Bài 2: Người trong một nhà

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:07, 04/01/2014

(HNM) - Tạm biệt Trung úy y sĩ Nguyễn Văn Thành, Xôm Dân đưa tôi rời Trạm quân dân y Pa Lọ quay về Đồn Biên phòng Tam Thanh. Nếu như những chiến sĩ biên phòng như Thành, Dân đang ngày đêm vừa sưởi ấm tình người nơi biên cương, vừa giữ gìn an ninh biên giới, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao thì cán bộ, chiến sĩ biên phòng cửa khẩu Lao Bảo cũng vậy.


Giúp bạn trồng chuối, làm nhà

Tỉnh Quảng Trị có tuyến biên giới liền với hai tỉnh Savannakhet và Salavan của nước bạn Lào. Tổng chiều dài toàn tuyến là 206 cây số, với 59 cây số đường biên giới trên sông Sê Pôn và 147 cây số đường biên trên bộ, có 67 cột mốc quốc giới và các cọc dấu phụ. Hai huyện Hướng Hóa và Đakrông (tỉnh Quảng Trị) tiếp giáp với huyện Sê Pôn, Mường Noòng (tỉnh Savannakhet) và huyện Sa Muồi (tỉnh Salavan) của Lào. Cư dân hai bên biên giới sống chủ yếu bằng nghề nông, phương thức canh tác lạc hậu, làm nương rẫy là chính, cuộc sống còn khó khăn, thiếu thốn.

Một nông dân Vân Kiều ở bản Ka Túp (Lào) mang chuối đi bán.



Dọc tuyến biên giới thuộc tỉnh Quảng Trị có 25 cặp kết nghĩa bản - bản thì riêng Đồn Biên phòng cửa khẩu Lao Bảo có 5 cặp. Thiếu tá Trần Tuấn Anh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Lao Bảo, tự tin nói với chúng tôi: "Vì là đồn cửa khẩu nên công việc cũng nhiều, nói cũng khó hết, chi bằng anh em phóng viên cứ đi xuống địa bàn để hiểu thực tế hơn". Nói là làm, Thiếu tá Trần Tuấn Anh gọi điện thoại liền mấy cuộc. Điện xong, anh quay sang nói với giọng dứt khoát: "Anh em phóng viên chuẩn bị đồ gọn nhẹ để đi ngay. Vì đi qua sông Sê Pôn nên chỉ từ 3 đến 5 người là vừa". Chúng tôi hội ý nhanh, gút lại danh sách 5 người. Tất nhiên, trong đó có tôi, vì tôi tò mò muốn biết người Vân Kiều ở bên kia biên giới được gì, nghĩ gì từ việc kết nghĩa bản - bản.

Một chiến sĩ trinh sát địa bàn nhanh nhẹn đưa chúng tôi qua tổ công tác Tân Kim, xuống sông Sê Pôn, lên đò và sang đất bạn Lào. Đi bộ qua mấy xóm yên bình ven sông, chúng tôi được Teng One, Cụm trưởng Cụm bản Ka Túp - Mỹ Yên (huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet) tiếp đón niềm nở dưới mái nhà sàn thuộc bản Ka Túp 1. Tay rót nước mời khách, miệng Teng One vừa cười vừa nói bằng tiếng Việt khá sõi.

Teng One kể, ngày xưa cụm bản đối diện với Lao Bảo nghèo lắm. Cuộc sống của người Vân Kiều bên này chủ yếu trông vào làm lúa rẫy, thiếu thốn đủ đường. Những năm mất mùa, cái bụng thèm gạo cứ sôi òng ọc. Mấy con cá dưới sông Sê Pôn, củ chuối, củ sắn chỉ giúp dân cầm cự qua ngày. Vài năm trở lại đây, sau khi bản Ka Túp (Lào) kết nghĩa với bản Ka Túp (Việt), cuộc sống khấm khá dần lên, không còn phải lo đói nữa. Hồi mới kết nghĩa, người Việt qua Lào giúp làm lúa chống đói, sửa nhà, dựng nhà cho những gia đình nghèo. Ba năm gần đây, người Vân Kiều ở Ka Túp - Mỹ Yên chuyển dần sang trồng chuối. "Trồng chuối thắng hơn trồng lúa nhiều", Teng One vui vẻ cho biết. Hồi đầu chưa có giống thì người Việt đưa giống sang trồng. Giờ thì cả cụm bản có tới hơn 3.200ha chuối. Nhiều hộ đã thoát nghèo, mua được xe máy, thậm chí có nhà còn mua được cả ô tô. Nhà nào chưa có xe máy thì chờ người Việt đến thu mua hoặc đưa qua sông. Nhà nào có xe máy thì chở chuối sang Việt Nam bán.

Cuộc sống khấm khá lên, mối liên hệ qua lại giữa người Vân Kiều ở bên này và bên kia lại càng nồng ấm hơn. "Nhiều đôi trẻ lấy nhau lắm", Teng One hồ hởi khoe, "thỉnh thoảng tôi lại được mời đi ăn cỗ, uống rượu cưới ở bên Việt Nam". Từ ngày kết nghĩa, năm nào cũng có tổng kết, sau 3 năm cũng tổng kết và 5 năm cũng thế. Không chỉ đời sống kinh tế khá lên, tình hình an ninh biên giới cũng ổn định hơn. Các bản trong cụm ký cam kết không sử dụng và không buôn bán ma túy. Người Việt sang Lào làm những việc không đúng, Teng One sẽ báo cho biên phòng Việt Nam và ngược lại. Những đối tượng lạ buôn bán hàng cấm cứ xuất hiện trong bản là người dân sẽ báo cho Teng One. Teng One biết lại báo cho biên phòng hai nước để cùng nhau ngăn chặn hoặc phá án. Nhiều vụ buôn lậu hàng cấm đã bị phát hiện và bắt giữ.

Biên phòng Việt Nam không những giúp dân làm nhà, trồng chuối mà còn cùng Teng One giáo dục dân ăn học cho đều, dạy dân cách sống cho giàu, không nên đánh bạc, không nên nghiện và buôn bán ma túy. "À, cái trạm y tế của cụm bản mà biên phòng Lao Bảo đầu tư sắp được xây xong rồi đấy. Mời các bạn qua đấy xem", Teng One nói dứt lời là đứng dậy dẫn chúng tôi đi liền.

Giúp bản kết nghĩa xây trạm xá

Teng One đi trước vừa đi vừa nói về những dự định sắp tới. Qua hai con đường đất và một lối rẽ, trạm y tế đang vào giai đoạn hoàn thiện hiện ra. Công nhân xây dựng đang làm cửa và tường bao quanh khuôn viên. Trước đây, trạm chỉ có một khu vừa là phòng khám vừa là nơi ở của y sĩ, chỉ có một giường cho bệnh nhân nằm nếu bị bệnh nặng. Thấy trạm quá chật chội, cán bộ chiến sĩ biên phòng cửa khẩu Lao Bảo đã đóng góp tiền và kêu gọi hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp bên Việt Nam để xây thêm một khu nhà nữa. Dự tính ban đầu là khoảng 300 triệu đồng nhưng sau do xây thêm tường bao và chi phí gạch, ngói, cát, tôn cùng nhân công tăng lên dẫn tới kinh phí là hơn 500 triệu. Chỉ huy Đồn Biên phòng cửa khẩu Lao Bảo đã kêu gọi thêm nguồn hỗ trợ để hoàn thiện công trình.

Vài hôm nữa, khi trạm y tế hoàn thành, khu nhà mới sẽ để cho y sĩ ăn và ở. Phòng khám trước đây chỉ dùng cho việc khám, chữa bệnh và có thêm giường cho bệnh nhân nặng. Cô Chăn Xi, Y tá trưởng của trạm cười nói: "Có thêm nhà mới vui lắm! Mấy chị em làm cùng không còn phải ngủ chung nữa". Chăn Xi còn trẻ, chưa chồng, được học y sĩ ở huyện Sa Van và làm ở trạm này được một năm rồi. Chăn Xi nói: "Chưa muốn lấy chồng đâu vì làm ở đây nhiều bệnh nhân lắm và chỉ một, hai năm nữa sẽ chuyển đi trạm khác". Có hôm chẳng có ai đến khám. Có hôm lại đông lắm khám không kịp - Chăn Xi kể.

Cơn giông cuối mùa đột nhiên kéo đến. Chúng tôi vội vã chia tay Teng One, Chăn Xi để quay lại bến đò. Một người đàn ông đứng tuổi dáng nhỏ thó mặc bộ quần áo bộ đội cũ, lúc trước thỉnh thoảng có dịch lại cho Teng One những đoạn khó khi chúng tôi hỏi chuyện, cứ cầm tay mãi không muốn rời. Hỏi ra mới biết anh tên là Hồ Thêm trước ở bên Ka Túp (Việt Nam) năm 1980 chuyển qua bên Ka Túp (Lào) và trở thành công dân Lào.

Đức Trường