Xây dựng nhà máy điện hạt nhân: An toàn là yêu cầu số một

Công nghệ - Ngày đăng : 06:25, 10/01/2014

(HNM) - Việt Nam đang trên lộ trình tiến đến xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhằm phát triển điện hạt nhân đang được thực hiện tích cực với quan điểm: An toàn là ưu tiên số một.


Thời điểm thích hợp

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến khẳng định: Vì nhiều lý do, đây là thời điểm thích hợp để phát triển ĐHN của Việt Nam. Trước tiên, các nguồn năng lượng hóa thạch ở Việt Nam cũng như trên thế giới đang cạn dần (trữ lượng khai thác than đá, dầu khí... đã giảm). Nguồn thủy điện ở nước ta cũng đã được khai thác gần hết tiềm năng, trong khi đó, nhu cầu về năng lượng ngày một tăng. Ngoài ra, việc phát triển năng lượng hạt nhân diễn ra trong bối cảnh hoàn thiện về mặt công nghệ sẽ giúp nâng cao tính an toàn cũng như hiệu quả kinh tế, giảm hiệu ứng khí thải nhà kính, bảo vệ môi trường. Và cuối cùng, Việt Nam cũng đã có một quá trình chuẩn bị khá dài cho việc ứng dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình, đặc biệt là trong lĩnh vực ĐHN.

Để phát triển điện hạt nhân an toàn, hiệu quả, nguồn nhân lực phải được ưu tiên chú trọng.


Trong nhiều năm qua, chúng ta đã tiến hành xây dựng lực lượng trong ngành năng lượng nguyên tử, bao gồm các viện nghiên cứu KH - CN; các trường đại học tham gia đào tạo một số chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Việt Nam đã xây dựng tổ chức bộ máy về năng lượng hạt nhân (Cục An toàn bức xạ và hạt nhân), cơ quan quản lý về ứng dụng và phát triển ĐHN (Cục Năng lượng nguyên tử Việt Nam). Chúng ta cũng đã xây dựng và phê duyệt Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020, ban hành Luật Năng lượng nguyên tử và các văn bản hướng dẫn luật, tham gia các điều ước quốc tế trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.

Những điều kiện nêu trên là cơ sở quan trọng và cần thiết cho việc phát triển điện hạt nhân của nước ta trong thời điểm này.

Ưu tiên số một

Hiện nay, nhà máy ĐHN đầu tiên của Việt Nam đã được lựa chọn đặt tại Ninh Thuận. PGS.TS Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ Việt Nam cho biết: Việc lựa chọn địa điểm được thực hiện kỹ lưỡng, dựa trên những nhóm tiêu chí cụ thể để bảo đảm độ an toàn của nhà máy. Chẳng hạn, những yếu tố tự nhiên như động đất, núi lửa, sóng thần... có thể gây mất an toàn cho nhà máy, vấn đề này đã và tiếp tục được nghiên cứu cẩn thận, có những số liệu phải được thu thập trong một thời gian rất dài. Bên cạnh đó, khi lựa chọn địa điểm, các chuyên gia còn tính đến các yếu tố do con người gây ra, có thể làm mất an toàn cho nhà máy cũng như khả năng gây ảnh hưởng đến đời sống của cộng đồng dân cư trong trường hợp nhà máy hoạt động bình thường hoặc khi xảy ra sự cố. Với những tiêu chí nói trên, các cơ quan chuyên môn của Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu với sự tư vấn của các chuyên gia đến từ các nước có kinh nghiệm trong vấn đề năng lượng nguyên tử như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Nga và Cơ quan năng lượng nguyên tử hạt nhân (IAEA), lựa chọn phương án xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên tại tỉnh Ninh Thuận. Theo các chuyên gia, việc xây dựng nhà máy ở gần bờ biển là rất quan trọng bởi có thể sử dụng nước biển để làm mát, đồng thời tạo được sự thuận tiện trong việc vận chuyển các thiết bị siêu trường, siêu trọng. Mặt khác, Ninh Thuận khá gần với các khu kinh tế phía Nam - những nơi có nhu cầu cao về tiêu thụ điện năng.

Trước sự lo ngại về độ an toàn của nhà máy ĐHN sau sự cố tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) và trước đó là thảm họa hạt nhân Chernobyl (Ukraina), Thứ trưởng Lê Đình Tiến khẳng định: "Sau sự cố Fukushima, nhiều nước đã điều chỉnh chính sách năng lượng, trong đó có vấn đề phát triển ĐHN. Sự cố này nhắc nhở Việt Nam phải đặt tính an toàn lên cao nhất, kể cả về công nghệ, quy trình quản lý, vận hành nhà máy. Các bài học từ Nhật Bản sẽ vô cùng hữu ích cho Việt Nam trong quá trình xây dựng nhà máy ĐHN". TS Ngô Đặng Nhân, nguyên Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho biết: Dựa trên thực tế là công nghệ ĐHN đã được cải tiến nhiều, đặc biệt là về độ an toàn, sau khi phân tích sự cố ở Chernobyl, có thể khẳng định sẽ không thể xảy ra vụ việc tương tự như ở Ukraina.

Tuy nhiên, ý thức rằng sự cố hạt nhân vẫn luôn tiềm ẩn, đe dọa gây ra hậu quả nghiêm trọng cho con người và môi trường, các nhà quản lý và chuyên môn cho rằng, để phát triển ĐHN hiệu quả và an toàn thì việc phát triển nguồn nhân lực phải được ưu tiên hàng đầu. Thứ trưởng Lê Đình Tiến cho biết, hằng năm, IAEA giúp chúng ta gửi khoảng 200 lượt người đi đào tạo ngắn hạn và dài hạn về ĐHN. Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ để đáp ứng nhu cầu của một cơ quan có nhiệm vụ nghiên cứu triển khai và hỗ trợ kỹ thuật cho việc phát triển ĐHN. Viện cũng đã thành lập Trung tâm Đào tạo hạt nhân để thực hiện nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho viện cũng như các cơ quan có liên quan. Bên cạnh đó, mỗi năm viện đều tổ chức các khóa đào tạo có thời hạn 9 tháng cho các cán bộ mới tuyển dụng vào làm việc ở viện và các bộ phận có chức năng hợp tác với IAEA.

Hiện nay, Đề án phát triển nguồn nhân lực năng lượng nguyên tử đã được Bộ GD-ĐT trình Chính phủ và đang chờ phê duyệt. Theo đề án này, sẽ có 7 cơ sở đào tạo về ĐHN, gồm Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Viện Năng lượng nguyên tử, Trường ĐH KHTN (ĐH Quốc gia Hà Nội), Viện Vật lý, Trường ĐH Đà Lạt, Trường ĐH KHTN (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), Trường ĐH Điện lực. Ngoài ra, một số đơn vị khác như Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, Bộ KH&CN cũng có chương trình đào tạo riêng.

Liên Cơ