Tham gia Hiệp định TPP: Còn nhiều băn khoăn

Kinh tế - Ngày đăng : 06:36, 10/01/2014

(HNM) - Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là một bước đi quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.



Tuy nhiên, trong quá trình này, có nhiều doanh nghiệp (DN) do không chuẩn bị kỹ nên đã "thua" ngay trên sân nhà trước DN nước ngoài. Chính vì vậy, vẫn còn có ý kiến băn khoăn liệu chúng ta sẽ thu được gì khi tiếp tục đẩy mạnh hội nhập hơn nữa qua việc tham gia đàm phán ký kết các hiệp định thương mại tự do; trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Cần nâng cao năng lực cạnh tranh của các mặt hàng, trong đó có nông sản khi tham gia Hiệp định TPP. Ảnh: Ngô Sơn


Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Hiệp định TPP giúp Việt Nam tận dụng tốt hơn các cơ hội của quá trình tái cấu trúc kinh tế quốc tế và khu vực, đặc biệt là khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Từ đó sẽ giúp đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam; đồng thời, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới. Tuy nhiên, những vấn đề mà Việt Nam đã lường trước đang được thể hiện rõ, đó là không ít DN, không ít lĩnh vực khả năng cạnh tranh còn kém, việc thích ứng với hội nhập còn ở mức độ nhất định.

Vì vậy, nếu không kịp thời có biện pháp khắc phục kể cả ở cấp độ nhà nước, cấp độ DN, cấp độ sản phẩm thì những hạn chế, những tác động tiêu cực của việc tham gia WTO sẽ tác động sâu sắc tới nền kinh tế nước ta. Lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất khi Việt Nam tham gia TPP là ngành nông nghiệp. Hiện tại, Việt Nam vẫn cơ bản là một nước nông nghiệp, nhiều sản phẩm hàng hóa của ngành nông nghiệp do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, năng suất lao động thấp, áp dụng khoa học - kỹ thuật còn hạn chế nên giá thành sản xuất cao. Vì thế, việc mở cửa thị trường nhập khẩu ít nhiều sẽ có những tác động đến sản phẩm hàng hóa khu vực này.

Lường trước được việc này nên trong những trao đổi, đàm phán với Hoa Kỳ và các nước thành viên khác của TPP, Việt Nam đã yêu cầu TPP phải là một hiệp định cân bằng về lợi ích, tức là nước nào cũng phải có lợi ích và tính đến sự chênh lệch về trình độ phát triển. Nghĩa là đối với một nước có trình độ phát triển còn chậm như Việt Nam, phải có một lộ trình thích hợp, đơn cử như không phải thực hiện ngay khi hiệp định có hiệu lực việc giảm thuế, miễn trừ thuế… giúp cho các DN, nhất là DN trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản xuất khẩu có thời gian khắc phục yếu kém, nâng dần khả năng cạnh tranh sản phẩm.

Thanh Mai