Chuẩn mực văn hóa gia đình: Đang bị biến dạng
Xã hội - Ngày đăng : 06:15, 05/01/2014
Nhiều mô hình xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH), phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) hoạt động sôi nổi ở tất cả 63 tỉnh, thành phố, nhưng điều đáng lo ngại là sự mai một của văn hóa gia đình (VHGĐ) đang đe dọa tính bền vững của GĐ, ảnh hưởng tiêu cực tới đạo đức, lối sống của thế hệ trẻ...
Trước tuổi kết hôn, nam nữ thanh niên cần được trang bị kiến thức, kỹ năng về gia đình. Ảnh: Viết Thành |
Lối sống trong gia đình: Bị buông lỏng
Thời gian gần đây, công tác phòng, chống BLGĐ được triển khai sâu rộng ở tất cả các tỉnh, thành phố thông qua hàng vạn CLB phòng, chống BLGĐ, CLB xây dựng GĐ hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc, gần 500 mô hình dịch vụ GĐ, hơn 5.300 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng cho người bị BLGĐ tạm lánh, sẻ chia hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ. Nhờ đó, số vụ BLGĐ trong năm 2013 giảm gần một nửa so với năm 2009. Số hộ GĐ đạt chuẩn danh hiệu GĐVH trong năm 2013 cũng tăng lên so với những năm trước. Mặc dù vậy, công tác xây dựng GĐVN trong giai đoạn hiện nay vẫn gặp vô vàn khó khăn. "GĐ mặc dù đã được các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân quan tâm, hưởng ứng nhưng vẫn chưa được thường xuyên, liên tục; đội ngũ cán bộ phụ trách công tác GĐ, nhất là ở cấp huyện, xã chủ yếu là kiêm nhiệm, ít có sự đầu tư về chuyên môn; kinh phí dành cho công tác GĐ các cấp chưa đáp ứng yêu cầu, tuyến huyện, xã, thôn hầu như không có kinh phí hoạt động. Hơn thế, nhận thức của xã hội, cộng đồng về vai trò, vị trí của GĐ còn hạn chế. Điều đó khiến cho những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của GĐVN đứng trước nguy cơ mai một, BLGĐ vẫn còn đất sống, công tác xây dựng GĐVH chưa đạt hiệu quả như mong muốn", bà Trần Thị Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH,TT&DL) khẳng định.
Phân tích vai trò giáo dục của gia đình, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó ban Gia đình - Xã hội (TƯ Hội LHPN Việt Nam) cho rằng: Một bộ phận giới trẻ hiện nay sống thực dụng, chỉ chạy theo những giá trị vật chất mà bỏ quên những giá trị tinh thần; sống buông thả, không coi trọng những giá trị đạo đức… Tình trạng sống thử và quan hệ tình dục trước hôn nhân ngày càng tăng cao, tỷ lệ nạo phá thai ở mức báo động. Hiện cả nước có 5% em gái sinh con trước 18 tuổi và 15% sinh con trước 20 tuổi.
Từ góc độ quản lý, ông Hoa Hữu Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình nhận định, những vụ việc gây chấn động dư luận xã hội trong thời gian gần đây như vụ cháu nhỏ bị hành hạ tại lớp mầm non tư thục Phương Anh, quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), những clip hành hạ trẻ em được tung lên mạng hay các vụ án rùng rợn, phi nhân tính diễn ra trong thời gian gần đây có một phần nguyên nhân từ sự buông lỏng giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.
Nhìn vào bức tranh chung của xã hội cũng như những dẫn chứng thực tế nêu trên, không khó để nhận thấy những giá trị tốt đẹp của GĐVN đang đứng trước nguy cơ mai một.
Gia đình hạnh phúc là nền tảng phát triển của xã hội. |
Cần xây dựng chuẩn mực mới
Để xây dựng GĐ no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, góp phần nuôi dưỡng, giáo dục những con người mới có đạo đức, tri thức, lối sống lành mạnh, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc Việt Nam phải xây dựng chuẩn mực mới về VHGĐ.
Theo TS Nguyễn Toàn Thắng, Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh), ngoài những mô hình GĐ truyền thống (GĐ hạt nhân, GĐ nhiều thế hệ), Việt Nam hiện có thêm những mô hình GĐ mới (GĐ thỏa thuận mới, GĐ cấu tạo lại, GĐ đồng tính, GĐ đa văn hóa…) kéo theo các chức năng của GĐ, các chuẩn mực về VHGĐ cũng có nhiều thay đổi. Từ sự nhìn nhận này, TS Nguyễn Toàn Thắng kiến nghị các cơ quan chức năng nên xây dựng các chuẩn mực mới về VHGĐ; đồng thời có chương trình giáo dục kiến thức, kỹ năng về GĐ cho thanh niên nam nữ trước khi kết hôn. "Ở các nước phát triển, trước khi kết hôn, thanh niên nam nữ phải học các kiến thức, kỹ năng về GĐ. Còn ở nước ta, phần lớn thanh niên nam nữ trước khi lập GĐ chỉ làm lễ đăng ký kết hôn, trong khi mô hình GĐ đa văn hóa ngày càng phổ biến" - TS Nguyễn Toàn Thắng nói.
Đồng tình với quan điểm trên, GS Đặng Cảnh Khanh, nhấn mạnh: "Xã hội hiện đại làm biến đổi các chuẩn mực VHGĐ, cho nên chúng ta cần nghiên cứu một cách nghiêm túc, toàn diện về GĐVN trong truyền thống và hiện đại để tìm ra các chuẩn mực VHGĐ mới". Theo GS Đặng Cảnh Khanh, các chuẩn mực VHGĐ mới phải có sự kết hợp hài hòa giữa những giá trị của đạo đức với những quy định của pháp luật. Những quy chuẩn về pháp luật là cơ sở bảo đảm cho việc phát triển những quy chuẩn về mặt đạo đức, ngược lại, những quy chuẩn đạo đức là động lực tinh thần, ý thức tự giác cho việc tuân thủ những quy chuẩn pháp luật. Sau khi hoàn thiện, bộ tiêu chí về VHGĐ cần được phổ cập tới toàn dân như việc xóa mù chữ hay phổ cập giáo dục. "Đây là việc cần làm, phải làm, nên làm để phát huy tối đa vai trò của gia đình trong xã hội ngày nay" - GS Đặng Cảnh Khanh đề nghị.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình". Như vậy, việc xây dựng những chuẩn mực mới về VHGĐ Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là đòi hỏi tất yếu khách quan. Trong khi chờ đợi một bộ tiêu chuẩn về VHGĐ, thiết nghĩ ngay từ bây giờ, mỗi GĐ nên quan tâm tới việc giáo dục đạo đức, lối sống tốt đẹp, lành mạnh cho các thành viên để họ trở thành những công dân có ích cho xã hội.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học): Đáp ứng mọi nhu cầu của con cái là sai lầm Nhiều người chiều con cháu, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu quá mức của con cháu, khiến chúng trở nên vô cảm và ích kỷ. Nhiều bậc cha mẹ thỏa mãn mọi nhu cầu của con cái, kể cả nhu cầu vô lối. Nhiều khi chiều con chỉ để cho con ăn nhiều hơn, chơi ngoan, chăm chỉ học tập. Họ ít khi nói cho con cái biết rằng đồng tiền họ làm ra khó nhọc đến mức nào, không dạy cho con biết yêu quý cha mẹ, người thân… Vô tình bố mẹ đi từ cái sai này đến cái sai khác, từ sự thỏa hiệp này đến sự thỏa hiệp khác. Vì thế, từ nhỏ đến lớn, lúc nào con cái cũng được thỏa mãn. Việc đó trở thành thói quen dẫn đến giá trị sống của đứa con bị lệch lạc… |