Một câu chuyện về “nuôi con gì”?
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:16, 08/01/2014
Trong bài "Bài ca xuân 71" nhà thơ Tố Hữu viết: "Anh họa sĩ làng Hồ/ Lại đây anh mà vẽ/ Đàn bò mộng Cuba đủng đỉnh trên núi Ba Vì".
Đó là những câu thơ giàu hình ảnh, có tính liên tưởng. Nhưng cái giỏi của nhà thơ Tố Hữu là ở chỗ, ông đã gói chính sách phát triển nông nghiệp qua đúng một câu thơ. Thời kỳ đó, đất nước đang chiến tranh và tiền tuyến đang cần gạo nuôi quân; con bò là sức kéo chủ yếu trên đồng ruộng nông thôn miền Bắc, nếu không lai tạo ra giống bò mới thì giống bò cóc (bò thuần Việt màu lông vàng) không đủ sức để kéo cày cải tiến to bản. Gần 50 năm sau, cũng trên đất Ba Vì, tôi được tận mắt chứng kiến những con bò BBB F1 thủng thẳng gặm cỏ. Chỉ có điều, bò BBB F1 không kéo cày. Nó là giống bò thịt to con, nông dân bán được nhiều tiền hơn các giống bò khác, thịt lại ngon và không cần thiết phải thái ngang thớ vì rất mềm.
Ông Phạm Văn Thông và con bê BBB F1 4 tháng tuổi. |
Giống bò này bắt đầu từ đề tài khoa học là cho bò mẹ (lai giữa bò cóc và bò Sind của Ấn Độ) lai với giống bò BBB (Blanc-Blue-Belgium), một giống bò chuyên nuôi lấy thịt của Bỉ từ năm 2001 do Công ty TNHH nhà nước MTV Giống gia súc (Công ty Giống gia súc) thực hiện. Đến năm 2007, đề tài này đã cho kết quả rất tốt, bê sơ sinh có trọng lượng từ 28-30 kg, gấp đôi bê sơ sinh của bò cóc và gấp rưỡi bò lai Sind. Sau 18 tháng nuôi, trọng lượng của bò BBB F1 từ 380 đến 400kg, trong khi bò lai Sind chỉ đạt 210-230kg. Tuy nhiên, vì thiếu đàn bò mẹ tốt để làm nền và người nông dân ngoại thành chủ yếu trồng rau màu nên khó có thể triển khai dự án. Khi hợp nhất Hà Tây và Hà Nội, vùng sản xuất nông nghiệp của Hà Nội được mở rộng, rất nhiều huyện của tỉnh Hà Tây cũ có đàn bò nền lai Sind tốt là điều kiện thuận lợi để chuyển đề tài khoa học thành dự án. Và tháng 2-2012, UBND TP Hà Nội chính thức phê duyệt dự án, giao cho Công ty Giống gia súc thực hiện.
Một ngày đầu năm 2014, nắng vàng trải đều trên vùng đất Ba Vì huyền thoại, tôi đến Tòng Bạt, một trong 4 xã của huyện Ba Vì thực hiện dự án nuôi giống bò này. Ba Vì có tổng số bò lớn nhất thành phố, lại chủ yếu giống lai Sind nên rất thuận lợi, song cũng lại là thách thức cho dự án nếu bò BBB F1 không đạt được kết quả như khi còn là đề tài khoa học. Ông Dương Văn Diệu vô cùng hài lòng khi con bò của ông mới 6 tháng tuổi đã ước nặng khoảng 200kg trong khi bò mẹ lại đang có chửa. Theo ông Dương, dù giá bò có chiều đi xuống nhưng thương lái đã trả 20 triệu đồng mà ông chưa muốn bán. Hỏi nuôi bò này có vất vả hơn so với bò lai Sind không, ông cười: "Chẳng có gì vất vả, nó cũng ăn cỏ, ăn rơm khô, mùa đông lạnh giá tôi cho ăn thêm cám công nghiệp, nếu ai không có điều kiện thì cho ăn cám ngô. Thế mà trong 6 tháng đầu, nó lớn vù vù". Còn ông Tạ Văn Chung ở xã Đồng Tháp (huyện Đan Phương) hỷ hả chỉ vào con bê có bộ lông đen nhánh: "Nó mới 4 tháng tuổi nhưng có người đã trả tôi 15 triệu rưỡi, trong khi cũng con bê như thế này giống lai Sind tôi bán được gần 12 triệu đồng. Con mẹ thì được chị kỹ thuật viên dẫn tinh miễn phí lại có chửa rồi, thế là thêm món tiền nữa". Chả cứ hai ông vui, nhà nào tham gia dự án này đều vui. Với người nông dân, "họ tin con số hơn lý thuyết".
Dù dự án được UBND TP Hà Nội phê duyệt thực hiện từ tháng 2-2012 nhưng do còn nhiều khâu phải chuẩn bị, trong đó quan trọng nhất là tập huấn cho thú y xã kỹ thuật dẫn tinh, rồi tuyên truyền cho bà con nông dân về giống bò mới này và lợi ích của dự án mang lại nên tháng 7-2012 mới triển khai ở Ba Vì. Thế nhưng, mới một năm rưỡi hơn 300 con bê đã ra đời và hiện gần 1.000 con đang có chửa. Tính trung bình 1 con bê bán được 15 triệu đồng, thì dân Tòng Bạt đã có 4 tỷ rưỡi và năm 2014, gần 1.000 bò mẹ có chửa sinh bê thì số tiền đã lên đến cả chục tỷ đồng.
Tiếng lành đồn xa, ông Nguyễn Xuân Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Cổ Đô (huyện Ba Vì) đã mua 3 con bê về nuôi để làm mẫu cho bà con trong xã. Ông Thủy cho hay: "Nếu thành công thì năm sau xã sẽ khuyến khích bà con làm theo mô hình này. Đó là cách xây dựng nông thôn mới". Ông Khoa, người kinh doanh bò nổi tiếng ở huyện Phú Xuyên đi "con" Lexus tiền tỷ đến tận Tòng Bạt mua bê. Chắc hẳn ông Khoa đã nhìn thấy tương lai sáng sủa khi gột giống bê này thành bò thịt. Còn ông Minh ở huyện Sóc Sơn đang tính toán thu mua bê để nuôi theo mô hình trang trại. Mới đây, Trung tâm Khuyến nông 17 tỉnh phía Bắc có cuộc gặp với ban giám đốc Công ty Giống gia súc mong muốn được công ty giúp đỡ để nhân rộng mô hình này trong tỉnh.
Năm 2011, dư luận rộ lên câu chuyện một bát phở bò Kobe (của Nhật Bản) ở khách sạn Vườn Thủ đô có giá 750.000 đồng. Nhiều người vội vã chụp mũ, "nào chơi sang, nào khoe giàu", song bình tĩnh nhìn lại, đó là nhu cầu có thật đối với người có tiền. Họ cần ăn miếng thịt bò mềm và thơm, lượng choletsterol thấp để bảo đảm cho sức khỏe. Sự thật nó là nhu cầu khi TP Hồ Chí Minh nhập số lượng bò Australia rất lớn trong năm 2013 để giết mổ rồi đưa vào siêu thị. Chắc một ngày không xa, sẽ có doanh nghiệp nhập bò Australia về Hà Nội giết mổ. Tôi đem băn khoăn này hỏi ông Hải - Phó Tổng giám đốc công ty, liệu thịt bò BBB F1 có thể cạnh tranh được với thịt bò Australia? Ông Hải cho biết: "Bò Australia có nhiều loại, nói về giá thì chúng ta nuôi quy mô lớn và tập trung chắc chắn cạnh tranh được". Ông Hải rất lạc quan "Ngày 29-8-2013, công ty đã mổ khảo sát 1 con BBB F1 với sự chứng kiến của các nhà khoa học, các nhà hàng, siêu thị lớn trên địa bàn Thủ đô, con bê này lúc sinh nặng 32kg sau 18 tháng nặng 480kg; kết quả là tỷ trọng thịt xẻ là 61,6% còn thịt tinh là 51,6%. Nhưng đáng nói là thịt rất thơm, mềm và điều thú vị mà thịt bò Australia không có được chính là vị đậm ngọt. Đặc điểm riêng của bò BBB F1 vì có gốc từ bò Việt thuần chủng". Để kiểm chứng lời của ông Hải, tôi về xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương ), xã có nghề giết mổ thịt bò từ nhiều năm nay và chuyên cung cấp cho thị trường sành ăn là Hà Nội thì các hộ làm nghề này thừa nhận đó là loại thịt bò rất ngon.
Trao đổi về giống bò cao sản BBB, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cho rằng, đây là định hướng phát triển chăn nuôi của Hà Nội những năm tới nhằm tăng số lượng đàn bò thịt chất lượng cao bởi thịt bò ít khi mất giá, sức tiêu thụ lớn. Hà Nội sẽ đầu tư nhập bò đực giống ngoại và nhập tinh giống bò BBB hỗ trợ nông dân phối giống miễn phí cho đàn bò cái nền lai Zêbu để tạo ra giống bò cao sản BBB.
Tổng Giám đốc Công ty Giống gia súc Hà Nội Bùi Đại Phong không giấu nổi niềm vui: "Đến thời điểm này Hà Nội đã có khoảng 3.000 con bê lai BBB. Công ty đã đề nghị thành phố cho mở rộng dự án thêm 8 huyện, đồng thời xây dựng chương trình tiêu thụ theo chuỗi giá trị có sự quản lý hỗ trợ của Nhà nước như chế biến thức ăn thô xanh - thu mua - giết mổ bán công nghiệp - kênh tiêu thụ (siêu thị, nhà hàng lớn) và quảng bá sản phẩm giúp cho nông dân làm giàu từ hướng chăn nuôi bò BBB trong thời gian tới.
Bò BBB F1 không chỉ mang lại niềm tin cho bà con nông dân tham gia dự án về một giống bò cho năng suất cao, nhanh lớn, bán được tiền nhiều mà xa hơn là nếu số lượng bò này tăng nhanh, xây dựng được thương hiệu sẽ góp phần giảm tỷ lệ nhập bò Australia để tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước. Và khi đó người tiêu dùng không còn phải ăn thứ thịt bò dai như chão, thịt bò đông lạnh… Tuy nhiên, trong khi nuôi bò sữa thực tế đã trở thành một nghề thì nuôi bò thịt vẫn chưa thành nghề. Giá mà bắt đầu từ con bò BBB F1 để thành nghề nuôi bò lấy thịt…