Những ký ức không thể nguôi quên…
Chính trị - Ngày đăng : 05:52, 07/01/2014
Tình cảm gắn bó giữa nhân dân Campuchia và bộ đội Việt Nam. |
Tấm lòng cao cả
Ở thời điểm đất nước hòa bình chưa đầy 2 năm, nhiều người lính Việt Nam vừa trải qua một cuộc kháng chiến trường kỳ lại tiếp tục làm nhiệm vụ quốc tế khi tập đoàn Pol Pot, Iêng Sary, Khiêu Sam-phon thực hiện chính sách diệt chủng ở Campuchia và xâm lược biên giới Tây - Nam Việt Nam. Những hình ảnh về sự tàn bạo của chế độ Pol Pot còn nguyên trong ký ức nhiều cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện. Thiếu tướng Trần Văn Hùng, nguyên Phó Sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 2 (Quân khu 5) nhớ lại: "Khi chúng tôi hành quân qua những nơi trước kia là đô thị sầm uất của Campuchia chỉ thấy cảnh hoang tàn, xơ xác. Nhà cửa, trường học, các khu chợ bị đập phá, vắng bóng người. Bè lũ Pol Pot đã dồn dân tới các trại tập trung bắt lao động khổ sai, giết hại người dân vô tội. Xác người chất thành đống tại một số ngôi chùa". Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3) kể: "Trong một lần đi thị sát khu vực cửa khẩu Xa Mát (tỉnh Tây Ninh) giáp biên giới Campuchia, chúng tôi nhìn thấy rất nhiều thi thể người dân vô tội bị quân Khmer Đỏ giết hại trong một ngôi làng, đồng đội tôi đã không kìm được lòng thốt lên "Tiến ơi" rồi ôm mặt khóc. Dù trải qua nhiều chiến trường nhưng chưa khi nào chúng tôi phải chứng kiến một khung cảnh hoang tàn và có nhiều dân lành bị giết hại như vậy".
Sự đau khổ của người dân Campuchia và của chính nhân dân Việt Nam đã được giải thoát bằng tình cảm, sự nhiệt huyết và tấm lòng cao cả của quân tình nguyện Việt Nam. CCB Phạm Văn Chung không quên lần đơn vị ông tiến công vào Công Pông Chàm, dù đã gần nửa đêm nhưng người dân Campuchia vẫn ra đường nhảy múa, vẫy tay chào đón. Trên gương mặt khắc khổ của họ ánh lên niềm vui và hạnh phúc. Trước hành động xâm lược và diệt chủng tàn bạo của chế độ Khmer Đỏ, đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết cứu nước Campuchia, của nhân dân Campuchia anh em; Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội Việt Nam đã thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình, đập tan các hành động xâm lược, cùng với lực lượng vũ trang, nhân dân Campuchia và sự ủng hộ của bạn bè trên thế giới đánh đổ chế độ diệt chủng vào ngày 7-1-1979.
Hồi sinh vùng đất chết
Sau ngày Campuchia giải phóng, hàng nghìn cán bộ chuyên gia, hàng vạn quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục sát cánh cùng nhân dân Campuchia thực hiện công cuộc hồi sinh dân tộc và ngăn chặn sự quay trở lại của chế độ diệt chủng. Mặt trận 779 được thành lập trên nền tảng Bộ Tư lệnh tiền phương (Quân khu 7) năm 1981, giúp nước bạn ở các tỉnh Công Pông Thơm, Công Pông Chàm, Svây Riêng, Prây Veng, Kra Chê. Quân tình nguyện Việt Nam đã chung tay hỗ trợ bạn xây dựng lại đất nước, từ những ngôi nhà, trường học đến hướng dẫn làm kinh tế.
Đại tá Nguyễn Huy Phương, nguyên là quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở Campuchia kể: "Những tháng ngày chiến đấu bảo vệ biên giới của Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế trên đất nước bạn, chúng tôi đã nhiều lần không cầm được nước mắt khi chứng kiến sự tàn bạo, dã man của bè lũ Pol Pot - Iêng Sary. Thực tế đó khiến chúng tôi càng quyết tâm chiến đấu, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc và giúp bạn hồi sinh đất nước, để người dân Campuchia được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Trong mười năm liền sau ngày Campuchia giải phóng, bộ đội cùng các lực lượng chuyên gia Việt Nam tiếp tục giúp bạn ngày đêm truy quét, tiêu diệt tàn quân Khmer Đỏ, xây dựng chính quyền nhân dân, hồi sinh đất nước Chùa Tháp tươi đẹp". Trong tâm trí của nhiều người từng tham gia Mặt trận 779, họ luôn nhớ hình ảnh Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Prây Veng bật khóc khi thấy bộ đội Việt Nam ăn cháo để dành gạo cứu đói cho người dân Campuchia. Trong cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ, ác liệt đó còn biết bao anh hùng, chiến sĩ Việt Nam và Campuchia đã hy sinh hoặc để lại một phần máu, thịt của mình trên chiến trường. Năm tháng sẽ qua đi nhưng những hồi ức về chặng đường lịch sử chiến đấu kiên cường trên đất nước bạn còn sống mãi. Tâm nguyện của những người lính trong đội quân tình nguyện Việt Nam trên đất nước Campuchia năm xưa là nhanh chóng tìm được hài cốt đồng đội đang còn nằm trên đất bạn. Theo số liệu của hai Ủy ban Chuyên trách Chính phủ Việt Nam và Campuchia, từ năm 2001 đến nay, lực lượng chức năng đã tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt của khoảng 15.000 liệt sĩ Việt Nam hy sinh tại Campuchia qua các thời kỳ, ước tính hiện còn khoảng 4.500 liệt sĩ quân tình nguyện và các chuyên gia Việt Nam trên đất Campuchia chưa được tìm thấy.
Campuchia hôm nay đang thay da, đổi thịt, từng bước chuyển mình, phát triển. Bộ mặt từ thành thị đến nông thôn ngày càng khang trang, trẻ em nô nức đến trường, đường biên giới hai nước được chung tay xây dựng. Việt Nam hiện là một trong 10 nước đứng đầu trong việc đầu tư vào Campuchia với 126 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 3 tỷ đô la, tập trung ở lĩnh vực: trồng cây cao su, phát triển nguồn điện, viễn thông, tài chính, ngân hàng, dầu khí, hàng không. Hai bên đang phối hợp hoàn thiện việc cắm mốc biên giới đất liền nhằm góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Những sự hỗ trợ, giúp đỡ của Việt Nam đã được Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Heng Samrin khẳng định tại lễ mít tinh trọng thể kỷ niệm 35 năm Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây - Nam và cùng Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng: "Nhân dân Campuchia mãi mãi ghi nhớ việc thực hiện sứ mệnh của quân tình nguyện Việt Nam, người anh em, người bạn láng giềng tốt đã giúp đỡ, ủng hộ cho sự nghiệp cao cả của nhân dân Campuchia và được khắc ghi trong lịch sử của dân tộc Campuchia".