10 nguy cơ chính trị toàn cầu năm 2014
Thế giới - Ngày đăng : 13:46, 08/01/2014
10. Thổ Nhĩ Kỳ
Trong số các thị trường mới nổi, Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt dễ bị tổn thương trong năm nay. Đất nước này đang phải đối mặt với hiệu ứng lan tỏa từ cuộc nội chiến của Syria, sự tái nổi dậy của lực lượng người Kurd và sự bất ổn chính trị trong bối cảnh những người đối lập công khai chống lại Thủ tướng Erdogan.
9. Điện Kremlin
Tổng thống Putin vẫn là người quyền lực nhất thế giới, với việc nắm quyền chỉ huy một trong những quốc gia quan trọng nhất thế giới. Nhưng sự nổi tiếng của ông đã suy giảm đáng kể, và sau một thập kỷ của những kỳ vọng tăng trưởng, nền kinh tế Nga đang trong tình trạng trì trệ (và quá phụ thuộc vào dầu). Điều này làm cho nước Nga dưới thời ông Putin trở nên khó dự đoán hơn.
8. Trung Đông gia tăng bất ổn
Sau 3 năm bất ổn, Trung Đông dự kiến sẽ còn rơi sâu hơn vào vòng xoáy này. Năm nay, dự báo bạo lực ở Iraq có thể tăng vọt, khi ảnh hưởng của Iran gia tăng với Baghdad. Với những nghi ngờ về vai trò của Mỹ trong khu vực, chương trình hạt nhân của Iran và al-Qaeda, cũng như quá trình chuyển đổi đang diễn ra ở Ai Cập và Tunisia, khu vực này có thể trở nên mất phương hướng hơn.
7. Al-Qaeda 2.0
Tình trạng hỗn loạn trong thế giới Ả Rập đã mời chào sự hồi sinh của chủ nghĩa cực đoan dòng Sunni và tên tuổi của al-Qaeda, cuộc xung đột Syria đã trở thành một nam châm mạnh mẽ cho các tay súng thánh chiến. Đất Mỹ an toàn hơn sau vụ 11/9, nhưng các chính quyền địa phương và các lợi ích phương Tây ở khắp Trung Đông và Bắc Phi hiện dễ bị tổn thương nhất.
6. Dữ liệu chiến lược
Internet và việc quản trị nó đang chuyển từ khu vực nguồn mở theo hướng từ dưới lên sang khu vực chiến lược từ trên xuống khi nhà nước ngày càng gia tăng vai trò của mình. Dự báo xu hướng này sẽ tăng tốc trong năm 2014 và theo đó, chi phí kinh doanh sẽ tăng lên, đặc biệt khi an ninh mạng trở nên dễ bị tổn thương hơn.
5. Dầu mỏ
Cuộc cách mạng năng lượng trái với thông thường có ý nghĩa quan trọng về địa chính trị, nhưng các sự kiện bất ổn đã bù đắp rất nhiều cho hiệu quả của sự tăng trưởng sản lượng, hạn chế ảnh hưởng đến các nhà sản xuất trong những năm gần đây. Trong năm 2014, xu hướng này sẽ thay đổi, với sự gia tăng khả năng dự phòng, áp lực giảm giá và sự gia tăng cạnh tranh giữa các nhà sản xuất nói chung. Các nước dầu mỏ như Nga, Nigeria, Venezuela và Ả Rập Xê-út có thể bị tác động.
4. Iran
Chương trình hạt nhân của Iran và chiến thắng đầy kịch tính của ông Hassan Rouhani trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 6 năm ngoái đã gia tăng cơ hội đáng kể cho một giải pháp đàm phán toàn diện giữa Iran và phương Tây. Nhưng sẽ có những rủi ro trên tiến trình này và nếu thỏa thuận sụp đổ, nguy cơ cho hành động quân sự sẽ gia tăng. Năm nay dự báo có thể là năm bước ngoặt cho các cuộc đàm phán hạt nhân của Iran.
3. Trung Quốc mới
Chủ tịch Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo chủ chốt của Trung Quốc đã chấp nhận cải cách sâu rộng. Nhưng đảng lãnh đạo nước này sẽ phải đối mặt với các cuộc thử nghiệm chính trị lớn và những sai lầm có thể nguy hại cho sự cải cách và sự lãnh đạo của đảng. Cải cách quá nhiều và nhanh có thể dẫn đến sự mâu thuẫn trong nội bộ đảng khi các bên liên quan có quyền lợi bị ảnh hưởng, nhưng nếu cải cách quá ít có thể tạo cớ cho những người bất đồng chính kiến và các cuộc biểu tình.
2. Các thị trường bị phân rẽ
Ở Brazil, Colombia, Ấn Độ, Indonesia, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ - 6 trong số các thị trường mới nổi lớn nhất – năm nay, cử tri tham gia các cuộc bầu cử sẽ phải đối mặt với các thách thức chính trị. Sự tăng trưởng chậm lại và nhu cầu gia tăng từ tầng lớp trung lưu mới đẩy sự bất ổn tăng cao và các cuộc biểu tình gần đây ở Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Colombia, Nga và Ukraine cho thấy, công chúng nản lòng có thể nhanh chóng xuống đường.
Biểu tình ở Thổ Nhĩ Kỳ |
1. Các liên minh rắc rối của Mỹ
Những nhận thức sai lầm về chính sách đối ngoại của Mỹ ở Trung Đông, vụ bê bối liên quan đến cựu nhân viên tình báo Snowden… khiến chính sách đối ngoại của Mỹ ngày càng trở nên khó giải thích và dự đoán với cộng đồng quốc tế. Về quan hệ đối tác an ninh, các đồng minh thân cận nhất của Mỹ - Israel, Anh, Nhật Bản và các nước khác - có ít sự lựa chọn.
Nhưng với các đồng minh hạng hai của Washington - các quốc gia như Đức, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê-út và Brazil - thì khác. Để tránh quá thân với Mỹ và ngăn sự phát triển này, các chính phủ sẽ bắt đầu chuyển định hướng quốc tế của họ - với việc lôi kéo các công ty và các nhà đầu tư kinh doanh trong phạm vi biên giới các nước này.