Kết quả của những cuộc làm ăn “êm thấm”

Thế giới - Ngày đăng : 07:10, 04/01/2014

(HNM) - Một công trình nghiên cứu của Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribbean (CEPAL) thuộc Liên hợp quốc vừa công bố cho biết đến năm 2015, Trung Quốc sẽ thay thế Liên minh Châu Âu (EU) trở thành điểm đến quan trọng thứ hai cho hàng hóa Mỹ Latin, chỉ sau thị trường Mỹ.

(HNM) - Một công trình nghiên cứu của Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribbean (CEPAL) thuộc Liên hợp quốc vừa công bố cho biết đến năm 2015, Trung Quốc sẽ thay thế Liên minh Châu Âu (EU) trở thành điểm đến quan trọng thứ hai cho hàng hóa Mỹ Latin, chỉ sau thị trường Mỹ.

Số liệu chính thức của CEPAL cho thấy, trao đổi thương mại giữa Mỹ Latin và Trung Quốc tăng tới 21 lần trong hơn 10 năm (từ 2000 đến 2012). Trong đó, trao đổi hai chiều Mexico - Trung Quốc tăng tới 114 lần, từ 542 triệu USD năm 1994 lên 63 tỷ USD năm 2013, cho dù hai nước chưa ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Trong quan hệ thương mại với nền kinh tế lớn nhất khu vực Mỹ Latin là Brazil, Trung Quốc cũng đã vượt Mỹ và EU để trở thành bạn hàng số 1 của nước này do tận dụng tối đa lợi thế từ khó khăn của Mỹ và EU trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới thời gian qua. Như vậy, nếu kinh tế thế giới hồi phục nhanh, thời điểm Trung Quốc trở thành điểm đến thứ hai cho hàng hóa xuất khẩu Mỹ Latin sẽ đến sớm hơn dự báo.

Cà phê là một mặt hàng của Mỹ Latin được thị trường Trung Quốc ưa chuộng.



Thực tế, trong hai thập niên vừa qua, rất nhiều khu vực của thế giới hưởng lợi lớn từ sự trỗi dậy của Trung Quốc, trong đó có Mỹ Latin. Năm 1990, Trung Quốc chỉ đứng thứ 17 trong danh sách các nước nhập khẩu hàng hóa lớn của Mỹ Latin. Đến năm 2011, Bắc Kinh trở thành thị trường xuất khẩu số 1 của Brazil, Chile và Peru, số 2 của Argentina, Cuba, Uruguay, Colombia và Venezuela. Cũng trong khoảng thời gian này, thương mại hàng năm giữa Trung Quốc và Mỹ Latin cũng tăng mạnh từ 8 tỷ USD lên 230 tỷ USD và dự đoán con số này sẽ cán mốc 400 tỷ USD vào năm 2017. Mỹ Latin đang trở thành nguồn cung nguyên liệu thô mang tính chủ chốt với nền kinh tế được cho là ngốn nguyên liệu nhiều nhất thế giới.

Mỹ Latin có đóng góp không nhỏ cho sự trỗi dậy của Trung Quốc. Đồng Chile, kẽm Peru và quặng sắt Brazil được vận chuyển ồ ạt với số lượng lớn tới đất nước đông dân nhất thế giới này. Bên cạnh tài nguyên khoáng sản, Trung Quốc cũng trở thành thị trường xuất khẩu thực phẩm lớn nhất của Mỹ Latin, khi chiếm tới 40% lượng nông sản xuất khẩu toàn cầu của khu vực. Các loại thực phẩm Mỹ Latin xuất sang Trung Quốc chủ yếu gồm thịt bò, thịt gia cầm, đậu nành, ngô, cà phê và thức ăn gia súc. Trong khi đó, những năm gần đây, Trung Quốc nổi lên như một nguồn tài trợ vốn phát triển mới. Ngân hàng phát triển Trung Quốc đã trở thành định chế tài chính phát triển lớn nhất thế giới với nhiều tỷ USD cho vay ở khắp khu vực; đồng thời là điểm đến dễ dàng của các quốc gia đang khát vốn như Venezuela, Ecuador và Argentina... Liên tiếp các khoản đầu tư xuyên đại dương của Trung Quốc được rót vào Mỹ Latin khiến thế giới ngỡ ngàng. Trung Quốc hiện đang nắm giữ 19% trong tổng kim ngạch ngoại thương của Brazil trong khi con số này vào năm 2001 mới chỉ là 2,8%. Tương tự, hiện Trung Quốc đang chiếm gần 20% tổng kim ngạch ngoại thương của Chile trong khi cách đây một chục năm con số này mới là 5,6%. Trung Quốc cũng đã đạt được thỏa thuận tự do thương mại với Chile và Peru để các thị trường này mở cửa với các sản phẩm của Bắc Kinh. Chính sách chi tiền phóng khoáng của Trung Quốc để đổi lấy nguyên liệu thô đã đem đến một khái niệm hoàn toàn mới: "Khi quy mô đủ lớn thì sẽ không sợ đổ vỡ". Rõ ràng lợi ích kinh tế từ hoạt động thương mại là rất lớn mặc dù giá trị trao đổi có khác nhau ở từng nước nhưng cuộc "làm ăn" êm thấm với Trung Quốc thời gian qua cũng đủ giúp nhiều quốc gia Mỹ Latin - từng một thời chịu ảnh hưởng Mỹ - giảm thiểu những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu.

Cho dù kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu chững lại trong năm qua, nhưng quốc gia đông dân nhất hành tinh hiện vẫn là nguồn tiêu thụ năng lượng số 1 thế giới. Và dù vẫn còn lâu Trung Quốc mới có thể thay thế Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ Latin nhưng điều đó không phải là không thể.

Kim Phượng