Thái Lan: Cuộc đối đầu chưa có hồi kết

Thế giới - Ngày đăng : 06:25, 09/01/2014

(HNM) - Hơn một tuần qua, các chính đảng ở Thái Lan đã kết thúc việc đăng ký tranh cử - bước khởi động cho cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn - sẽ diễn ra vào ngày 2-2.


Thế nhưng, thay vì dồn sức cho các chiến dịch tranh cử như thường thấy, cựu Phó Thủ tướng, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban lại ra sức kêu gọi người dân tham gia chiến dịch "chiếm đóng thủ đô" vào ngày 13-1. Ghi nhận của báo chí Thái Lan 48 giờ qua cho thấy, cuộc đối đầu giữa Chính phủ của nữ Thủ tướng đương nhiệm Yingluck Shinawatra với thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban chưa thể đến hồi kết. Ngược lại, chính trường xứ Chùa Vàng đang đứng trước vòng xoáy bất ổn mới nếu đe dọa làm tê liệt thủ đô Bangkok của lực lượng biểu tình thành hiện thực.

Biểu tình đường phố ở thủ đô Bangkok là thách thức lớn với Chính phủ Thái Lan.



Không chỉ nhuốm màu bạo lực khi các cuộc biểu tình đường phố ở Bangkok hơn một tháng qua khiến 8 người chết và hơn 400 người bị thương, cuộc đấu quyền lực ở Thái Lan đang ngày càng nghiêm trọng hơn. Trong khi nội các của nữ Thủ tướng Yingluck không ngừng nỗ lực thúc đẩy cuộc bầu cử diễn ra đúng thời hạn để thực hiện tiến trình cải cách đất nước, lực lượng đối lập do thủ lĩnh biểu tình Suthep đứng đầu lại quyết tâm lật đổ "chế độ Thaksin" bằng mọi giá. Với dự định "làm tê liệt Bangkok" vào ngày 13-1, những người biểu tình tuyên bố sẽ phong tỏa các tuyến đường ở Bangkok và cắt nguồn cung điện, nước cho các cơ quan công quyền cũng như tư dinh của nhà lãnh đạo Yingluck. Sau một loạt cuộc biểu tình đường phố thời gian qua, kế hoạch mới của lực lượng biểu tình không chỉ là bước leo thang mới, mà còn làm dấy nên lo ngại lớn trong xã hội Thái Lan về cuộc sống thường ngày của người dân bị đảo lộn.

Khỏi phải nói ai cũng thấy rõ, du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Thái Lan đang bị tác động trực tiếp bởi làn sóng biểu tình đường phố ở Bangkok thời gian qua. Theo Trung tâm nghiên cứu Dusis (Thái Lan), nhiều người dân ở quốc gia Đông Nam Á này đang hết sức quan ngại trước tình trạng bất ổn chính trị sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế đầu tàu trong khu vực ASEAN. Theo các số liệu thống kê chưa chính thức mới đây, cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài tại Thái Lan khiến nước này thiệt hại khoảng 600 triệu USD. Và nếu căng thẳng trên chính trường không được hóa giải, nền kinh tế nước này sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong năm 2014. Nhiều doanh nghiệp Thái Lan cũng như công ty nước ngoài có trụ sở tại Bangkok đang tính đến việc đóng cửa nếu tình hình không được cải thiện.

Bất chấp sức ép từ chức ngày một lớn từ phe đối lập cũng như những người biểu tình, đảng Vì nước Thái (Puea Thai) cầm quyền của nữ Thủ tướng Yingluck vẫn khởi động chiến dịch tranh cử để chuẩn bị bước vào cuộc tổng tuyển cử ngày 2-2. Với kêu gọi người dân tham gia cuộc bầu cử sớm nhằm duy trì nền dân chủ, Puea Thai đang tích cực vận động tranh cử tại khu trung tâm ở phía bắc và ngoại ô thủ đô Bangkok. Dự kiến, cuộc tuần hành chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử của Puea Thai cầm quyền sẽ bắt đầu vào 9h sáng 13-1 với các bục diễn thuyết tại nhiều điểm giao cắt ở thủ đô Bangkok.

Trong một phát biểu mới nhất để trấn an dư luận, Thủ tướng Yingluck khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục áp dụng Luật An ninh Nội địa (ISA) đang có hiệu lực tại thủ đô Bangkok và ba tỉnh lân cận, nhằm đối phó với chiến dịch biểu tình đường phố của phe đối lập. Bày tỏ lo ngại chiến dịch "làm tê liệt Bangkok" của phe đối lập sẽ hủy hoại nền kinh tế quốc gia, bà Yingluck một lần nữa nhấn mạnh rằng, trong trường hợp cần thiết chính phủ sẽ ban bố sắc lệnh tình trạng khẩn cấp, một biện pháp pháp lý nghiêm ngặt hơn ISA; đồng thời khẳng định thông tin về cuộc đảo chính quân sự sắp xảy ra là bịa đặt và bày tỏ tin tưởng giới lãnh đạo quân đội sẽ tìm kiếm giải pháp lâu dài thay vì những biện pháp mà cộng đồng quốc tế không hoan nghênh.

Chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck một lần nữa lại đứng trước một cuộc "so găng" mới khi thủ lĩnh biểu tình Suthep chưa từ bỏ các cuộc biểu tình đường phố. Dù tất cả các lực lượng an ninh đã sẵn sàng bảo vệ Bangkok nhưng chiến dịch "làm tê liệt Bangkok" vào ngày 13-1 tiếp tục hứa hẹn một thách thức lớn với nội các đương nhiệm Thái Lan.

Đình Hiệp