Mở hướng làm giàu cho nông dân

Xã hội - Ngày đăng : 06:48, 05/01/2014

(HNM) - Theo đánh giá của các chuyên gia, Hà Nội có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển cây ăn quả nhiệt đới.



Đặc biệt những năm gần đây, sản xuất cây ăn quả Hà Nội cho hiệu quả kinh tế cao, thu nhập trung bình đạt từ 200 đến 400 triệu đồng/ha/năm, vườn cây tiêu biểu đạt 1,2 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm. Mô hình cây ăn quả đã giúp nhiều địa phương hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Mô hình trồng bưởi Diễn tại Hiệp Thuận, Phúc Thọ. Ảnh: Đào Huyền


Hiệu quả kinh tế cao

Những tháng cuối năm, khi cái Tết cận kề, nông dân trồng bưởi Diễn, cam Canh, chuối tiêu hồng… tại các huyện ngoại thành lại tất bật với công việc chăm sóc và bán sản phẩm. Theo Bí thư Đảng ủy xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ, Nguyễn Thị Kim Yến, trước kia vùng bãi ở đây chuyên trồng ngô, hiệu quả kinh tế không cao. Từ năm 2012, khi tham gia mô hình phát triển cây ăn quả đặc sản, Vân Nam đã mạnh dạn đưa cây chuối tiêu hồng vào sản xuất. Năm 2012, diện tích chuối tiêu hồng ở Vân Nam là 10ha với 5 hộ nông dân tham gia. Đến năm 2013, diện tích chuối tiêu hồng tăng lên 21ha, thu hút trên 70 hộ nông dân tham gia sản xuất. Là một trong những hộ trồng chuối tiêu hồng lớn nhất tại Vân Nam, anh Nguyễn Văn Luyện, bãi Đồn, đoạn 1 Vân Hà cho biết: Hiện anh đang trồng hơn 5ha chuối tiêu hồng, ước cho thu hoạch khoảng 4 nghìn buồng chuối. Trồng chuối tiêu hồng cho hiệu quả kinh tế từ 200 đến 400 triệu đồng/ha, gấp 6-7 lần so với trồng lúa.

Từ khi bén duyên với đất Hiệp Thuận, Phúc Thọ, cây bưởi Diễn đã trở thành cây làm giàu của nhiều hộ nông dân tại đây. Theo Phó chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Hiệp Thuận Nguyễn Văn Tuấn, toàn xã có khoảng 54ha trồng bưởi Diễn. Hiện hầu hết các vườn bưởi Diễn trong xã đã được thương lái đặt mua hết với giá bán trung bình tại vườn dao động 25-40 nghìn đồng/quả. Có gia đình năm nay thu được trên một vạn quả, hiệu quả kinh tế ước đạt 400-500 triệu đồng/ha. Ngoài những mô hình trên, mô hình cam Canh, nhãn chín muộn cũng được nhân rộng tại các địa phương, cho hiệu quả kinh tế cao.

Gắn phát triển với xây dựng thương hiệu

Nông dân Hà Nội vốn có kinh nghiệm trồng và chăm sóc nhiều loại cây ăn quả. Tuy nhiên, phát triển cây ăn quả tại Hà Nội hiện vẫn tồn tại nhiều hạn chế như sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, phân tán; khả năng đầu tư thâm canh thấp, việc ứng dụng các kỹ thuật mới hạn chế; công tác quản lý và sản xuất giống cây ăn quả còn nhiều bất cập; năng suất cây ăn quả chưa cao, chất lượng chưa tốt, sản phẩm quả thiếu tính cạnh tranh trên thị trường. Ông Nguyễn Bá Sướng, Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng cho biết, nhằm khắc phục những tồn tại đó, từ năm 2011-2013, trung tâm đã phát triển trồng mới, thâm canh, chăm sóc và ghép cải tạo được 1.292ha cây ăn quả giá trị kinh tế cao. Trong đó mô hình thâm canh, trồng mới, chăm sóc bưởi khoảng 675ha. Hiệu quả của mô hình sau khi được hỗ trợ thâm canh, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến tăng lên rõ rệt: Năm 2012 tăng hơn 33 triệu đồng/ha so với 2011, năm 2013 tăng hơn 57 triệu đồng/ha so với 2012. Đặc biệt là mô hình trồng chuối tiêu hồng nuôi cấy mô. Trong ba năm (2011-2013), trung tâm đã thực hiện trồng mới chuối tiêu hồng nuôi cấy mô với quy mô 372ha.

Không chỉ chú trọng nâng cao chất lượng và diện tích cây ăn quả, trung tâm còn đặc biệt quan tâm đến việc xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm. Đến nay, trung tâm đã hỗ trợ và xây dựng được 4 nhãn hiệu sản phẩm quả: 2 nhãn hiệu nhãn chín muộn của Quốc Oai và Hoài Đức, 1 nhãn hiệu Bưởi đường Quế Dương, 1 nhãn hiệu cam Canh Kim An. Ngoài ra, trung tâm phối hợp với các dự án, đề tài khác huấn luyện, kiểm tra giám sát quy trình sản xuất và đã cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap cho 170ha nhãn chín muộn với 3.400 tấn quả, 120ha bưởi Diễn với 2.500 tấn quả và 40ha chuối với 2.800 tấn quả. Đồng thời hỗ trợ 5 HTX nông nghiệp đưa sản phẩm quả lên sàn giao dịch nông sản Hà Nội.

Phát triển cây ăn quả đang là hướng làm giàu hiệu quả cho nông dân các huyện ngoại thành. Tuy nhiên, hiện sản xuất cây ăn quả của Hà Nội mới đáp ứng được 21,4% nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô, còn lại phải nhập từ các tỉnh khác và nước ngoài. Nếu có định hướng phát triển tốt, mô hình cây ăn quả sẽ giúp các địa phương hoàn thành nhiều tiêu chí trong xây dựng NTM.

Đỗ Minh