”Kỷ lục” đáng suy ngẫm!

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:57, 05/01/2014

(HNM) - Theo Bộ Công thương, năm 2013, sản lượng bia của các doanh nghiệp trong nước ước đạt hơn 2,9 tỷ lít, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn trầm lắng, khó khăn bởi suy thoái, đặc biệt là có tới gần 61 nghìn doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, giải thể trong năm 2013, thì mức tăng trưởng trên được đánh giá là khá cao.

Tuy nhiên, sự "ăn nên, làm ra" của ngành sản xuất bia lại gợi lên nhiều suy ngẫm trong dư luận, có thể nói là buồn nhiều hơn vui. Tăng trưởng cao tất sẽ lãi nhiều, đóng góp lớn cho ngân sách, giải quyết được nhiều công ăn việc làm, mang lại thu nhập, đời sống ổn định cho người lao động… Song, sản lượng luôn tỷ lệ với mức độ tiêu dùng. Và theo báo cáo của cơ quan chức năng, sản lượng bia sản xuất trong năm 2013 chủ yếu phục vụ thị trường nội địa. Như vậy, nếu cộng cả lượng bia nhập khẩu thì chắc chắn trong năm qua đã có trên dưới 3 tỷ lít bia được người Việt Nam tiêu thụ. Nếu tính bình quân theo giá bia Hà Nội (22.000 đồng/lít) thì như vậy là trong năm qua người Việt đã chi tới 3 tỷ USD cho thứ đồ uống xa xỉ này. Đáng nói là mức tiêu thụ trên được người Việt Nam "duy trì" khá ổn định trong vài năm gần đây, theo như thống kê của Tổ chức Nghiên cứu thị trường Eurowatch. Và con số bình quân mỗi người uống 32 lít bia một năm đã đưa Việt Nam vào top 25 nước tiêu thụ bia nhiều nhất thế giới, đứng thứ ba ở Châu Á và "vô địch" trong khu vực Đông Nam Á.

Tác hại của bia, rượu thì ai cũng biết. Trước hết, việc dành quá nhiều thời gian uống bia, rượu sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất lao động và sự phát triển của xã hội. Đáng nói là Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương thời gian qua đã ban hành nhiều văn bản quy định việc xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức uống bia, rượu trong giờ làm việc, song tình trạng này vẫn chưa kiểm soát được, gây nhức nhối cho dư luận xã hội, ảnh hưởng đến chất lượng công việc cũng như làm giảm sút niềm tin của người dân về bộ máy thực thi công vụ. Bia, rượu là một trong những nguyên nhân quan trọng gây mất an ninh trật tự (theo thống kê, có tới 60% số vụ bạo lực liên quan đến sử dụng bia, rượu). Nguy hiểm hơn, sử dụng bia, rượu thường xuyên sẽ khiến sức khỏe bị bào mòn, là tác nhân gây ra nhiều chứng bệnh, trong đó có những bệnh nguy cơ tử vong cao. Đặc biệt, bia, rượu là một trong các tác nhân chính gây ra tai nạn giao thông. Theo thống kê của cơ quan chức năng, có tới 40% số vụ tai nạn giao thông (TNGT) với khoảng 11% số người tử vong do TNGT liên quan đến bia, rượu… Tựu chung lại, có thể khẳng định việc tiêu thụ nhiều bia rõ ràng là "lợi bất cập hại", và như một lãnh đạo Ủy ban ATGT quốc gia đã nhận định thì "ngân sách nhà nước và chi phí của nhân dân hằng năm để khắc phục hậu quả do tác hại của rượu, bia nói chung, trong đó có cả TNGT, là một khoản tiền không nhỏ, thậm chí vượt xa kinh phí thu được từ ngành sản xuất đồ uống có cồn". Ấy là chưa kể, ngoài "thành tích" tiêu thụ bia nội thì tình trạng ngày càng nhiều người xài sang, thích uống bia ngoại nhập khẩu cũng rất đáng bàn. Theo thống kê của chủ sở hữu thương hiệu Heineken, những năm gần đây Việt Nam đã "vươn lên" trở thành thị trường tiêu thụ nhãn bia này lớn thứ ba trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Pháp! Sự gia tăng nhập khẩu bia cũng như nhiều hàng hóa xa xỉ khác gây nên tình trạng mất cân bằng cán cân thương mại, dẫn đến nhập siêu…

Bởi những lý do trên mà kỷ lục về… "tài" uống bia đương nhiên sẽ chẳng thể khiến người Việt Nam cảm thấy tự hào, nhất là trong bối cảnh thu nhập bình quân đầu người của nước ta chỉ đứng thứ 7/10 quốc gia ASEAN. Thậm chí không ít người còn đặt ra một vấn đề đáng suy ngẫm: Trong khi tổng giá trị xuất khẩu gạo của nước ta mới đạt khoảng 1 tỷ USD/năm, nếu như 3 tỷ USD chi phí cho việc uống bia được sử dụng để đầu tư phát triển sản xuất, tăng cường xuất khẩu thì chắc chắn sẽ có nhiều ý nghĩa hơn.

Hà Anh