Xứ xa lận đận mưu sinh
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:14, 06/01/2014
Nơi gặp gỡ...
Ở ngay lối vào tầng 1, tôi đã thấy toàn "dân đầu đen" (người Trung Á, thuộc Liên Xô cũ), họ bán buôn chủ yếu là hàng thực phẩm. Đủ thứ từ rau, hoa quả, thịt, cá, xúc xích, pho mát, bơ, mật ong, bánh mỳ, rượu bia, thuốc lá, nước ngọt… chả thiếu thứ gì. Cũng có nhiều quầy bán hàng áo quần, kính bút, túi xách, đồng hồ, vali, giày dép…
Tiếng chào mời của họ réo rắt bên tai… tôi chỉ cười và cảm ơn. Họ quay ra nói chuyện với nhau bằng thứ thổ âm riêng, khó nghe lắm. Đám thanh niên hay các bà sồn sồn còn mở loại nhạc dân tộc của họ (phát ra từ điện thoại di động) nghe cứ ỉ eo làm sao, tôi chúa ghét cái thứ âm thanh nhàn nhạt buồn ngủ này.
Quang cảnh chợ Kim Sơn. |
Trông thấy những người Nga đi lại cũng kha khá, chắc vì thứ bảy là ngày nghỉ nên vợ chồng con cái kéo nhau đi mua sắm. Người Nga mua hàng ít khi mặc cả. Thử xong cảm thấy thinh thích là okê (Nhưng nếu trong nhóm người đi cùng có ai đó chê là họ bỏ quầy đi thử hàng khác ngay!). Giá cả chủ nói sao là họ trả đúng vậy, chả trách mà "dân đầu đen" dễ "luộc"! Mà cái khoản bán buôn thì đúng là người Việt ta còn thua kém họ. Cũng chả trách được! Phần vì "dân đầu đen" mánh mung lại dài tiếng…
Mặt bằng chợ khá rộng, đi lòng vòng cũng khoảng gần 20 phút. Tôi tiến lại thang máy cuộn đi lên tầng 2. Đây mới là "lãnh địa" của quân mình! Chưa thấy người đã nghe thấy những tiếng nói quen thuộc. Mấy cô cậu thanh niên đang chào mời khách. Giọng có vẻ còn ngượng. Nhưng xem ra thì các thượng đế người Nga ít chú ý đến điều đó? Cái họ để ý là hàng hóa cơ. Nhưng hình như khách hàng Nga lại thích mua hàng của người Việt Nam mình thì phải? Bởi tôi để ý thấy họ dừng bước lâu hơn ở tầng 1. Nụ cười trên môi cũng có vẻ như cởi mở hơn? Như thế là có "màu" rồi đấy! Tôi nghĩ thầm trong bụng. Có thế chứ nhỉ? Ít ra thì bà con mình cũng có cái mở hàng hoặc là còn được…"đi xa" hơn vậy!
Ghé tai một cậu trai trẻ tôi hỏi nhỏ: "Sáng giờ được mấy cái quần bò rồi cháu?". Anh chàng cười tủm tỉm: "Dạ! Đã có mở hàng rồi chú ạ!". Vậy là tốt rồi!
Một chị bán hàng giày dép giọng xứ Bắc cứ lăng xăng mời mọc bằng tiếng Nga. Tôi cười: "Cảm ơn chị!" làm chị ta cứ ớ ra! Tôi nói vui: "Tây rau muống thâm niên đây chị ơi!". Tiếng cười ngượng ngùng khỏa lấp sau những câu nói làm cho không khí thêm thân thiện. Tôi cũng hỏi han nhiều, chị cười: "Bọn em từ bên chợ km 41 dọn sang đây. Cũng ì xèo được tí chút. Hồi đầu lo lắm, vì chợ cứ vắng hoe. Nay thì khách lên xuống khơ khớ rồi!" (xin nói thêm là khu chợ km 41 cũng chung métrô - ga xe điện ngầm Chiploxtan, nhưng khoảng cách xa hơn so với chợ Kim Sơn. Ở khu chợ đó cũng bán buôn tương đối sầm uất và có nhiều bà con người Việt ta).
Tương lai nhiều hứa hẹn?
Tôi loanh quanh khắp tầng 2, nhận xét ban đầu là: Chợ có vẻ nhập cuộc tốt, có nhiều khách lên xuống mua bán. Nhưng không rõ những ngày thường liệu có "khơ khớ" như thế này không nhỉ? Hôm nay thứ bảy, mai là chủ nhật thì khách đông là phải rồi?
Nhìn vào các quầy hàng của bà con người Việt ta, hàng hóa mẫu mã cũng na ná như của "dân đầu đen". Hàng hóa chủ yếu lấy từ chợ Liu (Trung tâm Thương mại Mátxcơva) hoặc từ chợ Chim (Trung tâm Thương mại Sadovod). Chỉ có thể bán lẻ chứ nơi này không dành cho bán sỉ. Theo tìm hiểu, bà con mình ở chợ Kim Sơn có khoảng 100 quầy hàng. Vị chi con số nhân khẩu cũng xấp xỉ khoảng 70 đến 80 chủ quầy bởi một người có khi làm từ 2 đến 3 quầy. Hầu hết bà con "dạt" từ các chợ khác về đây bán buôn, hy vọng sẽ thu nhập khá hơn. Vị trí chợ nơi này khá đắc đạo gần sát métrô (ga xe điện ngầm Chiploxtan), người đi qua lại đông…
"… Đang loanh quanh thì đụng ngay ông chủ Trung tâm Thương mại Kim Sơn là Đặng Ngọc Tú, quê ở Nghệ An. Tú cười bắt tay rất chặt: "Sao anh tới mà không alô cho em gì cả? Chán anh quá! Anh vào trong này đi!…". Tôi nheo mắt tinh nghịch: "À, có việc đi qua anh ghé vào xem thằng em làm ăn ra sao? Ờ… mà phải bí mật tiếp cận chứ? Báo trước cho chú thì làm sao thấy cảnh tự nhiên được? Tình hình ra sao rồi? Mà anh cũng phục chú đấy, giỏi thật!". Tú cười tươi: "Thì bác cứ thích gì, bác viết vậy thôi!". Nói rồi Tú chêm thêm: "Vất vả lắm bác ơi, mà lo nhiều đấy! Vừa phải góp cổ phần, bỏ tiền ra xây dựng, mệt muốn đứt hơi luôn… nay chợ đã thành danh, em yên tâm thở phào rồi".
Qua tìm hiểu, được biết tòa nhà có 5 tầng. Ban đầu thì có dự định lấy tầng 3 làm nơi ăn chốn ở cho bà con. Nhưng vì tính chất phức tạp của ốp ở (ký túc xá) nên ban quản trị lại thôi. Ông chủ đích thực là người địa phương. Cánh quân của mình qua sự quen biết đã được "chọn mặt gửi vàng" làm đại lý, với nhiệm vụ kêu gọi bà con Việt Nam về đây cùng làm ăn. Hình thức làm việc này tồn tại từ thời chợ Vòm cũ (chợ Cherekidov) đã bị giải tán từ tháng 7-2009.
Tòa nhà này được xây dựng khá kiên cố. Trước đây cũng là một trung tâm thương mại. Nhưng nay được sửa sang lại trông bắt mắt hơn. Riêng cái thang máy cuộn phát âm thanh nghe nhè nhẹ khi lên xuống cũng đã có sức hấp dẫn thị khách rồi.
Thời điểm hiện nay, những trung tâm thương mại muốn hoạt động được phải đạt yêu cầu về xây dựng do chính quyền đề ra. Kiên cố và hiện đại là tiêu chuẩn đầu tiên. Những trung tâm chưa đạt yêu cầu sẽ bị loại bỏ. Chính quyền thành phố Mátxcơva đã thải khá nhiều trung tâm thương mại xập xệ và không còn phù hợp thời kỳ hội nhập. Mô hình chợ trong thời gian qua và sắp tới sẽ còn phải trải qua nhiều sự phân lọc gay gắt. Nhà chức trách không muốn duy trì quá nhiều chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn. Bởi thế sự cạnh tranh lành mạnh rõ ràng là tiêu chí hàng đầu cho các ông chủ.
Có một thực tế là, hiện nay ngoài Trung tâm Thương mại Hà Nội (do Tập đoàn Incetra tiến hành xây dựng) sắp mở cửa chính thức vào giữa năm 2014 là của người Việt Nam, thì hầu hết các trung tâm thương mại hoặc chợ khác đều là của người địa phương. Như vậy, bà con ta hoàn toàn phải dựa vào họ. Sự tồn tại trong làm ăn sẽ còn phụ thuộc vào sự may rủi khi chợ còn hay mất? Cũng may là bà con ta thì hầu như đã quá quen với cái cảnh chạy chỗ nọ sang chỗ kia rồi.
Người Việt bán buôn tại thủ đô Mátxcơva hiện nay con số có lẽ vào khoảng hơn chục ngàn người? (chưa thể thống kê chính xác được). Nằm rải rác ở những trung tâm bán buôn lớn như chợ Liu, chợ Chim, km 41, km 19, Dubropka, Kim Sơn… Ngoài ra, còn lác đác ở những khu chợ lẻ khác? Chưa kể số bà con làm những ngành nghề khác nhau.
Hy vọng thời gian sẽ giúp cho bà con có điều kiện tốt hơn để thuận tiện trong việc mưu sinh nơi xứ người. Nhưng dù gì đi nữa thì đồng bào mình cũng phải luôn chấp hành tốt mọi yêu cầu của chính quyền bạn đề ra. Có như vậy chúng ta mới tồn tại lâu dài mà làm ăn hợp pháp trên đất bạn.