Cải thiện chất lượng phục vụ nhân dân
Đời sống - Ngày đăng : 06:05, 07/01/2014
Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Tổ trưởng Tổ công tác soạn thảo đề án Ngô Anh Tuấn xung quanh vấn đề này.
- Việc tổ chức thực hiện cơ chế “một cửa” tại các DN nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập chưa từng có tiền lệ tại Hà Nội, vậy vì sao TP Hà Nội lại đưa ra đề án này, thưa ông?
- Việc mở rộng áp dụng cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tại các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công là một chủ trương quan trọng, đã được xác định trong Nghị quyết TƯ 5 (khóa X). Việc nâng cao chất lượng dịch vụ công cũng được nêu rõ trong Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 8-11-2011 của Chính phủ. Thực hiện chủ trương đó, Thành ủy Hà Nội đã đề ra giải pháp tổ chức thực hiện trong Chương trình số 08-CTr/TU. Trên cơ sở đó, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng và ban hành Đề án thí điểm thực hiện cơ chế một cửa trong việc cung cấp dịch vụ công tại một số DN nhà nước có sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố. Hiện dịch vụ công gồm ba loại: Dịch vụ hành chính công, dịch vụ sự nghiệp công và dịch vụ công ích. Các loại hình dịch vụ này có những nét tương đồng như đáp ứng các nhu cầu cơ bản thiết yếu của người dân, không vì mục tiêu lợi nhuận; đều gắn với trình tự, cách thức thực hiện, hồ sơ, yêu cầu điều kiện nhất định; cần phải có công cụ quản lý hiệu quả và bảo đảm chất lượng cung cấp dịch vụ. Cơ chế “một cửa” được áp dụng trong các cơ quan hành chính nhà nước từ nhiều năm nay và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Việc mở rộng áp dụng cơ chế “một cửa” sang các DN nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc TP Hà Nội sẽ góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, đồng thời góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch và hiệu quả hoạt động, điều hành của đơn vị.
Đề án thí điểm thực hiện cơ chế “một cửa” cung cấp dịch vụ công trong DN nhà nước bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Ảnh: Tào Ngọc |
- Được biết, tổ công tác đã khảo sát và lựa chọn hai đơn vị là Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội (thuộc Sở LĐTB&XH) và Công ty TNHH một thành viên Nước sạch số 2 Hà Nội để đề xuất thực hiện thí điểm. Ông có thể cho biết tiêu chí nào để chọn ra đơn vị và các dịch vụ công thực hiện thí điểm?
- Đây là vấn đề mới, do đó cần thực hiện thí điểm. Các đơn vị và các dịch vụ công được lựa chọn đề xuất thí điểm thực hiện cơ chế “một cửa” theo một số tiêu chí, như là đơn vị sự nghiệp công lập được giao nhiệm vụ thực hiện các dịch vụ công với tổ chức, cá nhân hoặc DN nhà nước có sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích. Lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập quan tâm, ủng hộ việc thí điểm. Các dịch vụ công được lựa chọn thí điểm có liên quan đến đời sống dân sinh như ở các lĩnh vực đất đai, quy hoạch - kiến trúc, xây dựng đô thị, điện, nước, môi trường, y tế, lao động, việc làm; các dịch vụ công có số lượng giao dịch lớn, hoặc có đối tượng phục vụ rộng rãi. Kết quả khảo sát tại một số đơn vị cho thấy, Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội và Công ty TNHH một thành viên Nước sạch số 2 Hà Nội về cơ bản đáp ứng các tiêu chí trên.
- Cụ thể là những dịch vụ công nào sẽ được giải quyết theo cơ chế “một cửa” tại hai đơn vị này?
- Tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội sẽ thực hiện cơ chế “một cửa” trong các lĩnh vực: Đăng ký thất nghiệp; giải quyết trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ học nghề; tư vấn, giới thiệu việc làm. Tại Công ty TNHH một thành viên Nước sạch số 2 Hà Nội thực hiện cơ chế “một cửa” trong việc cung cấp các dịch vụ công cung cấp nước sạch cho các tổ chức, cá nhân ở các quận, huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.
- Việc áp dụng cơ chế “một cửa” trong cung cấp dịch vụ công tại các cơ quan hành chính tại Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Thành phố Hà Nội có kế hoạch gì nhằm bảo đảm áp dụng hiệu quả cơ chế một cửa trong cung cấp dịch vụ công tại hai đơn vị thực hiện thí điểm.
- Thành phố dự kiến sẽ thành lập tổ công tác chỉ đạo thực hiện. Trước khi cung ứng các dịch vụ công theo cơ chế “một cửa”, hai đơn vị thực hiện thí điểm sẽ triển khai các việc, như: thống kê, rà soát và xây dựng, ban hành các quy trình thực hiện; bố trí bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; bảo đảm viên chức, nhân viên tại bộ phận này có đủ chuyên môn, nghiệp vụ; cùng với đó, là công khai các thông tin liên quan đến việc cung cấp dịch vụ công theo nhiều hình thức.
- Ngoài hai đơn vị thí điểm, TP Hà Nội có tính đến việc mở rộng sang các đơn vị khác?
- Sau khi tổ chức thí điểm, có thể nghiên cứu mở rộng áp dụng cơ chế “một cửa” trong cung cấp dịch vụ công tại các DN nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập khác thuộc TP Hà Nội theo lộ trình hợp lý.
- Xin cảm ơn ông!