Vi rút HIV tái xuất hiện sau khi “khỏi” bệnh

Sức khỏe - Ngày đăng : 10:13, 07/01/2014

Sự trở lại của vi rút cho thấy khả năng tồn tại dai dẳng của HIV và vi rút này có thể ẩn náu ở nhiều nơi trong cơ thể, những chỗ rất khó bị phát hiện.

Sự trở lại của vi rút cho thấy khả năng tồn tại dai dẳng của HIV và vi rút này có thể ẩn náu ở nhiều nơi trong cơ thể, những chỗ rất khó bị phát hiện, BS.Timothy Henrich, Bệnh viện Brigham and Women’s Hospital cho biết


Các nhà nghiên cứu ở Boston (Mỹ) đã báo cáo về việc vi rút HIV tái phát ở hai bệnh nhân đã từng hết vi rút sau khi được ghép tủy xương, phủ bóng đen lên niềm hy vọng chữa khỏi căn bệnh thế kỷ từng rất được kỳ vọng này.

Sự trở lại của vi rút cho thấy khả năng tồn tại dai dẳng của HIV và vi rút này có thể ẩn náu ở nhiều nơi trong cơ thể, những chỗ rất khó bị phát hiện, BS.Timothy Henrich, Bệnh viện Brigham and Women’s Hospital cho biết. Nhưng nhóm nghiên cứu vẫn nhìn ra những manh mối có ý nghĩa từ những trường hợp này để thiết kế thuốc điều trị thế hệ tiếp theo chống lại vi rút gây bệnh AIDS.

Các bác sĩ đã phát hiện ra dấu hiệu của vi rút ở cả hai bệnh nhân mà hồi đầu năm nay đã từng không còn thấy vi rút trong cơ thể. Hai bệnh nhân này đã được ghép tủy xương từ nhiều năm trước để điều trị ung thư và sau đó đã ngừng các thuốc điều trị HIV, vốn thường được dùng cho người bị nhiễm để giữ vi rút ở mức kiểm soát được.

Nhiều nhà nghiên cứu đã bày tỏ sự thất vọng trước kết quả này, song cách tiếp cận và số liệu của nhóm nghiên cứu sẽ đưa chiến lược chống HIV tiến lên một bước đáng kể.

Hai bệnh nhân trong nghiên cứu ở Boston đã chiến đấu với HIV trong nhiều năm. Họ đã đồng ý ngừng dùng thuốc điều trị vào đầu năm nay để kiểm tra xem thuốc có tác dụng kiểm soát vi rút hay không, hay là việc ghép các tế bào tủy xương mới đã chế ngự được các dấu hiệu của vi rút trong cơ thể. Cả hai bệnh nhân đều được ghép tủy xương sau khi hóa trị liệu và các điều trị khác không ngăn chặn được căn bệnh u lympho Hodgkin, một dạng ung thư máu.

Nhóm nghiên cứu đã cẩn thận xét nghiệm máu của bệnh nhân trong nhiều tuần để tìm các dấu hiệu của HIV. Vào tháng 7, với một bệnh nhân ngừng thuốc trong 7 tuần và bệnh nhân kia ngừng thuốc 15 tuần, các nhà khoa học đã báo cáo kết quả ban đầu đáng phấn khởi: Họ không tìm được dấu vết của vi rút trong máu bệnh nhân.

Nhưng đến tháng 8, các nhà khoa học đã phát hiện được HIV trong máu của một bệnh nhân và sau đó người này đã uống thuốc lại. Bệnh nhân kia có vẻ vẫn sạch vi rút. Lo ngại về vấn đề đạo đức khi tiếp tục nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã cho bệnh nhân chọn giữa việc dùng thuốc lại hoặc không và bệnh nhân đã chọn không dùng thuốc.

Một tháng sau đó, sau 8 tháng không thấy dấu vết gì của HIV, đã có tín hiệu cho thấy vi rút tái xuất hiện và bệnh nhân này cũng đã phải dùng thuốc lại.

BS. Henrich cho rằng sự tái xuất hiện của vi rút chứng tỏ các ổ chứa HIV – những tế bào mang mã di truyền của vi rút – nẩn náu sâu trong cơ thể và tồn tại dai dẳng hơn trước đây mọi người vẫn tưởng.

Cho đến nay, mới chỉ có một bệnh nhân được tin là đã “khỏi” HIV. Năm 2009 các bác sỹ Đức báo cáo trường hợp một bệnh nhân người Mỹ là Timothy Ray Brown, được ghép tủy xương để điều trị bệnh bạch cầu và có vẻ đã được chữa khỏi HIV.

Brown, được biết tới với tên gọi “Bệnh nhân Berlin,” được ghép tủy xương từ người cho mang đột biến gen CCR5-delta32, được cho là có tính kháng HIV. Trước đó, các nhà nghiên cứu chưa từng thấy kết quả tương tự với ghép tủy từ người bình thường, như trường hợp hai bệnh nhân Boston.

Trong quá trình chuẩn bị cho ca mổ ghép, Brown cũng được nhận liều lớn hóa trị liệu và xạ trị mạnh để “đánh gục” HIV, một biện pháp quá “cực đoan” thường không được áp dụng phổ biến. Hai bệnh nhân ở Boston được dùng liều thấp hơn trước khi mổ

BS. Henrich và các nhà nghiên cứu khác cho rằng ghép tủy xương, vốn nguy hiểm và có thể gây chết người, không phải là cách làm thực tế hoặc “hợp đạo đức” để điều trị HIV, nhất là ở bệnh nhân không bị ung thư.

Nhưng những phát hiện trên hai bệnh nhân Boston giúp các nhà nghiên cứu hiểu thêm về cơ chế và nơi mà HIV tồn tại trong cơ thể, có thể giúp họ thiết kế nên những thuốc điều trị để loại trừ vi rút một cách chính xác hơn.

“Nghiên cứu này cho chúng ta biết nhiều hơn về sự tồn tại của vi rút và những việc cần làm để giảm các ổ chứa HIV trong cơ thể nhằm giúp bệnh nhân thuyên giảm bệnh,” BS. Katherine Luzuriaga thuộc Trường Y Umass, Mỹ cho biết.

Luzuriaga và cộng sự gần đây đã báo cáo trường hợp một em bé 3 tuổi bị nhiễm HIV bẩm sinh và được dùng thuốc chống vi rút trong vòng 30 giờ sau sinh, hiện em vẫn không phát hiện thấy vi rút mặc dù đã ngừng thuốc được 18 tháng.

Nhóm của BS. Henrich hiện đang xử lý số liệu để tìm hiểu tại sao một bệnh nhân lại “né tránh” được sự tái phát của vi rút lâu hơn bệnh nhân kia. Những yếu tố được xem xét là tuổi khi bị nhiễm HIV, cách thức lây nhiễm, và nồng độ vi rút ở mỗi bệnh nhân trước khi ghép tủy xương.

Nhóm cũng dự định sẽ mở rộng nghiên cứu, thu nhận thêm nhiều bệnh nhân nhiễm HIV khác đã từng ghép tủy xương và tìm dấu hiệu nhiễm ở các mô khác trước khi ngừng thuốc trị HIV. Các nhà nghiên cứu hy vọng tìm ra câu trả lời cho câu hỏi liệu thời điểm ngừng thuốc HIV có đóng vai trò trong sự tái xuất hiện của vi rút hay không.

Cẩm Tú