Những nội dung cơ bản của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật

Xã hội - Ngày đăng : 06:56, 06/01/2014

Tôi được biết, vừa qua công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được nâng thành luật với mục đích nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành của toàn dân. Đề nghị quý báo cho biết những nội dung chính của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Đặng Thu Huyền (Phường Trung Phụng, Đống Đa)

Tôi được biết, vừa qua công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được nâng thành luật với mục đích nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành của toàn dân. Đề nghị quý báo cho biết những nội dung chính của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.
Đặng Thu Huyền (Phường Trung Phụng, Đống Đa)

Trả lời:

- Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ ba, ngày 20-6-2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013, gồm 5 chương và 41 điều, quy định cụ thể về phạm vi điều chỉnh; quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; những nội dung, hình thức chung của luật; trách nhiệm PBGDPL của các cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng như các điều kiện bảo đảm cho công tác PBGDPL được đưa vào cuộc sống.

Theo đó, Điều 2 của Luật PBGDPL quy định công dân có quyền được thông tin về pháp luật và có trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật; Nhà nước bảo đảm, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền được thông tin về pháp luật.

Quyền được thông tin về pháp luật của công dân còn được cụ thể hóa tại các Điều 11 về các hình thức PBGDPL; Điều 15 trách nhiệm tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật, cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật.

Đặc biệt, luật còn bao gồm nội dung, hình thức PBGDPL cho một số đối tượng đặc thù như: Người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân; và PBGDPL cho người lao động trong các doanh nghiệp, cho nạn nhân bạo lực gia đình, cho người khuyết tật… với các hình thức PBGDPL đa dạng, phù hợp với nhu cầu, lứa tuổi, trình độ của các đối tượng; nhấn mạnh sự cần thiết thực hiện chính sách xã hội hóa công tác PBGDPL. Nhà nước khuyến khích và có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện PBGDPL; huy động các nguồn lực xã hội đóng góp cho công tác PBGDPL. Sắp tới sẽ có Hội đồng phối hợp PBGDPL được thành lập ở 3 cấp Chính phủ, chính quyền cấp tỉnh, huyện để thực hiện nhiệm vụ tư vấn, tham mưu và huy động nguồn lực cho công tác PBGDPL.

Ngày 9-11 hằng năm được chọn là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

LTS: Để thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng của bạn đọc, từ số báo này, Báo Hànộimới mở chuyên mục "GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT". Mọi thông tin phản ánh, yêu cầu tư vấn, giúp đỡ... về pháp luật, mời bạn đọc liên hệ: Ban Bạn đọc, trụ sở 44 phố Lê Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm), điện thoại 043.8253067 hoặc email: thubandoc@hanoimoi.com.vn. "GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT" thay thế cho chuyên mục "Luật sư với bạn đọc" trước đây.

Ban Bạn đọc