạn nhưng chưa có B-52 rơi tại chỗ. Một không khí căng thẳng, lo lắng đã xuất hiện. Sở Chỉ huy Quân chủng đã kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở, rút kinh nghiệm và động viên bộ đội. Chỉ sau 30 phút, các tốp B-52 tiếp tục tiến vào đánh phá và lần này chiếc B-52 đầu tiên đã bị bắn rơi tại chỗ. Thời khắc lịch sử đó là 20h13 đêm 18-12-1972.
Ngay đêm đầu tiên, Bộ đội Tên lửa đã bắn rơi 3 chiếc B-52; trong đó có 2 chiếc rơi tại chỗ. Không quân đã vượt trên bom đạn cất cánh tiếp cận đội hình B-52, làm cho chúng tản ra, nhưng chưa có thời cơ nổ súng. Trong giai đoạn 1 của cuộc tập kích (từ 18 đến 24-12), Bộ đội Tên lửa đã bắn rơi 23 máy bay; trong đó có 17 chiếc B-52; Không quân đã nhiều lần xuất kích nhưng vẫn chưa tiếp cận và bắn rơi B-52.
Lãnh đạo, chỉ huy các cấp quán triệt, chỉ đạo phải nghiên cứu tìm ra nguyên nhân tại sao Không quân chưa bắn rơi B-52. Ngày 25-12-1972, Binh chủng Không quân cùng Bộ Tư lệnh Ra đa rút kinh nghiệm và đi đến một quyết định thay đổi thế bố trí lực lượng - hạn chế khả năng gây nhiễu gây những bất ngờ cho địch, đó là đưa Đại đội ra-đa 26 từ Hà Nội vào Thanh Hóa để thành lập các sở chỉ huy bổ trợ ở vòng ngoài - tăng cường sĩ quan dẫn đường ở Sở Chỉ huy Mộc Châu - đưa máy bay về các sân bay dã chiến như Cẩm Thủy, Yên Bái.
Những thay đổi đó đã đánh đúng vào điểm yếu của địch và phát huy thế mạnh của ta. Liên tục trong hai đêm 27 và 28-12-1972, Không quân đã tiêu diệt 2 máy bay B-52 trên bầu trời phía Tây Hà Nội. Đặc biệt là sự hy sinh quả cảm của phi công Vũ Xuân Thiều đã để lại niềm tự hào cho Bộ đội Không quân Việt Nam anh hùng. Cũng trong ngày 28-12, phi công Hoàng Tam Hùng đã dũng cảm, mưu trí tiến công đội hình lớn của máy bay chiến thuật, anh đã bắn rơi 2 máy bay Mỹ và anh dũng hy sinh.
Sau 12 ngày đêm chiến đấu, chúng ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại; trong đó có 34 máy bay B-52. Bị thiệt hại nặng nề, đế quốc Mỹ buộc phải kết thúc chiến dịch tập kích đường không, tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán và ký kết Hiệp định hòa bình về Việt Nam. Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" trong 12 ngày đêm của quân và dân Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận, mà lực lượng Phòng không - Không quân làm nòng cốt đã thực hiện thắng lợi quyết tâm của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
“Là những người cựu chiến binh đã từng tham gia vào Chiến dịch lịch sử "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", chúng tôi rất tin tưởng vào sự phát triển đi lên của Quân chủng Phòng không - Không quân. Chúng tôi mong muốn rằng, lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ toàn Quân chủng tiếp tục quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; cụ thể hóa và vận dụng linh hoạt, sáng tạo những bài học quý báu từ chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" để tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao”, Trung tướng - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân đề nghị.
Quyết tâm tiếp nối truyền thống cha ông
Vinh dự, xúc động và tự hào khi được đại diện cho thế hệ trẻ phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thiếu tá Bùi Thanh Bình, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn tên lửa 77, Trung đoàn tên lửa 257, Sư đoàn Phòng không 361, Quân chủng Phòng không - Không quân chia sẻ, nhìn lại chiến thắng lịch sử "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", đặc biệt là qua những thước phim tư liệu, những câu chuyện kể xúc động của các bác, các chú cựu chiến binh, những người đã từng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong 12 ngày đêm lịch sử đó, càng thêm thấm thía và cảm nhận sâu sắc rằng: Để có được những ngày hòa bình, tươi đẹp như hôm nay, đất nước ta đã phải trải qua những cuộc đấu tranh trường kỳ, gian khổ, đầy máu và nước mắt, nhưng rất đỗi tự hào và vẻ vang.
Trong đó, Bản hùng ca bất diệt "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" mãi mãi đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta như một "Bạch Đằng", "Chi Lăng", "Đống Đa" của thế kỷ 20... trở thành biểu tượng của ý chí, trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, là thắng lợi của chân lý "Không có gì quý hơn độc lập, tự do".
Thiếu tá Bùi Thanh Bình khẳng định, kế thừa và phát huy tinh thần chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, thế hệ trẻ nguyện quyết tâm viết tiếp những trang sử vẻ vang, tiếp nối truyền thống cha ông, lấy đó làm lý tưởng sống, làm động lực để phát huy trí tuệ, lòng nhiệt huyết, ra sức xây dựng Quân đội, Quân chủng Phòng không - Không quân "Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại", bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc, góp phần xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa "Giàu mạnh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu" như Bác Hồ hằng mong ước.