Chuẩn bị để “tiến quân vào địa hạt nghiên cứu”

Văn hóa - Ngày đăng : 06:30, 06/01/2014

(HNM) - Giải thưởng Hội Văn nghệ dân gian (VNDG) Việt Nam 2013 vừa được công bố tại Hà Nội, tiếp tục đánh dấu nỗ lực của những người chạy đua cùng thời gian để giữ gìn vốn cổ. Dịp này, Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội VNDG Việt Nam đã chia sẻ về mùa giải này cũng như những dự định năm 2014 của hội.

- Thưa Giáo sư, năm nay số lượng công trình dự giải (84 công trình) nhiều hơn hẳn so với năm ngoái (73 công trình), nhưng chất lượng có cao hơn năm trước không?

- Kể từ năm 1993, khi Nhà nước đầu tư kinh phí cho giải thưởng sáng tạo hằng năm, tới nay, mỗi năm hội chúng tôi nhận được trên dưới 100 công trình. Chúng tôi đã có định hướng trọng tâm cho công tác sáng tạo của hội viên hằng năm hoặc cả nhiệm kỳ đại hội. Cụ thể trọng tâm của hội năm 2013 là tiếp tục sưu tầm tư liệu; đồng thời chuyển dần sang nghiên cứu chiều sâu. Năm nay chúng tôi nhận được trên 20 công trình dạng nghiên cứu sâu. Như vậy, trọng tâm công tác của hội đã được hội viên thực hiện tốt. Nhân đây, cũng xin nói rằng chúng tôi đánh giá công trình trên tiêu chí thực hiện trọng tâm chứ không so sánh từng công trình với nhau, một việc khó làm và không cần thiết vì tính đa dạng của các giá trị văn hóa - VNDG.



- Trong số 5 lĩnh vực chính là ngữ văn và lý luận folklore, phong tục tập quán, nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật tạo hình và kiến trúc dân gian, tri thức dân gian, mảng nào có nhiều công trình dự giải nhất, thưa Giáo sư?

- Trong thực tế, sự phân bố và vị trí của các loại hình văn hóa - VNDG không giống nhau. Vì thế việc xem loại hình nào có nhiều hay ít công trình là việc làm không cần thiết. Ví dụ, không thể đánh giá thấp một số ít công trình nghệ thuật biểu diễn so với hàng chục công trình ngữ văn. Nói chung năm nào hội chúng tôi cũng nhận được một số công trình tương ứng cho các loại hình.

- Xin Giáo sư chia sẻ cùng bạn đọc về một số công trình chất lượng đoạt giải thưởng của hội năm nay?

- Có thể kể đến công trình “Tranh dân gian Hàng Trống Hà Nội” (giải nhất). Ở đây, tác giả Phan Ngọc Khuê không chỉ giới thiệu nguồn tranh dân gian sưu tầm được mà còn dẫn dắt bạn đọc tìm hiểu sâu về sự ra đời, phát triển của từng loại tranh. Một số công trình có tính tổng kết và nghiên cứu khác như “Tìm hiểu về truyện Trạng Việt Nam” (giải nhì A), trong đó tác giả Triều Nguyên đã chú ý phân tích đặc trưng của loại truyện này đồng thời so sánh với một số truyện Trạng của các nước khác. Hay ở công trình “Tiếp cận một số vấn đề về văn hóa Chăm Pa” (giải nhì A), nhà nghiên cứu Sakaya - người dân tộc Chăm đã làm rõ những biểu hiện đặc sắc của văn hóa Chăm, thể hiện cái nhìn toàn diện và ấn tượng về nền văn hóa độc đáo này.

- Ngoài ra còn có xu hướng nghiên cứu nào khác đáng chú ý không thưa ông?

- Hướng nghiên cứu tập trung vào việc giải mã những đặc trưng văn hóa các dân tộc Việt Nam cũng đã xuất hiện vài năm trước, nhưng nay tiếp tục được phát huy. Có thể kể đến một số công trình tiêu biểu như “Biểu tượng nước từ văn hóa đến văn học dân gian của người Thái ở Tây Bắc Việt Nam” của TS Đặng Thị Oanh; công trình “Mộ Mường ở Hòa Bình” của tác giả Bùi Hy Vọng; công trình “Văn hóa cộng đồng Kinh tộc ở Kinh Đảo Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc” của PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm…

- Thưa Giáo sư, một trong những việc quan trọng nhất của Hội VNDG Việt Nam năm 2014 là gì?

- Là tiếp tục định hướng của năm 2013 cho đến hết Đại hội VI (2010-2015) với nhiệm vụ “năm bản lề” để từ Đại hội VII trở đi chuyển dần trọng tâm về công tác nghiên cứu chuyên sâu. Nhiệm vụ của thời gian còn lại nhiệm kỳ Đại hội VI là chuẩn bị và mở các lớp tập huấn về các lý thuyết cũng như phương pháp nghiên cứu trên cơ sở các tư liệu đã sưu tầm được, cung cấp những “tri thức nghề nghiệp” để số đông hội viên có thể “tiến quân vào địa hạt công tác nghiên cứu”.

- Xin chân thành cảm ơn Giáo sư!

Thi Thi