Thêm công cụ ngăn ngừa tội phạm “chống người thi hành công vụ”

Pháp luật - Ngày đăng : 08:23, 04/01/2014

(HNM) - Người phát ngôn của Bộ CA, Trung tướng Nguyễn Danh Cộng cho biết, năm 2013 hiện tượng chống người thi hành công vụ tuy giảm về số vụ, nhưng hành vi chống đối ngày càng nguy hiểm, manh động, liều lĩnh. Tình trạng chống đối tập thể có chiều hướng gia tăng.


Cũng trong thời điểm sắp kết thúc năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 208/2013/NĐ-CP quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ. Văn bản pháp quy này có ý nghĩa lớn đối với việc ngăn chặn, làm giảm tình trạng chống người thi hành công vụ.

Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng chống người thi hành công vụ, có thể đề cập đến hai yếu tố. Một là, do tính chất phức tạp của tội phạm cũng như các hành vi vi phạm pháp luật, đối tượng vi phạm ngày càng manh động, coi thường pháp luật và người thực thi pháp luật, cố ý chống đối. Hai là, từ nguyên nhân chủ quan, khi lực lượng thi hành công vụ chưa làm tròn chức trách, có biểu hiện sai phạm, nhũng nhiễu, dẫn đến bức xúc nhất thời, không được giải quyết kịp thời dễ dẫn đến vụ việc có tính chất chống người thi hành công vụ. Ngoài ra, tình trạng một số CBCS, lực lượng chức trách có biểu hiện lạm quyền, có lúc lạm quyền trong thời gian dài, dẫn đến bức xúc và phản ứng thái quá của công dân.

Thời gian gần đây, các vụ việc chống người thi hành công vụ có diễn biến phức tạp. Tại một số địa phương liên tục xảy ra tình trạng tội phạm và người vi phạm pháp luật chống đối lại lực lượng CA, có vụ tính chất hết sức mạnh động, buộc lực lượng chức năng phải áp dụng biện pháp mạnh, thậm chí nổ súng áp chế. Như vụ việc xảy ra ngày 19-12 tại TP Hồ Chí Minh, CA buộc phải nổ súng trấn áp đối tượng Nguyễn Mạnh Cương (SN 1989, quê ở Cần Giuộc, tỉnh Long An) khi đối tượng cố ý tấn công CA. Cũng tại TP Hồ Chí Minh, tối 21-12, 4 đối tượng làm náo loạn trụ sở CA phường 15 quận Bình Thạnh... Tại Hà Nội, theo đánh giá của CATP thì tình trạng chống người thi hành công vụ có giảm nhưng trong một số trường hợp cụ thể, khi đối tượng đã sử dụng rượu, ma túy, hành vi cự cãi, giằng co vẫn thường xảy ra...

Để giải quyết một phần tình trạng chống người thi hành công vụ, Nghị định 208 đã đề cập đến một số biện pháp hết sức cụ thể. Theo đó, với đối tượng cố ý chống trả người thi hành pháp luật, trong trường hợp cần thiết, cấp bách hoặc người có hành vi chống người thi hành công vụ sử dụng vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ tấn công người thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nổ súng để phòng vệ chính đáng, tấn công, khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ. Quy định này là hết sức cần thiết trước thực trạng tội phạm manh động.

Với những tình huống chống đối khác, Nghị định 208 có những quy định thể hiện yêu cầu cao về phương pháp ứng xử của chính người thi hành công vụ, cơ quan chức năng. Cụ thể, Nghị định nhấn mạnh đến những biện pháp như: Giải thích cho người có hành vi vi phạm biết rõ là họ đã vi phạm pháp luật và yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm đó; trường hợp tập trung đông người chống người thi hành công vụ thì cơ quan chức năng phải tiến hành các biện pháp vận động, thuyết phục đối tượng chấm dứt hành vi vi phạm...

Đánh giá đúng và đủ nguyên nhân dẫn đến hành vi chống người thi hành công vụ, Nghị định cũng quy định rõ những hành vi cần nghiêm cấm đối với người thi hành công vụ như: Tham nhũng, tiêu cực, hách dịch, cửa quyền hoặc có hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp; thái độ, tác phong, lời nói, ứng xử không đúng mực khi thi hành công vụ; vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vi phạm các quy định về nổ súng hoặc vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng… Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng chống người thi hành công vụ một cách bền vững thì thái độ, ý thức trách nhiệm trong khi thi hành công vụ của cán bộ chức năng là hết sức quan trọng.

Tư Đô