Tập trung tấn công tội phạm tại các địa bàn trọng điểm

Đời sống - Ngày đăng : 06:15, 04/01/2014

(HNM) - Ngày 3-1, Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm (BCĐ 138/CP) đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014.

Năm 2013, trên cả nước xảy ra hơn 59 nghìn vụ tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, tăng 5,03% so với năm 2012. Đáng lo ngại là xu hướng tội phạm trẻ hóa tăng, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội chiếm tỷ lệ cao, nhiều vụ có tính chất tàn bạo. Tội phạm có tổ chức hoạt động đan xen giữa các lĩnh vực kinh tế, hình sự dưới dạng đâm thuê, chém mướn, bảo kê, siết nợ, đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi. Tội phạm tham nhũng chủ yếu xảy ra trong triển khai các dự án, quản lý tài sản công, thực hiện chính sách xã hội và ở các tổng công ty, tập đoàn kinh tế lớn. Tình hình buôn lậu vàng, ngoại tệ, thuốc lá, hàng tiêu dùng... diễn biến phức tạp. BCĐ 138/CP đã chỉ đạo Bộ CA và các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, giải pháp quyết liệt nhằm kiềm chế gia tăng tội phạm tệ nạn xã hội. Bộ CA đã phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung mở các đợt cao điểm tấn công tội phạm; tiếp tục triển khai các giải pháp giải quyết tình hình tội phạm có tổ chức tại 18 địa bàn trọng điểm; tiếp nhận gần 100 nghìn tin tố giác tội phạm và chỉ đạo giải quyết đạt 90,5%. CA các cấp đã điều tra, khám phá hơn 44 nghìn vụ phạm pháp hình sự, triệt phá hơn 2.600 băng, nhóm tội phạm...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, năm 2014, BCĐ 138 các địa phương cần tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch theo tinh thần Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới", Nghị quyết số 37 của Quốc hội, trọng tâm là phê duyệt và tổ chức triển khai "Chiến lược quốc gia, phòng chống tội phạm giai đoạn 2015-2025 và định hướng 2030". Các cơ quan chức năng cần tập trung kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm nhất là ở 18 địa bàn trọng điểm về tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, 10 địa bàn trọng điểm về tội phạm có tổ chức. Nơi nào để tình hình tội phạm phức tạp, kéo dài thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, trưởng CA phải chịu trách nhiệm. Các cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án phải phối hợp chặt chẽ trong điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh tội phạm, không để lọt, không để oan sai; kịp thời truy tố, xét xử các vụ án lớn được dư luận quan tâm; tăng cường xét xử lưu động để răn đe tội phạm; phấn đấu đạt tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án đạt trên 70%.

Thành Tâm