Vẫn ở thế “kiềng 3 chân”
Kinh tế - Ngày đăng : 07:49, 11/01/2014
Mạng nhỏ: Chỉ có Vietnamobile khả quan
Trong số các mạng nhỏ tồn tại trên thị trường, Vietnamobile vẫn là gương mặt sáng giá khi Hanoi Telecom, đơn vị chủ quản của mạng nhỏ này, đạt doanh thu đạt 8.410 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 159 tỷ đồng. Với S-Fone, thông tin về số phận của mạng này trong năm 2013 vẫn chưa có gì ngoại trừ cảnh tượng nhiều lần nhân viên cũ đến đòi lương, bảo hiểm xã hội, rồi văn phòng tại Hà Nội phải đóng cửa do không có tiền chi trả. Các đại lý sim thẻ tại Hà Nội đều không kinh doanh sản phẩm của mạng 095… Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), S-Fone đang nợ các nghĩa vụ với nhà nước như phí tần số, phí kho số và đóng góp vào quỹ viễn thông công ích nhiều năm qua với số tiền hàng nghìn tỷ đồng, chưa kể nợ cước kết nối với các DN viễn thông khác. Thường thì khi DN không còn hoạt động sẽ tuyên bố phá sản. Tuy nhiên với S-Fone chuyện "chia tay" có thể không dễ, hoặc họ muốn ra đi trong im lặng. Còn với Gmobile - có tên gọi tiền thân là Beeline, sau khi ra mắt thương hiệu mới Gmobile thay thế cho tên cũ Beeline vào tháng 10-2012, việc kinh doanh có thể chỉ gói gọn trong hai sự kiện: Ra mắt gói "Tỷ phú 3" và có thỏa thuận roaming với Vinaphone. Nhưng, gói "Tỷ phú 3" không tạo được tiếng vang như hai gói dịch vụ trước (mà nguyên nhân phụ thuộc nhiều vào khả năng tài chính hạn chế…) nên thu hút ít thuê bao mới. Việc roaming với Vinaphone là hợp đồng kinh tế chưa có tiền lệ và trên lý thuyết là cơ hội lớn cho Gmobile có thể nâng cao chất lượng mạng mà không phải đầu tư cho hạ tầng. Vấn đề ở chỗ, cả Beeline rồi sau là Gmobile đã nhập cuộc quá chậm khi thị trường di động Việt Nam được đánh giá là cạnh tranh quá khốc liệt và hiện đã ở thế "kiềng ba chân". Tại cuộc họp tổng kết năm diễn ra trong tháng 12-2013 ở Cục Viễn thông, lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước đã nhắc đến hai nhà mạng nhỏ: Một thì "tê liệt hoàn toàn", một thì đang duy trì hoạt động theo ngày. Trong báo cáo tổng kết của Bộ TT-TT và Cục Viễn thông cũng chỉ có phần thông tin về Vietnamobile với doanh thu, lợi nhuận… còn S-Fone và Gmobile đều không có số liệu.
Người tiêu dùng đang quan tâm đến vấn đề nhà mạng nào của VNPT sẽ cổ phần hóa trong năm 2014. Ảnh: Hải Anh |
Từ những thông tin trên cho thấy, năm 2014 Vietnamobile vẫn duy trì dưới sau ba "đại gia". Còn Gmobile ở trong tình trạng "báo động".
Cổ phần hóa MobiFone hay Vinaphone?
Cả 3 nhà mạng chiếm thị phần khống chế là Viettel, MobiFone, Vinaphone vẫn đạt kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt. Cả hai tập đoàn Viettel và VNPT - chủ quản của ba nhà mạng đều đã công bố doanh thu "khủng": VNPT là 119.000 tỷ đồng, Viettel là 163.000 tỷ đồng, trong đó mảng kinh doanh từ di động chiếm cỡ 70% trong cơ cấu doanh thu của các tập đoàn này.
Câu chuyện mà giới trong ngành và những người quan tâm tới viễn thông là: Liệu DN nào sẽ cổ phần hóa (CPH)? Tất nhiên, về vấn đề này trước mắt Viettel đứng ngoài lề. Vậy là MobiFone hay Vinaphone? Việc CPH mạng di động đã được nhắc nhiều trong năm 2012, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Viễn thông, trong đó quy định Tập đoàn VNPT chỉ được "nắm" sở hữu vốn nhà nước nhất định tại hai nhà mạng này; quy hoạch phát triển thị trường viễn thông đến năm 2020 đã được phê duyệt cũng đã đề cập sẽ hình thành 3-4 mạng di động mạnh, mà hiện cả MobiFone và Vinaphone đều thuộc VNPT. Các chuyên gia trong ngành cũng chỉ ra, để tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới, đòi hỏi nhà mạng phải có đầu tư lớn cho hạ tầng mạng lưới, mà như vậy thì cần CPH để thu hút đầu tư của xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng nên CPH MobiFone và thực tế từ cuối năm 2005, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành quyết định cho phép CPH nhà mạng này… Song, việc CPH một trong hai nhà mạng lại phụ thuộc vào đề án tái cơ cấu Tập đoàn VNPT hiện đang trình Chính phủ.
Như vậy, có thể thấy thông tin đáng chú ý nhất về hoạt động của các mạng lớn phụ thuộc vào đề án tái cơ cấu VNPT. Việc CPH một trong hai mạng di động này cũng sẽ chỉ được nhắc đến sau khi đề án được Chính phủ phê duyệt.